Tuân thủ nguyên tắc 4 đúng
Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách là nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đây cũng chính là “kim chỉ nam” trong công tác quản lý thuốc BVTV; đồng thời luôn chú trọng rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định về quản lý thuốc BVTV nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả tất cả các khâu từ đăng ký, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng đến tiêu hủy thuốc và bao gói sau sử dụng...
Hoàn thiện hệ thống pháp luật
Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuốc BVTV ở nước ta về cơ bản đã đầy đủ và hoàn chỉnh bao gồm Luật Hóa chất 2007, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2015, Nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Bộ NN - PTNT. Các văn bản pháp lý trên đã giúp công tác quản lý nhà nước về thuốc BVTV theo hướng chặt chẽ, hiệu quả trên tất cả các khâu, loại bỏ dần những thuốc BVTV có độc tính cao, đồng thời khuyến khích đăng ký, lưu thông và sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn, hiệu quả.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam hiện nay có 385 hoạt chất đơn của 4.068 tên thương phẩm bao gồm: Thuốc trừ sâu; thuốc trừ bệnh; thuốc trừ chuột; thuốc điều hòa sinh trưởng; chất dẫn dụ côn trùng; thuốc trừ ốc; chất hỗ trợ; thuốc trừ mối; thuốc bảo quản lâm sản; thuốc khử trùng kho; thuốc sử dụng cho sân golf; thuốc xử lý hạt giống; trong đó tỷ lệ thuốc sinh học chiếm khoảng 19%. Hầu hết các thuốc trong Danh mục tương đối ưu việt so với các nước trên thế giới, nhiều loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, thuốc thế hệ mới được phát minh và được ứng dụng tại Việt Nam an toàn cho con người và môi trường đã được đưa vào Danh mục được phép sử dụng bảo đảm sản xuất tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
![]() Nguồn: hoinongdan.org.vn |
Hầu hết các thuốc BVTV sử dụng ở Việt Nam đều phải nhập khẩu từ hơn 40 nước trên thế giới, nhiều nhất từ Trung Quốc chiếm khoảng 60% và các nước khác như: Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Israel, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Italy... Tất cả các lô thuốc BVTV nhập khẩu vào nước ta phải được kiểm tra nhà nước về hàm lượng và các chỉ tiêu chất lượng của thuốc BVTV. Việc kiểm soát chất lượng thuốc BVTV được thực hiện chặt chẽ và thường xuyên, bảo đảm đúng quy định. Chỉ có lô hàng thuốc BVTV đạt yêu cầu chất lượng mới được phép nhập khẩu và đưa vào sử dụng, những lô hàng không đạt chất lượng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam (trung bình chưa đến 1%/năm lô hàng không đạt chất lượng buộc phải tái xuất).
Thanh tra, kiểm tra xử lý kịp thời
Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành đánh giá và chỉ định 11 phòng thử nghiệm của ngành nông nghiệp trong đó, 8 phòng thí nghiệm đủ điều kiện thử nghiệm về chất lượng và dư lượng thuốc BVTV, 3 phòng đủ điều kiện thử nghiệm dư lượng, 1 phòng trong lĩnh vực sinh học (thuốc thảo mộc). Ủy quyền kiểm tra nhà nước cho 3 phòng thí nghiệm về chất lượng thuốc BVTV nhập khẩu; 4 tổ chức chứng nhận hợp quy thuốc BVTV và 2 đơn vị đủ điều kiện khảo nghiệm thuốc BVTV.
Theo số liệu báo cáo từ Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố, hiện nay trên địa bàn cả nước có hơn 30.000 cửa hàng đại lý buôn bán thuốc BVTV. Hàng năm, thanh tra chuyên ngành tại các địa phương đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm và kiểm tra, đánh giá phân loại đối với cơ sở sản xuất thuốc BVTV.
Công tác kiểm tra, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV được phân cấp cụ thể từ Trung ương đến địa phương bao gồm: Hướng dẫn và giám sát nông dân sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng; thực hiện đúng hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc và người sử dụng có trách nhiệm bảo quản thuốc, thu gom bao gói thuốc sau khi sử dụng để đúng nơi quy định.
Năm 2015, các Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, tập huấn bổ sung kiến thức chuyên môn và văn bản pháp luật mới cho hộ kinh doanh thuốc; tập huấn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, xử lý thu gom bao bì sau sử dụng đúng nơi quy định đối với các hộ nông dân. Tổng số lớp đã tổ chức là 5.056 lớp với 130.233 người tham dự. Kết quả năm 2015 cho thấy, trong số 10.999 hộ nông dân được thanh tra, kiểm tra về sử dụng thuốc BVTV, có 2.282 hộ vi phạm (20,74%). Hình thức vi phạm sử dụng thuốc BVTV không bảo đảm thời gian cách ly; sử dụng thuốc BVTV chưa được đăng ký sử dụng trên rau, quả; sử dụng thuốc BVTV không đúng quy trình kỹ thuật, nồng độ liều lượng…
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích không thể phủ nhận nhưng thuốc BVTV luôn tiềm những nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường nếu không tuân thủ đúng quy định trong quá trình sử dụng, gây lo ngại trong cộng đồng và xã hội về nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Vì vậy, cần phải đánh giá, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, khoa học, từ đó có các giải pháp hiệu quả, khả thi để cải thiện tình hình.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuốc BVTV ở nước ta hiện nay là một nhân tố quan trọng có tính quyết định để góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái, bảo vệ uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới. Để thực hiện tốt công tác quản lý thuốc BVTV hiện nay, cần thực hiện các biện pháp đồng bộ: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực thuốc BVTV; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng chương trình hoặc đề án tổng thể củng cố về tổ chức và chính sách nội dung hoạt động của màng lưới dịch vụ BVTV - khuyến nông cơ sở; Tăng cường thanh tra, kiểm tra khâu sử dụng thuốc BVTV; tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của người sản xuất, người buôn bán, sử dụng thuốc.