Thông điệp từ những tràng vỗ tay

Hồng Loan 18/05/2017 08:05

Sáng hôm qua, rất nhiều tràng vỗ tay đã vang lên trong hội trường lớn của Trung tâm Hội nghị Quốc gia - nơi Thủ tướng Chính phủ lần thứ 2 gặp cộng đồng doanh nghiệp kể từ khi nhậm chức. Tiếng vỗ tay của 2.000 đại biểu doanh nghiệp thể hiện sự đồng cảm và hưởng ứng khi có người chạm trúng những rào cản họ đang gặp phải. Tiếng vỗ tay ấy cũng thể hiện niềm vui và sự kỳ vọng khi Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đưa ra những cam kết.

“Chính phủ cần chúng ta nói sự thật”

“Chính phủ cần chúng ta nói sự thật, không nói thành tích” - ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Hợp Lực, Chủ tịch Hội bệnh viện tư nhân Việt Nam mở đầu phần phát biểu của mình. 

Điều đầu tiên ông Đệ nói tới là: muốn Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp có hiệu quả thì phải tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. “Theo tôi, ở địa phương hiện phải thừa khoảng 50% cán bộ, công chức. Họ đi chơi quá nhiều. Họ ngồi bói chữ nhiều hơn là làm. Tránh mua quan, bán chức chúng ta mới chọn được người tài, người có năng lực như tinh thần Thủ tướng đã nêu”. Ông Đệ chưa kịp dứt lời, hai nghìn đại biểu doanh nghiệp ngay lập tức vỗ tay hưởng ứng. Tiếng vỗ tay vang lên to hơn khi ông nhắc đến những Nghị quyết quan trọng của Hội nghị Trung ương 5 và đề xuất: “cái gì doanh nghiệp làm được thì Nhà nước đừng làm nữa, Nhà nước làm thì thất thoát cao, lợi ích nhóm lớn”; “khu vực công hay tư đều phải bình đẳng khi áp dụng chính sách pháp luật”; và  “không thể cái gì thuận thì đẩy cho công, khó thì đẩy cho tư”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các doanh nghiệp tại hội nghị Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các doanh nghiệp tại hội nghị  Ảnh: VGP

Trong khoảng chục phút Chủ tịch Hội bệnh viện tư nhân Việt Nam bày tỏ ý kiến, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần hướng ánh nhìn về bục phát biểu và chăm chú lắng nghe. 

Trên thực tế, những nội dung ông Đệ nhắc đến Chính phủ đều đã nhận thấy và đang nỗ lực tạo ra thay đổi. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “trong một năm qua, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”. Nhằm mở rộng thị trường và cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 58/2016/QĐ-TTg đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Dự kiến đến 2020 chỉ còn 103 doanh nghiệp nhà nước, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực: quốc phòng an ninh, xổ số, truyền tải điện, in đúc tiền, công ích, xuất bản... “Chính phủ cũng đã ban hành 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trong đó tập trung cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết. Còn theo lời Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, kể từ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp tháng 4.2016 đến nay, đã có trên 1.098 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan nhà nước và đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 77,4%.

Nhưng chừng đó chưa thấm vào đâu so với những rào cản, khó khăn đang đợi doanh nghiệp ở phía trước.

“Hãng máy bay Boeing cũng bó tay…”

“Hiệu suất sinh lời trên đồng vốn của doanh nghiệp đã giảm từ 6,6% năm 2012 xuống còn hơn 3% trong năm 2016. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt đang gặp khá nhiều khó khăn. Hàng loạt thủ tục hành chính, quy định mang tính cứng nhắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đến ngay cả hãng máy bay Boeing cũng không thể đáp ứng nổi điều kiện kinh doanh của Việt Nam”. Phát biểu của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận được tràng pháo tay của cả hội trường lẫn đoàn chủ tọa.

Bên cạnh đó là tình trạng “của công chia ba, của nhà chia đôi” trong việc xử lý các thủ tục hành chính đã làm tăng chi phí không chính thức của doanh nghiệp như phản ánh của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Nguyễn Văn Thân. Trong báo cáo gửi Thủ tướng, VCCI cũng cho biết, chi phí không chính thức đang có xu thế tăng cao. “Nhìn chung, tình hình không có mấy cải thiện qua các năm”, ông Lộc viết trong báo cáo.

Cũng giống như vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết chi phí đầu vào của doanh nghiệp như điện, logistic, chi phí hạ tầng, phí BOT còn cao. Chẳng hạn, chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội, hay ở chiều ngược lại (khoảng 100km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. 

