“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” bằng tiếng Anh

Thảo Nguyên 28/04/2017 08:14

Kỷ niệm 42 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2017), sáng 27.4, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật phối hợp tổ chức ra mắt tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 bản tiếng Việt và tiếng Anh.

Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 được nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh bắt đầu viết từ những ngày đầu Sài Gòn giải phóng, đã ra mắt bạn đọc tháng 4.2014, sau gần 4 thập kỷ. Năm 2016, cuốn sách được tái bản lần thứ 3 có bổ sung nhiều tư liệu quý. Ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng: “Có thể coi đây là biên niên sử chân thực và sống động về những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, ca ngợi sự hy sinh gian khổ của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuốn sách được xây dựng công phu, nghiêm túc, trên cơ sở chắt lọc một khối lượng tài liệu đồ sộ, quý hiếm, gặp gỡ nhiều nhân chứng...”.

Bìa cuốn Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 bản tiếng Anh
Bìa cuốn Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 bản tiếng Anh

Tác phẩm vừa có giá trị văn học, vừa có giá trị về lịch sử và báo chí, với những tài liệu nguyên bản được xem là tuyệt mật ở thời điểm đó của phía bên kia, cùng tư liệu viện dẫn gắn với sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, có độ chính xác và tin cậy cao. Cũng bởi vậy, trong 2 năm, tác phẩm liên tiếp giành được các giải thưởng danh giá: Giải thưởng Văn học 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng Văn học ASEAN 2015. Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định dịch Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 sang tiếng Anh, nhằm giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học viết về sự nghiệp đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam tới bạn đọc thế giới. Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: Nếu cho rằng, tác phẩm chỉ chứa đựng những bí mật về cuộc chiến thì cũng không hẳn, vì đã qua gần một nửa thế kỷ, các bí mật đã được giải mã. Trần Mai Hạnh lúc đó là người trong cuộc đưa tin về sự kiện này, nhưng anh còn có độ lùi xa để nhìn nhận vấn đề. Thêm vào đó là cách viết, cách dựng nhân vật, sự kiện sinh động, khiến cuốn sách luôn tươi ròng.

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, ta có thể bỏ nhiều tiền bạc để quảng bá văn chương Việt Nam ra thế giới, nhưng cách tốt nhất là tập trung dịch những cuốn sách hay sang ngôn ngữ khác. Bởi đó không chỉ là văn chương mà còn là những trang sử hào hùng của dân tộc, qua đó bạn bè các nước mới hiểu được lịch sử, đất nước và con người Việt Nam. 

Dịch giả Mạnh Chương là người chuyển ngữ tác phẩm. Ông từng phiên dịch cho đoàn trung ương trong Ủy ban Liên hiệp quân sự bốn bên thi hành Hiệp định Paris tại trại David, Tân Sơn Nhất. “Với thời gian hạn hẹp, tôi đã cố gắng hết sức để chuyển tải một cách chân thực nội dung cuốn tiểu thuyết. Trong quá trình dịch, có nhiều khó khăn, vì văn phong của tác giả sâu sắc và có nhiều tài liệu tôi phải tra cứu cẩn thận” - dịch giả Mạnh Chương cho biết.

Thảo Nguyên