Robot nguy cơ hay động lực cho thị trường lao động?

Linh Anh 29/04/2017 09:46

Cuộc tranh luận về robot và trí thông minh nhân tạo phần lớn chỉ tập trung vào các nền kinh tế tiên tiến. Tuy nhiên, xu hướng này đang và sẽ tác động mạnh đến việc làm tại các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.

Xu hướng khó cưỡng

Robot và hiện tượng trí tuệ nhân tạo đang tạo ra những biến đổi có thể được so sánh với thời những chiếc máy dệt đã thay thế công nhân ở Anh hồi thế kỷ thứ XIX hay khi chiếc ô tô model T của Ford đã thế chỗ những chú ngựa làm phương tiện đi lại.

Mới đây, tờ Nikkei Financial Times đã cùng tiến hành một dự án nghiên cứu chung về tác động của tự động hóa đối với thị trường việc làm. Sử dụng các dữ liệu của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey, hai tờ báo trên đã chỉ ra một số công việc mà người lao động châu Á có thể bị robot soán chỗ, nhất là những công việc chân tay.

Đông Nam Á là một miếng nam châm chính cho ngành công nghiệp. Với một lực lượng lao động khổng lồ, mức lương phải trả thấp trong khi các chính phủ luôn sẵn lòng hỗ trợ, nhiều tập đoàn vẫn tiếp tục đổ xô về đây. Tuy nhiên, khu vực này cũng đang hình thành một cơn ác mộng cho những công nhân làm việc trong lĩnh vực sản xuất và các ngành có liên quan. Bởi hơn 80% hoạt động công nghiệp có thể được tự động hóa. Mặc dù tình hình đang ổn định, nhưng chẳng sớm thì muộn, công nhân lắp ráp, thợ hàn, thợ đóng giày, thợ may công nghiệp… sẽ phải đối mặt với thực tế là các công việc của họ hoàn toàn có thể thay thế bằng những công nghệ tự động sẵn có.

Ngay bản thân Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng cảnh giác với xu hướng đó. Trong báo cáo năm 2016, cơ quan trên đã cảnh báo, 137 triệu người lao động, chiếm 56% lực lượng lao động ở Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đang đứng trước nguy cơ cao mất việc do tự động hóa, đặc biệt là đối với những người đang làm việc trong lĩnh vực may mặc. Vì vậy, báo cáo nêu rõ: “Chuẩn bị cho lực lượng lao động những phương thức làm việc mới thông qua giáo dục doanh nghiệp và các sáng kiến của chính phủ là rất quan trọng để đối phó kịp thời và hiệu quả với xu hướng robot hóa”.

Tự động hóa mọi lĩnh vực

Nghiên cứu của The Nikkei và Financial Times đã phát hiện ra rằng, máy móc có thể xử lý được 1/3 trong khoảng 2.000 công việc mà con người đang thực hiện. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia lớn mở cửa rộng nhất cho AI (trí tuệ nhân tạo) và robot, với hơn 50% các công việc được hướng tới thực hiện nhờ tự động hóa.

Châu Á là thiên đường của người yêu thực phẩm. Bangkok bùng nổ với các nhà hàng đường phố truyền thống, trong khi ở Jakarta, nơi tầng lớp trung lưu và giàu có đang phát triển, các nhà hàng cao cấp mở cửa khắp nơi. Nhưng các tính toán cho thấy, mối đe dọa đang treo lơ lửng với người lao động ở đây. Trong tương lai gần, du khách hoàn toàn có thể thưởng thức thịt bò satay hoặc cà ri Thái do robot chế biến và phục vụ vì gần như 70% việc làm trong ngành công nghiệp thực phẩm có thể được tự động. Đó có thể là công tác chuẩn bị bữa ăn, phục vụ bàn, thậm chỉ cả là việc đặt chỗ và khu vực ăn uống. Có vẻ như công việc nấu ăn là chưa đến nỗi bị nguy hiểm, nhưng để tránh nguy cơ trên, các đầu bếp phải rèn luyện tay nghề thường xuyên, chế ra các món ăn mà máy móc khó có thể thực hiện được. 

Từ ẩm thực nhìn sang các dịch vụ khác, những chiếc xe tuk tuk ở Bangkok, hệ thống xe bus ở Jakarta hay dịch vụ ride-hailing (gọi xe tới chở như taxi, Uber, Grab…) ở Singapore đã tạo nên một thị trường vận tải sôi động. Tuy nhiên, nhiều công việc trong ngành này có thể biến mất trong tương lai gần với xấp xỉ 50% các hoạt động có thể được tự động hóa. Ví dụ các thanh tra xe, phi công, nhà cung cấp thông tin vận tải hay người bán/soát vé... Các công việc khác như lái xe chở khách, thuyền trưởng có thể tạm thời chưa gặp nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên, các tài xế phải hết sức chú ý đến những tiến bộ khoa học gần đây. Nhiều công ty công nghệ trên khắp thế giới đang cạnh tranh gay gắt để tạo ra những chiếc xe hơi tự lái.

Ở châu Á, nhu cầu tuyển dụng công nhân xây dựng khá ổn định nhờ sự bùng nổ về các dự án xây dựng và bất động sản ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Ước tính, 42,9%, tức là khoảng 113 trên 263 các hoạt động xây dựng có thể được thay thế bằng máy móc. Những công việc như đánh dấu điểm tham khảo trên vật liệu xây dựng hay các thành phần kim loại hàn… sẽ sớm được robot thực hiện.

Mặc dù công nghiệp hóa phát triển nhanh ở châu Á, nông nghiệp vẫn là một thành phần quan trọng của nhiều nền kinh tế, chiếm khoảng 9-28% tổng sản phẩm quốc nội. Quan trọng hơn, đây là lĩnh vực tạo việc làm, đặc biệt đối với người lao động ở nông thôn. Vì vậy, theo nghiên cứu của Nikkei và Financal Times, chỉ có 41% hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp có thể được tự động hóa là tin tốt lành cho các chính phủ, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Mặc dù máy trồng lúa gạo và canh tác được điều khiển tự động qua vệ tinh đang được thử nghiệm, nhưng bản chất quy mô nhỏ của nông nghiệp ở Đông Nam Á khiến việc áp dụng các phương pháp hiện đại đó không hiệu quả. Những công việc như thu hoạch và bảo quản hàng trong kho được coi là không thể thay thế bằng robot.

Với dân số lão hóa dự kiến sẽ đạt gần 923 triệu vào giữa thế kỷ, châu Á đang dần biến thành một trong những nơi già nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, ngành y tế, đặc biệt là đối với các công việc đòi hỏi sự tương tác trực tiếp với bệnh nhân, sẽ trở nên cực kỳ quan trọng. Ở lĩnh vực này, yếu tố “con người” rất quan trọng, điều đó đồng nghĩa với tiềm năng tự động hóa thấp, chỉ có 25,2% hoạt động được coi là thân thiện với robot. Tuy nhiên, do xã hội già hóa nhanh, các nhân viên y tế phải hỗ trợ ngày càng nhiều người, gây ra tình trạng quá tải và vẫn thực sự cần đến sự trợ giúp của máy móc.

Những ví dụ trên cho thấy, xu hướng tự động hóa trong cuộc sống con người là không thể cưỡng lại. Nhưng để tránh bị thất nghiệp bởi robot, các chính phủ châu Á cần có chính sách thích hợp để máy móc phục vụ con người chứ không lấy đi cơ hội làm việc của người lao động.  

Linh Anh