Những nỗ lực nhắm đến các vấn đề thủ tục hành chính, qua đó cải thiện môi trường kinh doanh tuy rất hữu ích nhưng mới chỉ là một vế. Chia sẻ trong và bên lề Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp, một số doanh nhân cho rằng, vế thứ nhì, quan trọng hơn nhiều lần là niềm tin vào sự công minh của pháp luật, là cách hiểu và áp dụng luật pháp một cách nhất quán, là niềm tin vào hệ thống tư pháp như một nơi mà doanh nhân có thể theo đuổi công lý. Đó còn là sự hữu hiệu của một hệ thống tôn trọng hợp đồng đã cam kết, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt đúng mực để tạo dựng niềm tin.

Có lẽ chính điều này giúp lý giải vì sao phát biểu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí được doanh nghiệp vỗ tay tán dương dài đến vậy. Không chỉ cam kết đồng hành với doanh nghiệp, ông Trí còn khẳng định: “Ngành kiểm sát sẽ kiên quyết xử lý người làm ăn gian dối, quyết tâm bảo vệ người dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, đúng pháp luật; không hình sự hóa các hoạt động kinh doanh; bảo vệ cách làm sáng tạo của doanh nghiệp mà chưa có pháp luật chưa quy định và đề nghị sửa đổi pháp luật để khuyến khích sự sáng tạo của doanh nghiệp”.

Chuyển lời nói thành hành động

Bài phát biểu kết thúc hội nghị vào lúc gần 2 giờ chiều của Thủ tướng Chính phủ nhiều lần bị ngắt quãng bởi những tràng pháo tay giòn giã của giới doanh nghiệp.

“Đầu tiên, tôi muốn nói tới tinh thần chuyển lời nói thành hành động. Hôm nay, người ta nói rất nhiều về thanh tra, kiểm tra chồng chất. Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra quá 1 lần trong 1 năm. Chỉ thị này được ký vào 13h hôm nay, mang số 20 và sẽ được công bố ngay sau đây”, Thủ tướng nói. Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định sẽ tiếp thu tinh thần doanh nghiệp nêu đó là: “Phải xây dựng thể chế, chính sách bình đẳng giữa khu vực công và tư nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2017 sẽ là năm giảm phí cho doanh nghiệp, từ những khoản chi phí chính thức cho tới phi chính thức. Các nguồn lực sẽ được chuyển giao cho các thành phần kinh tế để tối ưu hóa chứ không chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước. Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư. Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý về việc hội nhập với cuộc cách mạng 4.0 và ưu tiên cho thị trường nội địa. “Chúng ta cần đặt tâm thế hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam lên trước, sau đó mới tính tới việc chiếm lĩnh thị trường thế giới. Nếu bỏ quên thị trường cốt lõi, chúng ta sẽ thất bại”. Những yêu cầu nâng cao năng lực quản trị theo xu hướng, thời vận mới cũng là yêu cầu cấp thiết được người đứng đầu Chính phủ nói đến, nhưng trên hết, theo Thủ tướng vẫn là sự đồng lòng, đồng tâm của giới doanh nhân, doanh nghiệp với lãnh đạo các bộ, ngành.

Cuộc gặp giữa Thủ tướng với doanh nghiệp kéo dài từ 7h30 sáng đến 2h chiều qua mang chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Không chỉ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng mà tất cả thành viên Chính phủ có mặt đều cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp. Nhưng ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng phải đồng hành với Chính phủ trong nhận thức, cách nghĩ, cách làm. Theo đó, Chính phủ liêm chính thì doanh nghiệp phải làm ăn chân chính và tuân thủ pháp luật; Chính phủ kiến tạo thì doanh nghiệp phải sáng tạo. Khi đó, bình minh sẽ đến trên đất nước ta như niềm tin Thủ tướng bày tỏ trong bài phát biểu đầy tâm huyết và cảm hứng.

Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị về triển khai hiệu quả Nghị quyết 35

Ngay trong chiều 17.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành để xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp. Những nội dung góp ý của các thành viên Chính phủ xoay quanh dự thảo Chỉ thị về triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”; nêu rõ các giải pháp, nhiệm vụ và mốc thời gian cụ thể.

Thủ tướng cho rằng có 14 nội dung cần bổ sung vào dự thảo Chỉ thị như: hóa đơn điện tử; mạng dùng chung của các hộ cá thể; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; vấn đề khởi nghiệp; tiếp cận đất đai; thế chấp đất đai vay vốn…

Thủ tướng chỉ đạo cần có biện pháp hiệu quả để chuyển đổi 5 triệu hộ kinh doanh sang doanh nghiệp; có chính sách tín dụng cụ thể, rõ hơn nữa để tạo nguồn lực cho phát triển, nhất là đối với nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu quy định cụ thể trong dự thảo Chỉ thị vấn đề hỗ trợ tư pháp cho các doanh nghiệp, nhất là nhóm các quy định về phá sản doanh nghiệp; làm rõ biện pháp đối với tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó cho doanh nghiệp với tinh thần là xử lý nghiêm, có tính răn đe, giáo dục.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội tại cuộc họp, sớm hoàn tất dự thảo Chỉ thị trình Thủ tướng ban hành.

Hồng Loan