Kiểm soát chất lượng để cạnh tranh

Vũ Thủy 04/04/2017 08:20

Theo các chuyên gia, việc nhập khẩu thịt là tất yếu trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt khi sản xuất trong nước chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đây vừa là thách thức song cũng là cơ hội để thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên, cởi nút thắt cho ngành vốn còn lạc hậu, manh mún, tính cạnh tranh còn yếu này là vấn đề không đơn giản.

Nhập khẩu là tất yếu

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15.3, cả nước nhập khẩu 2,78 nghìn tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được có xuất xứ từ Brazil, trị giá hơn 4 triệu USD. Như vậy, trung bình mỗi một kg thịt nhập khẩu từ Brazil chỉ vào khoảng 1,44 USD (gần 33.000 đồng). Trong đó, thịt và phụ phẩm khác của gà thuộc loài Gallus domesticus là 1,54 nghìn tấn, trị giá hơn 1,5 triệu USD (tương đương 0,97 USD/kg, tức hơn 22.000 đồng/kg); cánh gà thuộc loài Gallus domesticus với 0,77 nghìn tấn, trị giá hơn 1,4 triệu USD (tương đương 1,81 USD/kg, tức hơn 41.000 đồng/kg; trong khi khảo sát tại một số siêu thị, mức giá bán cánh gà công nghiệp sản xuất trong nước là gần 80.000 đồng/kg)…

Trước đó, tại buổi đón tiếp các doanh nghiệp chăn nuôi bò của Pháp vào tháng 12.2016, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN - PTNT) Hoàng Thanh Vân cho biết, ước tính cả năm 2016, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1.000 tấn thịt bò không xương và hơn 34.000 tấn bò có xương từ các nhà xuất khẩu lớn Canada, Mỹ, Australia... Cũng trong năm này, theo Tổng cục Hải quan, cả nước nhập khẩu 21.000 tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt xuất xứ từ Brazil. Đây cũng là thị trường cung cấp đáng kể lượng thịt heo và trâu bò, với mức giá bình quân theo tờ khai hải quan chỉ từ 1 - 4 USD/kg thịt tươi sống.

Đánh giá về tình hình nhập khẩu thịt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Lê Hồng Mận cho rằng “thật đáng lo”. Bởi việc nhập khẩu thịt với giá rẻ hơn giá sản xuất trong nước, nếu không kiểm soát chặt chẽ, sẽ tác động không nhỏ tới nền sản xuất vốn đã “lạc hậu, nhỏ lẻ” như hiện nay.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế nông nghiệp độc lập Vũ Trọng Khải lại cho rằng, một nước nông nghiệp không có nghĩa sẽ không nhập khẩu sản phẩm từ nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Rõ ràng, việc nhập khẩu thịt nói riêng và sản phẩm chăn nuôi nói chung là xu hướng tất yếu, “nước chảy chỗ trũng”. Bên cạnh đó, chúng ta phải nhập khẩu do sản xuất trong nước chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân bởi tình trạng sử dụng chất cấm, chất tạo nạc, kháng sinh, bơm tạp chất… vào sản phẩm chăn nuôi vẫn còn, dù đã được cơ quan quản lý quyết liệt kiểm tra, xử lý. Một lý do nữa là, chúng ta vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn thức ăn chăn nuôi, riêng trong năm 2016 vào khoảng 3 tỷ USD, trong khi thức ăn chiếm tỷ lệ 70% cơ cấu giá thành sản phẩm chăn nuôi. “Cùng với sản xuất nhỏ lẻ thì giá thức ăn cũng làm cho sản phẩm chăn nuôi trong nước giảm tính cạnh tranh so với hàng hóa nhập khẩu. Thực tế vẫn có nhiều mặt hàng chính phẩm như thịt bò, sữa nhập khẩu rẻ hơn sản phẩm sản xuất trong nước”, ông Khải nói.

