Mục tiêu khó đạt

Thành An 31/03/2017 08:40

Vòng đàm phán cấm vũ khí hạt nhân đầu tiên của LHQ vừa được khởi động là một phần trong nỗ lực quốc tế nhằm đạt được một lệnh cấm vũ khí hạt nhân mang tính ràng buộc. Tuy nhiên, việc thiếu vắng đại diện nhiều cường quốc sở hữu loại vũ khí này khiến sự kiện bị đánh giá là khó thành công và có phần phi thực tế.

Nhu cầu từ thực tế

Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự khóa họp, đã khẳng định  lập trường nhất quán và cam kết ủng hộ của Việt Nam đối với các nỗ lực quốc tế nhằm giải trừ toàn diện và triệt để vũ khí hạt nhân. Bà kêu gọi các nước có vũ khí hạt nhân thực hiện cam kết giải trừ, tôn trọng các khu vực phi vũ khí hạt nhân…

An ninh quốc tế và sự tồn vong của loài người đang bị đe dọa bởi sự tồn tại của vũ khí hạt nhân. Cho đến nay, thế giới vẫn chưa thể quên hình ảnh 2 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng tại chỗ và sau đó do tác hại của phóng xạ. Trong suốt một thời gian dài, nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới phải sống trong sợ hãi và lo lắng về một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Thực tế, thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ chạy đua vũ trang, hiện đại hóa năng lực và các kho vũ khí hạt nhân, các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Đặc biệt nguy hiểm hơn là nguy cơ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác có thể rơi vào tay các chủ thể phi nhà nước. Trong khi đó, các cơ chế quốc tế về giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí hạt nhân vẫn gặp nhiều bế tắc. Vì vậy, việc xây dựng một thế giới phi vũ khí hạt nhân là nghĩa vụ và trách nhiệm chung của cả các nước sở hữu và không sở hữu vũ khí hạt nhân. Xuất phát từ thực tế này, LHQ tin rằng một công cụ ràng buộc pháp lý cấm vũ khí hạt nhân sẽ góp phần bổ trợ cho Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT) và sớm thu hút sự tham gia của tất cả các quốc gia thành viên.

LHQ lần đầu tiên vừa tổ chức hội nghị về cấm vũ khí hạt nhân toàn cầu trong vòng hơn 20 năm qua
LHQ lần đầu tiên vừa tổ chức hội nghị về cấm vũ khí hạt nhân toàn cầu trong vòng hơn 20 năm qua

Khởi đầu không suôn sẻ

Tuy nhiên, vòng đàm phán đã có khởi đầu không thuận lợi khi nhiều cường quốc có kho vũ khí hạt nhân đã từ chối tham dự. Lý do là họ không muốn từ bỏ một công cụ tự vệ, trong khi không có gì ràng buộc mọi thành viên tuân thủ cam kết.

Ngay trước khi cuộc thảo luận bắt đầu, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã không ngần ngại công khai bác bỏ đề xuất này vì cho rằng thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa an ninh. Bà Haley phát biểu giữa một nhóm gồm khoảng 20 đại sứ đến từ các nước đồng minh của Mỹ, những người cũng “tẩy chay” cuộc thảo luận này, trong đó có Anh, Pháp, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Đông Âu. Đại sứ Nga và Trung Quốc không có mặt. Bà Haley ước tính có “gần 40 nước” không tham gia thảo luận.

Trong khi đó, Đại sứ Anh Matthew Rycroft khẳng định, nước Anh “cam kết hoàn toàn với mục tiêu dài hạn về một thế giới không vũ khí hạt nhân” và “cách tốt nhất để đạt được mục tiêu là giải trừ đa phương dần dần thông qua các cuộc đàm phán theo khuôn khổ quốc tế hiện có”.

Từ tháng 10 năm ngoái, 123 thành viên LHQ đã tuyên bố sẽ nỗ lực cho ra đời một lệnh cấm vũ khí hạt nhân do lo ngại về chương trình hạt nhân của Triều Tiên cũng như sự mơ hồ về chính sách của tân chính quyền Mỹ. Những nước đi đầu trong nỗ lực trên gồm Áo, Ireland, Mexico, Brazil, Nam Phi và Thụy Điển.

Tuy nhiên, Anh, Pháp, Israel và Mỹ đều bỏ phiếu phủ quyết, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan bỏ phiếu trắng. Đây đều là những nước có vũ khí hạt nhân - dù công khai hoặc không công khai thừa nhận điều đó. Thậm chí, Nhật Bản - quốc gia duy nhất trên thế giới đã phải hứng chịu các vụ ném bom nguyên tử vào năm 1945 - cũng bỏ phiếu chống vì cho rằng việc thiếu đồng thuận trong đàm phán có thể phá hoại tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân. Đại sứ Nhật Bản Nobushige Takamizawa phát biểu trước Đại Hội đồng: “Các nỗ lực để thực hiện hiệp ước (về việc cấm vũ khí hạt nhân) mà không có sự tham gia của các nước có vũ khí hạt nhân sẽ chỉ càng làm sâu sắc thêm sự chia rẽ và phân hóa trong cộng đồng quốc tế”.

Với thực tế đó, giới quan sát không mấy lạc quan về triển vọng thế giới sẽ sớm đạt được các mục tiêu đề ra trong nỗ lực xây dựng một thế giới phi hạt nhân khi tồn tại nhiều nghi kỵ và thiếu tin tưởng.

Thành An