Vai trò kiểm lâm trong bảo vệ và phát triển rừng

NGUYỄN QUỐC TRỊ
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, kiêm Cục trưởng Cục Kiểm lâm
18/06/2017 08:55

Được thành lập năm 1973, trải qua 44 năm xây dựng và phát triển, đến nay lực lượng kiểm lâm đã đạt được nhiều thành tựu, khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Nhiều thành tựu

Một là: Chủ động tham mưu, xây dựng góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, đáp ứng và phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn. Từ Pháp lệnh Bảo vệ rừng năm 1972 đến Luật Bảo vệ và phát triển rừng được ban hành năm 1991, sửa đổi, bổ sung năm 2004 và tiếp tục trình QH xem xét sửa đổi, bổ sung tại Kỳ họp thứ 3 và 4 Khóa XIV, cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác về công tác quản lý bảo vệ rừng đã được ban hành, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Hai là: Tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về quản lý bảo vệ rừng giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại. Lực lượng kiểm lâm đã thường xuyên bám rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng; trong 5 năm gần đây (từ 2010 - 2016) lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 186.401 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng.

Ba là: Công tác quản lý bảo vệ rừng từng bước được nâng lên. Lực lượng kiểm lâm đã hoàn thành dự án tổng điều tra, kiểm kê rừng, góp phần phục vụ công tác rà soát, đánh giá, quy hoạch tổng thể rừng cấp quốc gia và cấp vùng phục vụ kế hoạch quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Đã tổ chức giao được trên 11 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp (đặc dụng 2,043 triệu ha, phòng hộ 2,985 triệu ha, sản xuất 6,230 triệu ha) cho các chủ thể quản lý. Hướng dẫn gần 40.000 cộng đồng dân cư thôn, bản xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức thành lập được 33.000 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở cơ sở. Từ kết quả thực hiện của nhiều biện pháp đồng bộ theo chủ trương xã hội hóa đã góp phần đưa độ che phủ của rừng từ 39,5% năm 2010 lên 41,19% năm 2016. Hiện toàn quốc có 14,37 triệu ha rừng; trong đó, rừng tự nhiên là 10,24 triệu ha, rừng trồng 4,13 triệu ha.

Bốn là: Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng tiếp tục được mở rộng. Kiểm lâm đã được giao và tham gia tích cực các hoạt động hợp tác quốc tế như: Hiệp định khói mù xuyên biên giới; chống biển đổi khí hậu và nước biển dâng; Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT-LACEY; Mạng lưới thực thi pháp luật về động thực vật hoang dã... đã cơ bản hoàn thành trách nhiệm của nước thành viên, nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế có liên quan.

Cùng với thành tựu cơ bản trên, hiện nay lực lượng kiểm lâm cũng đang còn nhiều tồn tại và đối mặt với những khó khăn thách thức đó là: Tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, như phá rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích, đặc biệt ở các tỉnh vùng Tây Nguyên. Diễn biến thời tiết, biến đổi khí hậu bất thường là nguyên nhân khách quan còn xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi. Tình hình chống người thi hành công vụ ngày càng phức tạp, tính từ năm 2010 đến nay đã xảy ra 350 vụ chống người thi hành công vụ, trong đó có 96 vụ rất nghiêm trọng, làm chết 6 người, bị thương 277 người, trong khi quyền hạn của kiểm lâm còn nhiều hạn chế; việc bảo vệ người thi hành công vụ, giải quyết chế độ, chính sách đối với công chức kiểm lâm khi bị thương, hy sinh trong thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Lực lượng kiểm lâm và người dân trao đổi trực tiếp tại khu rừng
Lực lượng kiểm lâm và người dân trao đổi trực tiếp tại khu rừng

Khắc phục những tồn tại, hạn chế

Trong thời gian tới để lực lượng kiểm lâm đáp ứng được với nhiệm vụ được giao cần hội tụ được điều kiện sau: Thứ nhất: Cần hoàn thiện hệ thống cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm lâm theo hướng thống nhất hệ thống một đầu mối quản lý, bảo đảm cơ chế chỉ đạo, điều hành thông suốt, có hiệu quả từ trung ương tới địa phương. Đồng thời phải quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hệ thống tổ chức, chế độ chính sách, các điều kiện bảo đảm hoạt động của kiểm lâm vào trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi, để nâng cao tính pháp lý, thẩm quyền của kiểm lâm.

Thứ hai: Do điều kiện hoạt động của kiểm lâm có tính chất đặc thù, khó khăn, thường xuyên đối mặt với các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng nên cần thiết phải bảo đảm các điều kiện hoạt động để kiểm lâm hoàn thành nhiệm vụ, như vũ khí, công cụ hỗ trợ, các trang thiết bị cần thiết, bảo đảm chế độ, chính sách đối với công chức kiểm lâm.

Thứ ba: Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức kiểm lâm, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho công chức kiểm lâm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của công chức kiểm lâm, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tác phong, đạo đức, tiêu cực, thiếu trách nhiệm trong công tác, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

NGUYỄN QUỐC TRỊ<br><i>Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, kiêm Cục trưởng Cục Kiểm lâm</i>