Mô hình cơ quan quản lý nợ công

Nhật An 04/06/2017 08:52

Hầu hết các nước đều có cơ quan quản lý nợ công với các tên gọi khác nhau như Ủy ban Quản lý nợ và rủi ro (Thổ Nhĩ Kỳ); Văn phòng quản lý nợ (Anh, Brazil, Indonesia); Cục Quản lý nợ công (Ba Lan); Cơ quan quản lý nợ (Bulgaria, Thái Lan, Columbia)... Nhìn chung, mấy mô hình cơ quan quản lý nợ công phổ biến là: Cơ quan trực thuộc bộ; Cơ quan trực thuộc Ngân hàng Trung ương; Công ty trực thuộc Chính phủ. Một số nước không có cơ quan quản lý nợ công thống nhất mà phân chia các chức năng quản lý nợ cho nhiều đơn vị.

Cơ quan thuộc bộ

Ở nhiều nước trên thế giới (như Italy, Hy Lạp, Ba Lan, Cộng hòa Síp, Slovenia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Colombia, Jamaica), cơ quan quản lý nợ công thuộc Bộ Tài chính. Tuy nhiên, ở Tây Ban Nha, cơ quan quản lý nợ thuộc Bộ Kinh tế và Cạnh tranh. Theo mô hình này, chức năng quản lý nợ có thể được phân chia cho một bộ phận hoặc nhiều bộ phận trực thuộc một Bộ. Mục tiêu quản lý nợ được xác định và thực hiện gắn với mục tiêu chính sách ngân sách. Tuy nhiên, mô hình này có khả năng dẫn đến xung đột mục tiêu.

Australia, New Zealand, Hà Lan, Anh, Bỉ, Pháp, cơ quan quản lý nợ là cơ quan độc lập nằm trong Bộ Tài chính. Cụ thể, Văn phòng Quản lý tài chính của Australia (AOFM) là cơ quan độc lập thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tài chính, thông qua Bộ trưởng Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nợ công. Bộ trưởng Tài chính có quyền chỉ định người đứng đầu cơ quan này; đồng thời đứng đầu Ban Cố vấn của AOFM nhằm giám sát và đưa ra những khuyến nghị về quản lý các danh mục nợ công, các chiến lược kiểm soát rủi ro tài chính.

Cơ quan thuộc Ngân hàng Trung ương

Đan Mạch tổ chức cơ quan quản lý nợ công trực thuộc Ngân hàng Trung ương. Ngoài ra, ở châu Á, mô hình này được áp dụng ở một số nước như Myanmar, Pakistan… Với tên gọi Cơ quan Quản lý nợ Chính phủ, cơ quan quản lý nợ của Đan Mạch quản lý các khoản nợ và cho vay của Chính phủ Trung ương, tài sản của ba quỹ của Chính phủ gồm Quỹ Lương hưu xã hội, Quỹ Công nghệ tiên tiến, Quỹ Môi trường làm việc tốt hơn và duy trì lao động. Theo mô hình này, việc quản lý nợ công (mục tiêu, chiến lược, hoạt động của cơ quan quản lý nợ) có thể gây chồng chéo với các mục tiêu của chính sách tiền tệ và cũng có khả năng dẫn đến xung đột mục tiêu.

Công ty trực thuộc Chính phủ

Ở Ireland, Đức, Thụy Điển hay Hungary, cơ quan quản lý nợ công được tổ chức dưới hình thức công ty quản lý nợ trực thuộc Chính phủ. Công ty Tài chính thuộc Chính phủ Liên bang Đức là nhà cung cấp dịch vụ trung tâm tổ chức các khoản vay và tiến hành quản lý nợ của Chính phủ Liên bang. Cơ sở pháp lý cho hoạt động của công ty này là đạo luật Quản lý nợ công. Theo Luật này, Bộ Tài chính có quyền giám sát hoạt động của Công ty Tài chính. Ngoài ra, công ty này có trách nhiệm hàng năm phải báo cáo với Nghị viện về hoạt động trong các vấn đề liên quan đến nợ công. Công ty được thành lập bởi Chính phủ Liên bang Đức vào năm 2000, có trụ sở tại Frankfurt. Công ty này vận hành trong thị trường tài chính quốc tế với danh nghĩa và mục đích duy nhất nhằm phục vụ lợi ích của Cộng hòa Liên bang Đức.

