Rạch ròi công - tư

Vũ Thủy 26/06/2017 07:38

Hiện, doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) đang khá phổ biến ở Việt Nam. Mô hình này có nhiều lợi thế như tính gắn kết cao, tiết giảm chi phí… song cũng bộc lộ những thách thức trong việc phát triển bền vững. Theo các chuyên gia, để chuyên nghiệp hóa DNGĐ, trước hết phải rạch ròi giữa doanh nghiệp và gia đình thông qua việc xây dựng cơ cấu tổ chức rõ ràng, đồng thời phải có lộ trình thực hiện chuyển giao giữa các thế hệ.

Không đáng buồn, chỉ đáng lo

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hoàng Gia Media Group Hoàng Hải Âu cho biết, trên thế giới, DNGĐ chiếm khoảng 50 - 70% tổng số doanh nghiệp. Tại Việt Nam, trong số khoảng 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa thì “tuyệt đại đa số là DNGĐ mà ở đó, một hoặc một nhóm người trong gia đình nắm giữ từ 20% cổ phần hoặc nắm quyền chi phối. Do vậy, có thể coi nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế gia đình. Điều này không đáng buồn mà chỉ đáng lo ngại”. Theo đó, mặc dù DNGĐ có những lợi thế như tính gắn kết cao, tiết giảm chi phí, giúp họ vượt qua được thời kỳ khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2009 - 2013, song khi cần phát triển lên một trình độ cao hơn thì DNGĐ lại bộc lộ những hạn chế, rào cản do không tiếp nhận người ngoài, thiếu minh bạch hóa… ảnh hưởng tới phát triển bền vững.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu bổ sung, khâu yếu hiện nay trong doanh nghiệp nói chung và DNGĐ nói riêng là vấn đề quản trị. Ông phân tích, thông lệ quốc tế khi đánh giá về quản trị doanh nghiệp chia làm 4 giai đoạn, gồm thức tỉnh, nhận thức, thay đổi và văn hóa. Đối chiếu với Việt Nam, cách quản trị doanh nghiệp mới đang ở giai đoạn thức tỉnh, một số ít đã chuyển sang giai đoạn nhận thức, trong khi Thái Lan đã bước sang văn hóa về quản trị. Việt Nam cũng chỉ đạt 35/100 điểm về mức độ quản trị doanh nghiệp!

Ngoài ra, theo các chuyên gia, DNGĐ cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro. Cụ thể, rất nhiều DNGĐ không tách bạch được gia đình và doanh nghiệp. Do vậy, trong nhiều trường hợp, mâu thuẫn gia đình là nguyên nhân khiến khủng hoảng về quản trị doanh nghiệp, thậm chí hủy hoại chính doanh nghiệp đó. Bên cạnh đó, nhiều chủ DNGĐ ít coi trọng vấn đề pháp lý, như nhờ người nhà đứng tên khi mở đại lý hoặc công ty con, khi có tranh chấp xảy ra rất phức tạp. Nhiều chủ DNGĐ chủ quan khi không lường được rủi ro về sức khỏe, tính mạng nên đã không chủ động quyết định những việc thuộc về tài sản, sở hữu như lập di chúc. Có trường hợp DNGĐ không có bản thỏa thuận cổ đông giữa các thành viên góp vốn đối với việc điều hành kinh doanh. Đây là những rào cản trong quá trình đi lên chuyên nghiệp hóa đối với khối DNGĐ hiện nay.

Tránh “chuyển nhưng không giao”

 Kết quả khảo sát thế hệ kế thừa năm 2016 do Công ty PwC thực hiện ở 31 quốc gia cho thấy, 60% thế hệ kế thừa lạc quan sẽ điều hành doanh nghiệp trong tương lai; phần lớn bắt đầu từ vị trí thấp và thăng tiến dần; hơn 90% đang nắm giữ hoặc kỳ vọng nắm giữ một vai trò quản trị hoặc giám sát trong doanh nghiệp; 70% làm việc ở bên ngoài trước khi tham gia vào DNGĐ; 69% cho rằng tuyển dụng nhân lực quản lý chuyên nghiệp từ bên ngoài để giúp hiện đại hóa doanh nghiệp; 59% cho rằng cần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ; 40% cho rằng đôi khi thấy chán nản khi phải thuyết phục thế hệ đương nhiệm về các ý tưởng mới; 90% cho rằng nên tuyển dụng người bên ngoài vào một số vị trí quan trọng trong doanh nghiệp…

“Phần lớn các DNGĐ hiện nay là chuyển tiếp từ thế hệ thứ nhất sang thế hệ thứ hai. Vấn đề là thành công ban đầu có duy trì được không còn phải phụ thuộc nhiều vào thế hệ kế thừa”, Phó Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam Hoàng Đức Hùng đánh giá.

