Nối dài “chuỗi ngọc trai”?

Quỳnh Vũ 14/07/2017 09:05

Quân đội Trung Quốc vừa được triển khai đến căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của nước này ở Djibouti. Mặc dù Bắc Kinh nói rằng, căn cứ này chỉ được sử dụng cho các mục đích hậu cần và gìn giữ hòa bình, nhưng vị trí chiến lược của Djibouti khiến nhiều nước không khỏi lo ngại căn cứ nói trên có thể là một phần “chuỗi ngọc trai” an ninh của Trung Quốc, gồm tập hợp các liên minh và tài sản quân sự từ Myanmar, Bangladesh và Sri Lanka.

Căn cứ hậu cần...

Hãng Tân Hoa Xã đưa tin, một loạt tàu chở binh sĩ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) rời thành phố Trạm Giang để đến thiết lập căn cứ hỗ trợ ở Djibouti. Theo đó, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Thẩm Kim Long đọc một tờ lệnh về việc xây dựng căn cứ nói trên và trao cờ quân đội cho hạm đội. Tuy nhiên, hãng tin không công khai thông tin về quân số hoặc đơn vị tới Djibouti, đồng thời cũng không đả động thời điểm chính thức hoạt động của căn cứ. Trong khi đó, trang Sputnik của Nga tiết lộ khoảng 10.000 nhân lực sẽ được triển khai tới căn cứ.

Bắt đầu xây dựng căn cứ này từ năm ngoái và dù cho Mỹ cùng nhiều nước khác coi đây là căn cứ hải quân nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc, Bắc Kinh khẳng định đây chỉ là căn cứ hậu cần nhằm phục vụ các tàu quân sự tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình và viện trợ nhân đạo. Theo Tân Hoa Xã, căn cứ cũng sẽ giúp ích cho các nhiệm vụ ở nước ngoài, bao gồm hợp tác quân sự, tập trận chung, sơ tán, bảo vệ người Trung Quốc ở nước ngoài, cứu trợ khẩn cấp, đồng thời duy trì an ninh các tuyến đường biển quốc tế chiến lược. Hãng thông tấn của Trung Quốc nhấn mạnh việc phát triển căn cứ này không có nghĩa Bắc Kinh tìm cách bành trướng quân sự hay chạy đua vũ trang; và mục đích thiết yếu phát triển sức mạnh quân sự của Bắc Kinh là để bảo vệ sự an toàn của nước này chứ không phải tìm cách kiểm soát thế giới.

... hay toan tính chiến lược

Tuy nhiên, sự kiện Trung Quốc đưa quân đến căn cứ nước ngoài đầu tiên lại ở một vị trí chiến lược là rìa Tây Bắc Ấn Độ Dương đang khiến nhiều nước, đặc biệt là Ấn Độ, không khỏi lo ngại căn cứ nói trên có thể là một phần “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc.

Năm 2004, một cố vấn quân sự tại Lầu Năm Góc đã lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “chuỗi ngọc trai” (string of pearls) để chỉ đến hiện tượng những căn cứ hải quân cho Trung Quốc sử dụng mọc lên như nấm trên vành đai Ấn Độ Dương. Kèm theo đó là sự hiện diện ngày càng nhiều tàu chiến của Trung Quốc trong khu vực, khiến Ấn Độ và nhiều nước phương Tây, nhất là Mỹ phải lo ngại.

“Chuỗi ngọc trai” bắt đầu từ cảng biển phía Đông nước này, ở khu căn cứ tàu ngầm Tam Á, tại đảo Hải Nam. Tiếp đó là một chuỗi hải cảng do Trung Quốc tài trợ xây dựng hay hiện đại hóa để tạo thuận lợi cho các chiến hạm như: Sihanoukville (Campuchia), Kyaukpyu (Myanmar), Sittwe (Myanmar), Chittagong (Bangladesh), Hambatota (Sri Lanka) và Gwadar (Pakistan). Thêm vào đó còn có trạm do thám trên đảo Cocos và Port-Sudan. Trung Quốc hiện cũng nhắm đến những cơ sở tại Marao trên đảo Maldives, Seychelles và Lamu ở Kenya. Song song với đầu tư vào các cơ sở hạ tầng này, Trung Quốc còn gia tăng sự hiện diện của các tàu chiến. Kể từ năm 2009, hải quân nước này tham gia các chiến dịch chống cướp biển bằng cách duy trì trên vùng biển Oman ít nhất một tàu khu trục và một tàu chở dầu. Sự bùng nổ mạnh mẽ các cơ sở hàng hải của Trung Quốc trong khu vực này cho cảm giác Bắc Kinh đang tấn các “con chốt” của mình xung quanh vành đai Ấn Độ Dương vốn dĩ cho đến giờ vẫn do New Dehli và phương Tây kiểm soát.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc lần đầu tiên đưa quân ra nước ngoài, kể cả cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình, cũng cho thấy, Bắc Kinh đang dần từ bỏ chính sách không can dự vào các vấn đề bên ngoài kéo dài nhiều thập kỷ qua khi câu chuyện liên quan tới tài nguyên thiên nhiên.

Djibouti nằm trên một vị trí chiến lược ở Sừng châu Phi, phía Tây vịnh Aden, cửa ngõ tiến vào Biển Đỏ và Ấn Độ Dương. Hiện nay, toàn bộ tàu thuyền di chuyển từ phía Bắc tới châu Âu thông qua kênh đào Suez và từ phía Nam thông qua Biển Đỏ tới Ấn Độ Dương, đều phải dừng chân ở cảng Djibouti để mua nhu yếu phẩm và nạp nhiên liệu. Trong khi đó, vịnh Aden đóng vai trò quan trọng đối với Trung Quốc, bởi đây là khu vực dồi dào nguồn tài nguyên năng lượng và thương mại nhộn nhịp từ Trung Đông và châu Âu. Việc nắm quyền kiểm soát Biển Đỏ sẽ còn giúp Trung Quốc duy trì hoạt động của các tàu chở hàng trên hành trình tới Pakistan qua eo biển Malacca cũng như hiện thực hóa sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, trong đó Djibouti là một phần của sáng kiến.

Trước đó, Trung Quốc đã cho triển khai xây dựng tuyến đường sắt trị giá 3 tỷ USD nối Thủ đô Addis Ababa của Ethiopia tới Djibouti cũng như đầu tư 400 triệu USD để hiện đại hóa khu cảng đang xuống cấp tại quốc gia nhỏ bé Đông Phi. Việc Trung Quốc đổ một lượng lớn tiền đầu tư vào quốc gia Đông Phi đã khiến Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh công khai thừa nhận tầm quan trọng của “những người bạn mới đến từ châu Á”.

Quỳnh Vũ