Tạo động lực từ kinh tế biển

TS. Trần Văn - ĐBQH Khóa XII, XIII 26/04/2017 08:27

Đến với Phú Yên những ngày này có thể cảm nhận được những tín hiệu tích cực từ việc thành lập đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong tỉnh Khánh Hòa trong tương lai gần đang tạo sự khởi sắc cho vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, vốn được kỳ vọng là vùng kinh tế tổng hợp, đóng vai trò động lực của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Phú Yên có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển, là cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy và hàng không của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh của quốc gia. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà cho Đoàn công tác của QH biết, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam, tỉnh đã phê duyệt và đang thực hiện nhiều đề án đầu tư phát triển kinh tế biển, từ nuôi trồng thủy hải sản, đánh bắt xa bờ và hạ tầng nghề cá, tuyến đường bộ ven biển đoạn trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: nhandan.com.vn
Nguồn: nhandan.com.vn

Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Phú Yên có nhiều thế mạnh mà không phải ở đâu cũng có được, đặc biệt là thế mạnh và tiềm năng kinh tế biển. Với vùng biển rộng, có nhiều hải sản quý như sò huyết, cá ngừ đại dương, tôm sú, tôm hùm với trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao, kinh tế thủy sản là thế mạnh của tỉnh. Ngoài đánh bắt cá ngừ đại dương, sản phẩm thương hiệu của Phú Yên với sản lượng năm 2016 là 4.200 tấn, vùng nuôi trồng hải sản tập trung có tính chiến lược của tỉnh nằm ở khu vực đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài...

Tới thăm doanh nghiệp thủy sản Đắc Lộc tại Khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao ở xã Xuân Hải, huyện Sông Cầu, chủ doanh nghiệp, đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hội nghề cá của tỉnh Lê Hữu Tình đã giới thiệu cho chúng tôi 3 trại tôm giống bố mẹ, 11 trại sản xuất tôm giống với công suất 3,5 tỷ tôm giống/năm và 1.500 tấn tôm nguyên liệu/năm được quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, an toàn sinh học trong sản xuất. Tại cảng cá Phú Lạc, huyện Đông Hòa, anh Đỗ Kim Đồng, Trưởng phòng NN - PTNT huyện cho biết, cả huyện có 707 tàu, dự kiến năm 2017 sẽ đạt sản lượng khai thác 9.100 tấn hải sản. Đã có 14 tàu thuyền được đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 của Chính phủ, còn 19 hồ sơ khác đang chờ ngân hàng phê duyệt.

Ngoài thủy sản, Phú Yên còn tập trung đầu tư cho khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có ý nghĩa chiến lược để Phú Yên hướng đến sản xuất nông nghiệp đạt chất lượng và hiệu quả cao. Hiện tỉnh đang tạo những điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Thủy sản cũng phải ứng dụng công nghệ cao và bảo đảm ứng dụng công nghệ sinh học. Xây dựng các thương hiệu địa phương, chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có giá trị kinh tế cao như cá ngừ đặc sản, tôm giống… Công nghiệp phát triển theo hướng phục vụ cho nông nghiệp, có thể tính đến phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo dựa trên lợi thế so sánh của tỉnh.

Cũng giống như các tỉnh duyên hải Trung Bộ, Phú Yên có tiềm năng lớn để trở thành khu du lịch quốc gia với hệ thống cảnh quan thiên nhiên khá đa dạng, đầy đủ với núi, cao nguyên, đồng bằng châu thổ, sông, hồ, đầm, vịnh, hải đảo... mà theo như lời Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh mới đây, như là nước Việt Nam thu nhỏ. Một số danh thắng tiêu biểu của địa phương như Gành Đá Dĩa, Đầm Ô Loan, núi Đá Bia, vịnh Xuân Đài, bãi Môn - mũi Điện, di tích lịch sử cấp quốc gia như vũng Rô, núi Nhạn - sông Đà Rằng... lâu nay đã trở thành các điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Với các chính sách thu hút đầu tư hiện nay, chắc chắn ngành du lịch Phú Yên sẽ vươn lên trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế của tỉnh.

Phú Yên là tỉnh chịu nhiều tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu. Trước yêu cầu thực tế, tỉnh đã chủ động triển khai một số dự án cấp bách để ứng phó. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn nên một số dự án chưa được đầu tư như: Kè chống xói lở đầm Cù Mông giai đoạn 2, đê ngăn mặn và chống xâm thực hạ lưu sông Đà Rằng, hồ chứa nước Suối Cái, hồ điều tiết nước Xuân Lâm, tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn nối các huyện, thành phố Tây Hòa - Phú Hòa - TP Tuy Hòa - Tuy An, đường tránh nạn cứu hộ ven đầm Cù Mông. Theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, vấn đề là chúng ta ứng phó với những vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu gắn với thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, sống chung với những thay đổi đó như thế nào. Vấn đề bảo vệ môi trường của Phú Yên không chỉ là bảo vệ rừng, sông ngòi mà cả môi trường biển. Nếu không bảo vệ được môi trường biển thì biển cũng sẽ không mang lại nguồn lợi cho chúng ta và việc cạn kiệt tài nguyên biển là nhãn tiền.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong điều kiện, bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu và tự do hóa thương mại là xu thế không tránh được, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đem lại sự thay đổi như vũ bão của khoa học, công nghệ. Công nghệ số hóa kết hợp với công nghệ thông minh, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi toàn bộ xu thế, quy trình sản xuất. Phó Chủ tịch QH gợi ý, Phú Yên hãy sáng tạo, thay đổi về tư duy kinh tế, lấy việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn tài nguyên tri thức làm thế mạnh để kêu gọi, thu hút đầu tư trong phát triển kinh tế, xã hội.

Phú Yên có ba huyện miền núi, nơi sinh sống của 31 dân tộc sinh sống, chủ yếu là dân tộc Ê Đê, Bana, Chăm… Cơ chế hỗ trợ của Trung ương góp phần phát triển sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống của đồng bào. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi của tỉnh còn nhiều khó khăn. Mức hỗ trợ kinh phí hằng năm của Trung ương còn thấp, trong khi nhu cầu tại các vùng miền núi rất cao. Tỉnh mong muốn được tiếp tục thực hiện và mở rộng lĩnh vực được hưởng chính sách hỗ trợ đối với các huyện giáp ranh với Tây Nguyên trong giai đoạn 2016 - 2020.

TS. Trần Văn - <i>ĐBQH Khóa XII, XIII</i>