Vì sao điện ảnh Việt chưa được chú ý?

Thảo Nguyên ghi 16/05/2017 08:03

Những năm gần đây, một số phim Việt Nam đã tham dự và đoạt giải tại các liên hoan phim quốc tế, mới nhất là hai tác phẩm Cha cõng con và Đảo của dân ngụ cư. Tuy nhiên, với những điểm sáng hiếm hoi này, điện ảnh Việt Nam vẫn chưa thể bắt kịp sự phát triển của nghệ thuật thứ bảy thế giới.

Quan sát điện ảnh Pháp, điện ảnh Việt Nam và các liên hoan phim (LHP) quốc tế nhiều năm qua, đạo diễn Pháp gốc Việt Lê Lâm (tác giả của bộ phim nổi tiếng Công binh) đã lý giải được phần nào việc điện ảnh Việt Nam chưa được quốc tế chú ý và quan tâm. Ông cho rằng: “Thế giới chỉ chú ý khi mình làm được cái gì độc đáo mà họ chưa có, chưa làm được; hoặc làm khác, hay hơn họ. Nếu tác phẩm của một nghệ sĩ nhìn na ná nghệ thuật của tác giả nọ, ở quốc gia kia, không thấy được tâm hồn Việt ở đó, thì sẽ chẳng thể giành được vị trí nào, dù nhỏ bé, để khán giả và nhà phê bình thế giới chú ý”.

Muốn hòa nhập thế giới, trước hết điện ảnh Việt Nam phải ngang hàng các quốc gia khác, nhưng vẫn phải có ngôn ngữ mới, nội dung độc đáo. Tất nhiên, nhà làm phim học hỏi, nắm bắt xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới là điều cần thiết, nhưng việc thu nhận văn minh, văn hóa nhân loại chỉ làm nền, để từ đó nghệ sĩ tìm tòi, làm mình phong phú hơn, tạo ra nhiều tác phẩm khác biệt, gây cảm xúc cho khán giả. Điện ảnh Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển, trưởng thành, nhưng còn thiếu phong cách ngôn ngữ tượng trưng cho một nền điện ảnh.

Phim Cha cõng con vừa giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế
Phim Cha cõng con vừa giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế

Từng là thành viên ban giám khảo tại nhiều giải thưởng điện ảnh, liên hoan phim trong nước những năm gần đây, đạo diễn Lê Lâm “có cảm giác điện ảnh Việt Nam đang lùi một bước trên con đường nghệ thuật và sáng tạo thực nghiệm ngôn ngữ điện ảnh có chiều sâu văn hóa, văn học, trí tuệ để hòa nhập với điện ảnh quốc tế”. Vì thế, dù đã có một số tác phẩm điện ảnh vượt qua biên giới, đến với các liên hoan phim quốc tế, nhưng điện ảnh Việt vẫn chưa đủ nổi bật để nhận diện. Phim sản xuất bằng các nguồn đầu tư, ngân sách, quỹ hỗ trợ trong nước chỉ được dự và đoạt giải tại các liên hoan phim nhỏ. Điện ảnh Việt khó có cửa cạnh tranh tại các liên hoan phim quốc tế uy tín như Cannes (Pháp), Venice (Italy), Berlin (Đức)... Các liên hoan phim này tuyển chọn phim nghiêm ngặt với các thành viên duyệt phim uy tín, tôn vinh những ngôn ngữ điện ảnh mới lạ, và đương nhiên, nếu phim đoạt giải sẽ ngay lập tức được giới phê bình và khán giả thế giới quan tâm.

Chứng kiến phản ứng của giới phê bình, khán giả quốc tế khi xem phim Việt Nam, đạo diễn Lê Lâm cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân “muôn thuở” về trình độ nhân lực, kỹ thuật, kinh phí làm phim, lý do quan trọng khiến phim Việt ít được chú ý là bởi “chỉ làm phim thôi không đủ”. Cần thiết có những người tâm huyết giới thiệu và biết cách quảng bá phim Việt tại các liên hoan phim quốc tế. Điện ảnh Việt Nam vẫn đang tồn tại nghịch lý: Phim nhận giải thưởng quốc tế thường không được khán giả trong nước quan tâm, vẫn “trắng tay” khi tham dự các giải thưởng điện ảnh Việt Nam; ngược lại, phim đoạt giải thưởng điện ảnh trong nước lại không được thế giới chú ý. Vì thế, người giới thiệu phim dự thi phải hiểu tiêu chí của từng liên hoan, giải thưởng để lựa chọn phim phù hợp. “Phim được chọn phải xuất sắc về nội dung, kịch bản, nghệ thuật mang tâm hồn Việt và có ngôn ngữ điện ảnh độc đáo, mới có thể được thế giới đón nhận” - đạo diễn Lê Lâm khẳng định.

Mới đây, bộ phim Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng đã giành giải Phim truyện nước ngoài xuất sắc, giải Đặc biệt của Ban giám khảo dành cho Quay phim ấn tượng tại Liên hoan phim Quốc tế Arizona và giải Tinh thần Độc lập cho Phim có cốt truyện hay nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Boston (Mỹ); giải Quay phim xuất sắc nhất của Liên hoan phim Quốc tế Milano (Italy).

Trong khi đó, phim Đảo của dân ngụ cư của đạo diễn Hồng Ánh được trao giải Phim hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (cho Phạm Hồng Phước) và Đạo diễn hình ảnh (DOP) xuất sắc nhất (NSND Lý Thái Dũng) tại Liên hoan phim quốc tế ASEAN.

Thảo Nguyên ghi