Không để mất bò mới lo làm chuồng

Quỳnh Vũ 16/06/2017 08:33

“Một sự kiện thảm khốc sẽ phơi bày những thiếu sót và không đủ năng lực của chủ tòa nhà, chấm dứt tất cả những điều kiện sống nguy hiểm và thái độ coi thường những quy định về an toàn và sức khỏe cho người thuê”, Nhóm Hành động vì Grenfell (GAG) - một nhóm các cư dân sống tại Grenfell, tòa nhà 24 tầng vừa bị cháy rụi ở London, từng đưa ra cảnh báo từ hồi tháng 11.2016. Điều đó cho thấy, vấn đề phòng chống cháy nổ tại tòa nhà đã bị coi nhẹ mặc dù người dân đã nhiều lần lên tiếng.

Người Hồi giáo cứu sống nhiều cư dân

Xảy ra vào rạng sáng ngày 14.6 (giờ địa phương), vụ cháy tòa chung cư cao tầng Grenfell tại quận White City, Thủ đô London đã khiến ít nhất 17 người thiệt mạng, 78 người bị thương, trong đó 18 trường hợp bị thương rất nặng, hàng chục người chưa được tìm thấy. Công tác cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận các căn hộ trên cao. Sau hơn 16 giờ chữa cháy, 200 nhân viên cứu hỏa mới cứu được 65 người, trong khi lửa vẫn cháy bên trong tòa nhà.

Tòa chung cư 24 tầng bốc cháy ngùn ngụt Nguồn: Daily Stars
Tòa chung cư 24 tầng bốc cháy ngùn ngụt  Nguồn: Daily Stars

Người dân London đang nỗ lực trợ giúp những người sống sót sau vụ hỏa hoạn. Các trung tâm hỗ trợ tạm thời được thiết lập ở nhiều khu vực xung quanh tòa nhà Grenfell để những người sống sót có chỗ ở. Những người may mắn sống sót cho biết, người Hồi giáo trong tòa nhà đã cứu sống nhiều cư dân. Do nhiều người còn thức trong tháng lễ Ramadan nên họ là những người đầu tiên cảnh báo cho những cư dân khác khi đám cháy bùng phát vào 1h sáng.

Hệ thống báo cháy không hoạt động

Tòa nhà Grenfell được xây dựng từ năm 1974 gồm 120 căn hộ, là nơi ở của khoảng 600 người, do công ty Kensington và Chelsea Tenant Management Organisation quản lý. Năm 2016, Sở Cứu hỏa London đã khuyến cáo công ty này xem xét lại quy định phòng cháy chữa cháy. Đầu năm ngoái, Nhóm hành động vì Grenfell (GAG) cũng cảnh báo việc cả tòa nhà chỉ có một lối thoát hiểm là quá nguy hiểm và sẽ thành thảm họa nếu cháy. Tuy nhiên, những lời cảnh báo trên dường như bị coi nhẹ.

Năm 2015, tòa nhà được cải tạo với chi phí gần 9 triệu bảng Anh (11 triệu USD). Việc cải tạo tòa nhà được hoàn thành vào tháng 5.2016, bao gồm lắp đặt vỏ bọc cách điện, cửa sổ kính hai lớp và hệ thống sưởi ấm công cộng mới. Một chuyên gia về kỹ thuật chữa cháy tại sở cứu hỏa London nhận định, ngọn lửa dường như đã lan rất nhanh bên ngoài chứ không phải bên trong tòa nhà, và điều đó khá bất thường. Theo The Guardian, rất nhiều tấm ốp này đã bốc cháy dữ dội và khiến đám cháy lan nhanh từ tầng 2 lên các tầng trên. Harley Facades Limited là đơn vị thi công việc lắp đặt các tấm ốp ngoại thất tại Grenfell. Phía Harley đã liên hệ với nhà thầu chính cung cấp các tấm ốp nói trên nhưng đại diện nhà thầu từ chối đưa ra bình luận.

Trong khi đó, những nhân chứng khác cho biết, họ không hề nghe thấy tiếng chuông báo cháy khi vụ việc xảy ra. Vấn đề an toàn cháy nổ được đưa ra vào đầu năm 2012, khi người dân phát hiện các thiết bị chữa cháy ở đây đã không được kiểm tra trong suốt 4 năm liền. Ngoài ra, cư dân cũng bày tỏ lo ngại về cửa thoát hiểm duy nhất trong tòa nhà. Nếu cửa này bị chặn khi xảy ra hỏa hoạn thì mọi người đều sẽ bị mắc kẹt bên trong. Trong vụ cháy xảy ra rạng sáng 14.6, nhiều cư dân sống tại Grenfell nghi ngờ lối thoát hiểm đã bị chặn lại khi đám cháy bắt đầu bùng phát.

Trong một phát biểu trên truyền hình vào tối 14.6, Thủ tướng Anh Theresa May đã chia buồn với gia đình các nạn nhân vụ cháy, đồng thời cam kết sẽ điều tra nguyên nhân vụ việc một cách đầy đủ nhất. Bà cũng nhấn mạnh, việc quan trọng nhất là bảo đảm công tác cứu hộ diễn ra suôn sẻ và các nạn nhân của thảm họa này được hỗ trợ một cách tốt nhất. Tuy nhiên những gì diễn ra cho thấy, có thể thảm họa sẽ không xảy ra nếu ngay từ đầu những lời cảnh báo không bị xem nhẹ.

Quỳnh Vũ