Tại sao là 6?
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang trong lộ trình lấy ý kiến người dân. Đây là bước đi cần thiết sau quá trình chuẩn bị công phu của các nhà khoa học giáo dục, các chuyên gia, thầy cô giáo… Ý kiến tranh luận còn nhiều, thậm chí gay gắt, phiến diện là không thể tránh khỏi.
Với môn ngữ văn cũng vậy. Tại hội thảo “Nghiên cứu và dạy ngữ văn trong nhà trường - từ truyền thống đến hiện đại”, PGS. TS. Đỗ Ngọc Thống, Tổng Chủ biên môn Ngữ văn đã đề cập “Chương trình môn Ngữ văn sẽ có cấu trúc xuyên suốt và nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12, chứ không tách rời các môn học như trước”. Chương trình mới sẽ xây dựng theo hướng mở. Nếu như hiện nay quy định đến từng bài, dạy tác phẩm nào, văn bản nào... thì tới đây sẽ chỉ quy định 6 tác phẩm bắt buộc phải dạy cho học sinh là: Bài thơ thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập. Còn lại, sẽ có một danh sách các tác giả, tác phẩm gợi ý và các thầy cô giáo có thể lấy một văn bản trong hoặc ngoài gợi ý đó để dạy, miễn là đạt được yêu cầu.
Câu hỏi đặt ra: Bắt buộc và không bắt buộc đâu là tiêu chí để lựa chọn? Đâu là mục tiêu giảng dạy ngữ văn trong nhà trường? Thiết nghĩ đây là vấn đề cần có lý giải cụ thể mới có thể thuyết phục trong cải cách chương trình giáo dục và dạy ngữ văn trong chương trình phổ thông. Rõ ràng 6 tác phẩm văn học được lựa chọn bắt buộc đều là những tác phẩm lớn, đặc sắc, gắn với từng giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và thể hiện cô đọng nhân cách, sức mạnh, tinh thần bất khuất, ý chí quật cường, lòng nhân ái, tinh thần cách mạng, sáng tạo… của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Nhưng tại sao chỉ là 6 mà không phải là 7 hay 4 hoặc 5 tác phẩm? Ở đây có căn cứ vào tiến trình lịch sử của dân tộc, vào thành tựu trên các lĩnh vực dựng nước và giữ nước? Có đúc kết từ văn học dân gian? Có bao trùm không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc…? Những vấn đề như vậy cần được lý giải cặn kẽ trong một chương trình có tính cách mạng hiện đại mà vẫn kế thừa truyền thống.
Điểm mạnh giá trị của những tác phẩm bắt buộc có thể lý giải bằng sự trải nghiệm, tồn tại với thời gian, không gian và đi vào đời sống, lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới. Nhưng cái hạn chế của nội dung chương trình không bắt buộc có thể thả lỏng, tùy nghi, tùy thích, sáng tạo không định hướng. Điều đấy có thể gây thiệt thòi, thậm chí là lệch lạc khi tri thức cuộc sống, tư duy ở mỗi môi trường là hết sức khác biệt và sự thẩm định giá trị mỗi tác phẩm văn học đưa vào chương trình giảng dạy tự chọn rất “gian nan”, có khi là lạc hướng hay cục bộ.
Vậy đâu là giải pháp khắc phục? Đâu là tính ưu việt của chương trình giảng dạy ngữ văn mới? Cái gốc của “Văn là người”. Dạy làm người phát huy truyền thống hay tiếp nhận văn hóa trong thế giới hội nhập trước hết ở bản sắc văn hóa dân tộc. Và vì vậy, việc lựa chọn các tác phẩm bắt buộc trong chương trình giảng dạy ngữ văn phải thể hiện đầy đủ bản sắc văn hóa dân tộc.
Dự thảo Chương trình các môn học sẽ được công bố vào tháng 9 tới để lấy ý kiến người dân. Nhưng cũng phải thẳng thắn rằng: Lấy ý kiến về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể không thể như lấy ý kiến các dự án luật. Các chuyên gia, nhà sư phạm giáo dục hãy thống nhất kỹ lưỡng nội dung và căn cứ lý giải, vấn đề lấy ý kiến cho thiết thực… Vì sẽ có những vấn đề sư phạm không thể theo số đông mà ở tính khoa học dự báo, đi trước của một nghề mà xã hội hết sức trân trọng và quan tâm. Nghề sản sinh những người Việt Nam mới!