GDP không phản ánh được chất lượng cuộc sống

Vũ Thủy thực hiện 31/05/2017 08:41

Với lập luận GDP không phải là thước đo tăng trưởng duy nhất, không phản ánh phát triển kinh tế toàn diện cũng như các vấn đề xã hội, môi trường… PGS.TS. PHƯƠNG NGỌC THẠCH, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP Hồ Chí Minh cho rằng, thay vì chú trọng đạt được mục tiêu tăng trưởng Việt Nam nên ưu tiên các mục tiêu dài hạn, hướng tới phát triển bền vững.

Tăng trưởng GDP không phải là tất cả

GDP không phản ánh được chất lượng cuộc sống ảnh 1

Phải thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển

Chúng ta đã phải đi vay để trả nợ vay, chủ trương cắt giảm chi tiêu, trong đó quan trọng là các khoản chi thường xuyên đã được đặt ra. Tuy nhiên, bội chi ngân sách hằng năm vẫn cao. Chính sách thắt lưng buộc bụng gồm các điều như tăng thuế, giảm chi tiêu công, xã hội hóa dịch vụ công tỏ ra thiếu tính thuyết phục, “lợi bất cập hại”. Do đó, thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (giáo dục, y tế) sẽ giảm mạnh chi ngân sách nhà nước cho các khu vực này, tác động đến đời sống người dân.

Bên cạnh đó, cần tăng nội lực bằng việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn đang đóng góp tới hơn 40% GDP. Muốn vậy, cơ chế chính sách phải thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, chứ không thể chỉ là những quyết tâm, khẩu hiệu… - điều mà chúng ta vẫn thấy lâu nay.

PGS.TS. Phương Ngọc Thạch

- Có ý kiến cho rằng, việc dùng GDP làm thước đo cho tăng trưởng đã không còn phù hợp. Ông nghĩ sao?

- Trên thế giới hầu như không có quốc gia nào không quan tâm tới tăng trưởng kinh tế. Vấn đề là lâu nay, chúng ta vẫn xem GDP như là một tiêu chí duy nhất làm thước đo tăng trưởng của nền kinh tế, cho rằng nếu không có tăng trưởng kinh tế thích đáng sẽ không có sự phồn vinh của đất nước và nâng cao đời sống của nhân dân. Điều này có thể dẫn đến những đánh giá không chính xác và từ đó đưa ra những chính sách sai lầm.

- Xin ông phân tích cụ thể hơn?

- Trong ngắn hạn, sản lượng của nền kinh tế được lan tỏa bởi tổng cầu cuối cùng (GDP) và khi GDP tăng sẽ kích thích sản xuất trong thời kỳ sau. Tăng trưởng kinh tế (phía cầu) dựa trên nền tảng sản xuất (phía cung) rất mạnh mẽ, hàng hóa nhiều và chất lượng. Với nền tảng là phía cung như vậy, việc kích thích ở phía cầu có thể là hợp lý. Khi phía cung yếu kém, mọi can thiệp vào phía cầu không làm tăng sản lượng và thu nhập từ sản xuất mà chỉ tiềm ẩn rủi ro lạm phát và thâm hụt thương mại.

Thêm vào đó, tăng trưởng GDP chỉ nêu được quy mô nền kinh tế, tính được tốc độ và cơ cấu kinh tế, nhưng không phản ánh được chất lượng cuộc sống của người dân và các yếu tố khác như môi trường, y tế, giáo dục... GDP chỉ cộng thêm sản phẩm làm ra mà tính đến những chi phí về mặt xã hội và môi trường; không thể phản ánh phát triển kinh tế một cách toàn diện, đầy đủ vai trò quan trọng của dịch vụ công trong phát triển kinh tế cũng như sự khác biệt chất lượng phát triển kinh tế, tình trạng việc làm, phân phối thu nhập… Chúng ta nên thấy rằng tăng trưởng GDP không phải tất cả, việc phân phối lại thu nhập và việc tăng để dành mới là điều cốt yếu của một quốc gia về lâu dài.

Nên ưu tiên mục tiêu dài hạn hơn là tăng trưởng GDP

- Tại các kỳ họp cuối năm, QH cân nhắc và biểu quyết chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho năm tới, hoặc cho giai đoạn 5 năm tiếp theo. Theo ông, có nên đưa tăng trưởng GDP thành chỉ tiêu pháp lệnh như vậy hay không?

- Chỉ tiêu GDP đánh giá quy mô của nền kinh tế qua các năm, đồng thời đánh giá tốc độ tăng về mặt lượng. Trong khi đó, lẽ ra Việt Nam phải ưu tiên các mục tiêu dài hạn để phát triển bền vững như giải quyết vấn đề nợ xấu, thâm hụt ngân sách, việc làm… và chấp nhận trong ngắn hạn có thể tăng trưởng GDP không đạt chỉ tiêu.

Trên thực tế, không chỉ có GDP, chúng ta có rất nhiều chỉ tiêu mà cơ quan quản lý có thể dựa vào đó điều hành đất nước. QH cần thông qua các chỉ tiêu cung của nền kinh tế như thu chi ngân sách, tổng kim ngạch xuất khẩu, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp… 

- Tức là, vẫn nên tiếp tục lấy GDP như là một chỉ tiêu pháp lệnh?

- Tạm thời chúng ta vẫn có thể duy trì chỉ tiêu này. Song, cần quy định rõ là nếu chỉ tiêu GDP phía cầu không đạt, các chỉ tiêu phía cung như thu chi ngân sách, giảm nợ công… đạt tốt thì các ĐBQH cho ý kiến đánh giá, nhưng nếu 2 năm không đạt thì QH nên bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

- Trên thế giới, người ta có đặt tăng trưởng GDP làm chỉ tiêu pháp lệnh như Việt Nam không, thưa ông?

- Như tôi biết thì không có nước nào làm vậy. Bởi trên thực tế, con số GDP không phải “thân thiện” với đời sống người dân, người dân không cần GDP tăng mạnh rồi chỉ một bộ phận nhỏ được hưởng lợi, còn đa số chịu rủi ro vì tăng lạm phát. Điều cần là làm sao tăng chất lượng GDP để nền kinh tế mạnh lên, chất lượng cuộc sống của người dân tăng cùng với sự gia tăng quy mô nền kinh tế. Kinh nghiệm của Đan Mạch, Thụy Điển, Đức… cho thấy điều đó.

- Xin cảm ơn ông!

Vũ Thủy thực hiện