Theo đó, việc chuyển giao thế hệ có vai trò đặc biệt quan trọng. Kết quả khảo sát thế hệ kế thừa năm 2016 của Công ty PwC cho thấy, trên thế giới, có khoảng 16.000 tỷ USD sẽ được chuyển giao cho thế hệ kế thừa trong 30 năm tới, 40% DNGĐ có sự chuyển giao thế hệ tiếp theo trong 5 năm tới. Song, chỉ có 12% DNGĐ chuyển giao đến thế hệ thứ 3, thường do các vấn đề trong nội bộ gia đình. Còn theo kết quả khảo sát về kỳ vọng liên quan đến thế hệ kế thừa, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cứ 5 DNGĐ thì ít nhất 1 DNGĐ có hoài bão nâng tầm cạnh tranh với doanh nghiệp châu Âu và Mỹ. Còn tại Việt Nam, DNGĐ muốn vươn ra khỏi biên giới cần chuyên nghiệp hóa. Vấn đề đặt ra là DNGĐ cần chuyên nghiệp hóa từ đâu nhằm giúp thế hệ kế thừa nối tiếp thành công?

Các chuyên gia cho rằng, trước hết cần phân định rạch ròi giữa quản trị doanh nghiệp và quản trị gia đình. Theo đó, các doanh nghiệp cần xây dựng cơ cấu tổ chức rõ ràng, phân định từng vị trí đảm nhiệm công việc cũng như người đảm nhiệm tương ứng. Bên cạnh đó, về điều lệ gia đình, cần làm rõ từng thành viên sở hữu bao nhiêu % cổ phần… Chia sẻ kinh nghiệm của nhiều DNGĐ thành công trên thế giới đã chuyển giao sang thế hệ thứ 4, thứ 5, Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam Đinh Thị Quỳnh Vân cho biết, đã tách bạch được kinh doanh và gia đình. Ở những DNGĐ này, thường số thành viên rất đông và trong đó có cả những người không muốn kế thừa. Họ thường đề ra điều lệ gia đình để bảo đảm quyền lợi giữa các thế hệ; đưa ra nguyên tắc vào tuổi nào, với điều kiện gì mới được tham gia điều hành, nếu không vẫn được nhận một khoản lợi ích nào đó. 

Để hỗ trợ thế hệ kế thừa, ông Hoàng Đức Hùng nêu ý kiến, các thế hệ đương nhiệm cần thấu hiểu khi nào và chỗ nào nên can thiệp giúp đỡ thế hệ kế thừa. Trong vấn đề này, ranh giới giữa “tham gia để giúp đỡ” và “không chịu từ bỏ” là rất mong manh, phải hết sức tránh “chuyển nhưng không giao”. Các thế hệ kế thừa cần được sự cho phép để gây dựng dấu ấn và được tạo cơ hội để triển khai những dự án kinh doanh mạo hiểm bên cạnh việc điều hành hoạt động cốt lõi của DNGĐ.

Ngoài ra, các thế hệ đương nhiệm cần giúp đỡ thế hệ kế thừa giải quyết các vấn đề xung đột gia đình; biến việc chuyển giao quyền lực thành cơ hội, tạo điều kiện cho thế hệ kế cận được tự do lựa chọn tương lai của bản thân…Các chuyên gia cũng gợi ý những nguyên tắc vàng cho thế hệ kế thừa có tham vọng. Theo đó, thế hệ kế thừa nên tích lũy kinh nghiệm bên ngoài trước, cần được giao công việc nhất định theo nguyên tắc “thử trước khi mua”, người kế thừa chỉ nên đảm nhận vai trò phù hợp với mình, nhận thức rõ hành vi của bản thân, đừng tạo áp lực cho chính mình, bảo đảm rằng kế thừa là cả một quá trình chứ không phải chỉ là một sự kiện... 

Vũ Thủy