Nhập khẩu thịt vừa là thách thức song cũng là cơ hội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển
Nhập khẩu thịt vừa là thách thức song cũng là cơ hội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển

Kiểm soát chất lượng

Mới đây, bê bối thịt bẩn từ Brazil đã dấy lên mối lo ngại về chất lượng thịt nhập khẩu. Mặc dù theo xác nhận của Cục Thú y, Bộ NN - PTNT, Việt Nam không nhập sản phẩm nào từ 21 công ty của Brazil dính bê bối này, song theo ông Vũ Trọng Khải, những nghi ngại trong việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng thịt nhập khẩu hiện nay là “có cơ sở”. “Mặc dù nhập khẩu thịt là tất yếu, song vấn đề cần quan tâm là tại sao giá nhập khẩu vào Việt Nam lại rẻ hơn, chỉ bằng 2/3, thậm chí bằng một nửa so với giá tại chính quốc? Có hay không việc nhập hàng cận hoặc hết hạn sử dụng cần được cơ quan chức năng làm rõ”, ông nói.

Theo ông Khải, không khó để kiểm tra, kiểm soát chất lượng thịt nhập khẩu, thông qua việc truy xuất nguồn gốc. Ông nêu rõ, chúng ta đã phân cấp, phân quyền cho các Bộ NN - PTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Công an cùng tham gia. Do vậy, chỉ cần các cơ quan này làm đúng chức năng, nhiệm vụ, phối hợp đồng bộ sẽ làm tốt được công tác kiểm soát chất lượng thịt nhập khẩu.

Nhiều chuyên gia đánh giá, việc nhập khẩu thịt vừa là thách thức song cũng chính là cơ hội để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Lê Hồng Mận cho rằng, muốn vậy, trước hết cần thay đổi công nghệ trong chăn nuôi, khuyến khích người dân ứng dụng khoa học công nghệ thay vì cách chăn nuôi truyền thống. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể để người chăn nuôi tuân thủ, qua đó bảo đảm đầu ra. Nhà nước cần tạo điều kiện thu hút nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất thức ăn chăn nuôi, đồng thời quy hoạch các vùng nguyên liệu nhằm thúc đẩy ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi phát triển. Khi đó giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước nói chung và sản phẩm thịt nói riêng sẽ giảm, tăng tính cạnh tranh so với mặt hàng nhập khẩu.

Ông Vũ Trọng Khải cho rằng, không thể ngăn cản xu hướng nhập khẩu thịt. Vấn đề quan trọng nhất là phải kiểm soát được chất lượng thịt, kể cả thịt sản xuất trong nước. Do đó, phải tổ chức sản xuất theo chuỗi ngành hàng thì mới kiểm soát được chất lượng, tức là phải bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, mức xử phạt vi phạm về vi phạm an toàn thực phẩm cũng cần được nâng lên. Đối với những hành vi cố tình trục lợi, cần xem xét nâng khung hình phạt lên mức xử lý hình sự thay vì xử phạt hành chính sẽ tăng tính răn đe.

 Theo Cục Thú y, thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam đã được kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, theo báo cáo của các cơ quan cửa khẩu, các lô hàng nhập khẩu còn hạn sử dụng ít nhất là 8 tháng.

Năm 2016, trong tổng số 221 mẫu thịt nhập khẩu được kiểm tra chất tồn dư (chất kháng sinh như Chloramphenicol, Oxytetracycline, Chlortetracycline…; chất cấm như Clenbuterol, Salbutamol, Ractopamine...), chỉ 1 mẫu thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Hoa Kỳ có hàm lượng Ractopamine ở dưới ngưỡng cho phép. Năm 2017, hiện đã có 60 mẫu thịt nhập khẩu được xét nghiệm, phát hiện 2 mẫu thịt bò nhập khẩu từ Hoa Kỳ phát hiện có Ractopamine nhưng ở dưới ngưỡng cho phép.

Vũ Thủy