Không có cơ quan quản lý thống nhất

Trung Quốc có 3 cơ quan trong Bộ Tài chính được phân công quản lý nợ công gồm: Vụ Tài chính chịu trách nhiệm nghiên cứu chính sách phát hành nợ trên thị trường quốc tế và xây dựng chế độ quản lý nợ; chịu trách nhiệm phát hành nợ của Chính phủ trên thị trường quốc tế và thực hiện công tác đánh giá tín nhiệm; lập dự toán, quyết toán hàng năm về vay nợ, trả nợ gốc, trả lãi và lập kế hoạch vay nợ của Chính phủ, đàm phán, ký kết vay nợ, xây dựng các chế độ và chính sách liên quan, đồng thời tiến hành giám sát, quản lý việc sử dụng vốn vay và trả nợ. Vụ Hợp tác quốc tế chịu trách nhiệm đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế và các chính phủ nước ngoài về vay nợ, bảo lãnh và huy động vốn. Cơ quan Kho bạc nghiên cứu chính sách vay nợ trong nước của Chính phủ, xây dựng chế độ quản lý nợ; chịu trách nhiệm phát hành, trả nợ và quản lý thị trường nợ thứ cấp, nghiên cứu quá trình vận hành của thị trường nợ.

Ấn Độ không có cơ quan quản lý nợ thống nhất và các chức năng quản lý nợ cũng được phân chia cho các đơn vị thuộc bộ Tài chính, Kiểm toán và Ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên, hiện Bộ Tài chính nước này đang trình ra Hạ viện dự thảo luật Cơ quan Quản lý nợ công (PDMA), nhằm thành lập cơ quan độc lập chuyên trách vấn đề này.

Hệ thống quản lý nợ lý tưởng

Một hệ thống quản lý nợ lý tưởng thường gồm 5 đơn vị:

- Đơn vị chính sách: Chịu trách nhiệm quyết định nhu cầu vay mượn của khu vực tư và công. Cơ quan này phối hợp hoạt động với tất cả các đơn vị của Chính phủ đảm nhiệm việc quản lý nợ.

- Đơn vị kiểm soát phân tích tác động của vay mượn: Thực hiện bảo lãnh khi cần; quyết định hoàn trả hay vay bắc cầu; bảo đảm các hướng dẫn và chính sách liên quan đến các hiệp định đàm phán và bảo lãnh.

- Đơn vị tư vấn: Có chức năng trung tâm, theo dõi xu hướng thay đổi của thị trường tài chính quốc tế, theo dõi sự thay đổi của lãi suất và tỷ giá hối đoái, phân tích đánh giá các công cụ tài chính khác nhau và khả năng áp dụng từng loại công cụ phù hợp với quốc gia; theo dõi việc tiếp cận và khả năng tiếp cận thị trường, lượng vốn vay, chi phí vay vốn, thời điểm tham gia vào thị trường và đưa ra những lời khuyên cho Chính phủ về các điều kiện ưu đãi nhất có thể chấp nhận.

- Đơn vị hoạt động: Đàm phán khoản vay với các chủ nợ. Cơ quan này có thể nằm trong Bộ Tài chính điều chỉnh việc ai sẽ đi vay, nộp đơn, thương thuyết, thụ hưởng, báo cáo.

- Đơn vị thống kê ghi chép các hiệp định và hợp đồng đã được đàm phán theo từng bên đi vay, thu thập các thông tin chi tiết khoản vay và cung cấp một thời biểu trả nợ và trả lại đúng hạn. Cơ quan này cũng theo dõi tất cả các khoản bảo lãnh của Chính phủ cũng như các khoản bảo lãnh bất thường đối với khu vực tư nhân.

Nhật An