“Cú hích” từ chính sách

Bài và ảnh: Bình Nhi 29/06/2017 07:24

Từ chỗ nợ quá hạn liên tục tăng cao, gấp gần 2,1 lần tỷ lệ nợ quá hạn bình quân chung toàn hệ thống; lãi tồn đọng chiếm 1/3 lãi tồn đọng của toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH); dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm… sau 5 năm, những con số này đã được cải thiện rõ rệt nhờ sự đột phá trong chính sách tín dụng vùng.

Những tín hiệu vui

Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Trần Hữu Hiệp khẳng định, Đề án Củng cố nâng cao tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ đã “vẽ lại bản đồ” chính sách tín dụng của quốc gia. Tây Nam Bộ từ “vùng trũng” với những điểm tối của tín dụng chính sách nay đã chuyển sang những gam màu sáng. Trong đó, nổi bật là “4 tăng - 1 giảm”: Tổng nguồn vốn ủy thác của các địa phương tăng ở mức 47,5%, nâng tổng nguồn vốn này lên trên 920 tỷ đồng; tăng tổng dư nợ tín dụng chính sách lên hơn 64,5% với tổng dư nợ chính sách tín dụng đạt gần 28.000 tỷ đồng, đưa mức tăng trưởng tín dụng chính sách hàng năm từ mức thấp hơn so với bình quân cả nước lên 10,5%, cao hơn mức bình quân của cả nước; số hộ thoát nghèo tăng; các Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng tăng mạnh cả chất và lượng. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ quá hạn từ mức rất cao, 4,11% (gấp gần 2,1 lần tỷ lệ nợ quá hạn bình quân chung toàn hệ thống) xuống còn 0,81%, thấp hơn so với các vùng miền khác cũng như bình quân của cả nước.

Vốn chính sách giúp nhiều nông dân Tây Nam Bộ thoát nghèo
Vốn chính sách giúp nhiều nông dân Tây Nam Bộ thoát nghèo

Sau 5 năm thực hiện, Đề án Củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng vùng Tây Nam Bộ đã giúp hơn 2.350 nghìn lượt người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh; gần 386 nghìn hộ vay vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 147 nghìn lao động; giúp trên 184 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 1.089 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; trên 36 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó, có trên 20 nghìn căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng ĐBSCL…

Điểm nổi bật của 5 năm thực hiện Đề án chính là hiệu quả việc tham mưu tổ chức thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội góp phần thay đổi sâu sắc nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong khu vực về tín dụng chính sách, về hoạt động của NHCSXH. Cùng với sự vào cuộc sâu sát, quyết liệt hơn trong chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách xã hội, chính quyền các tỉnh, thành phố trong khu vực đã quan tâm hỗ trợ NHCSXH về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác, cân đối nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Qua đó, nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng thêm 453 tỷ đồng (tăng 93,8% so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW), đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 936,5 tỷ đồng, điển hình như Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, An Giang, Trà Vinh...

Những cú hích từ Đề án Củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng vùng Tây Nam Bộ đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2012 - 2016 tại khu vực Tây Nam Bộ từ 10% (năm 2012) xuống còn 8,46% (năm 2016) theo tiêu chí nghèo đa chiều; đồng thời giảm số lượng xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn từ 153 xã, 10 tỉnh (năm 2013) xuống còn 93 xã, 8 tỉnh (năm 2016).

Kết quả này không chỉ minh chứng cho sự đúng đắn, kịp thời, sát thực tế của các nhà hoạch định chính sách, xây dựng Đề án mà còn là biểu hiện sinh động nhất cho sự chung sức, chung lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân vùng Tây Nam Bộ trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Để chính sách “mãi ở trong dân”

Giai đoạn 2016 - 2020, NHCSXH xác định nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Nam Bộ là phát triển theo hướng ổn định, bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ khác do NHCSXH cung cấp.

Đến năm 2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 13.000 tỷ đồng (+46%) so với thực hiện năm 2016, tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm; tỷ lệ nợ quá hạn duy trì ở mức mức dưới 1%/tổng dư nợ, hàng năm giảm ít nhất 15% số lãi tồn đọng; trên 70% số Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tốt, không có Tổ hoạt động yếu kém; tăng số dư tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn tối thiểu đạt 10% mỗi năm...

Để đạt được mục tiêu trên, NHCSXH tiếp tục bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, chính quyền địa phương các cấp vùng Tây Nam Bộ đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trong khu vực; nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ Tiết kiệm và vay vốn; duy trì, tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động giao dịch tại Điểm giao dịch xã; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò giám sát của người dân trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về tín dụng chính sách, đến các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội… để Tín dụng chính sách đi vào dân và sẽ mãi ở trong dân.

Bài và ảnh: Bình Nhi