Khi người đứng đầu “phải” chịu trách nhiệm

Thanh Hà 13/07/2017 07:28

Người đứng đầu luôn luôn chịu trách nhiệm. Vậy thì vì sao lại phải nhắc đến cụm từ “người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”. Điều 54, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ.

Thời gian gần đây, tại các địa phương, cụm từ “người đứng đầu phải chịu trách nhiệm” cũng được đề cập tới nhiều. Cụ thể như Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình vừa có công văn nhằm chấn chỉnh đạo đức nhà giáo trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình yêu cầu Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; Hiệu trưởng (Giám đốc) các đơn vị trực thuộc; Giám đốc Trung tâm giáo dục - dạy nghề cấp huyện khẩn trương tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường nền nếp, kỷ cương, xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình nhấn mạnh: “Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, thị xã, thành phố; Hiệu trưởng (Giám đốc) các đơn vị trực thuộc; Giám đốc Trung tâm giáo dục - dạy nghề cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khi để xảy ra các vụ việc liên quan đến vi phạm đạo đức nhà giáo”.

Còn tại Hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2017; triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm của tỉnh Quảng Ninh tổ chức vào ngày 10.7 vừa qua,  Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cương quyết: “3 địa phương giáp ranh biên giới là Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu kiên quyết không để hình thành đường dây buôn lậu, ổ nhóm, tụ điểm lớn. Địa phương nào để xảy ra các tình trạng trên người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước tỉnh và cơ quan cấp trên. Hay mới đây, Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu quy trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra buôn lậu…

Có thể thấy, pháp luật đã quy định trách nhiệm người đứng đầu ở các cấp, các ngành, đơn vị, tổ chức, nhưng tại sao khi triển khai nảy sinh những vấn đề nổi cộm, vướng mắc thì cụm từ người đứng đầu phải chịu trách nhiệm được nhấn mạnh? Rõ ràng ở đây các cấp, các ngành muốn hướng đến trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu; đòi hỏi thực thi công việc bằng chính uy tín, năng lực và dành tâm sức giải quyết những vấn đề nhức nhối. Và phải chăng, ở đây còn là bước đánh giá tín nhiệm thiết thực qua công việc cụ thể, không chờ giữa nhiệm kỳ hay hết nhiệm kỳ. Cũng cần phải thấy rằng, khi quy trách nhiệm cụ thể cho địa phương, cơ sở thì sự chuyển động công việc mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn, đôn đốc quyết liệt hơn và có nhiều giải pháp thực tế, hiệu quả hơn. Và pháp luật được thực thi đầy đủ, chi tiết, sinh động hơn trong cuộc sống!

Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) của Đảng cũng chỉ rõ: “Tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”. Bình thường, người đứng đầu luôn chịu trách nhiệm, nhưng có khi là trách nhiệm chung chung, trách nhiệm chính trị hoặc là chỉ đạo, đôn đốc. Khi người đứng đầu “phải” chịu trách nhiệm là khi công việc giậm chân tại chỗ, khi năng lực, uy tín và sự tận tâm ở vị trí “thủ lĩnh” được làm rõ.

Thanh Hà