Ai quản lý nợ công?
Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính, vừa qua nợ công của chúng ta tăng nhanh chủ yếu là do nguyên nhân điều hành sử dụng nợ công, mà sử dụng nợ công liên quan đến gần như toàn bộ là đầu tư kém hiệu quả. Trước hết, việc giải quyết này không phải ở Luật Quản lý nợ công này mà chủ yếu ở Luật Đầu tư công và một phần ở Luật Xây dựng. Trước kia chúng ta đầu tư vượt quá khả năng nền kinh tế, bây giờ 5 năm chỉ có 2 triệu tỷ đồng. Trước kia chúng ta vay nợ rất thoải mái, bây giờ 5 năm Trung ương chỉ được vay nợ 300 nghìn tỷ đồng thì kế hoạch đầu tư công trung dài hạn kiểm soát hết, không thể nào làm tăng nợ công nữa.
Thứ hai là các bước làm tăng hiệu quả các dự án, giờ phải có nguồn vốn mới được phê duyệt. Trước kia không cần bước chủ trương đầu tư, trong khi bây giờ là bắt buộc. Các bước làm dự án trong Luật Xây dựng (sửa đổi) đã thay đổi rất nhiều. Tôi cho rằng, nếu thực hiện tốt Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng sẽ xử lý được vấn đề nợ công tăng nhanh và sử dụng nợ công không hiệu quả, chứ không phải Luật Quản lý nợ công này.
Về chức năng quản lý, hiện thể hiện theo 2 phương án: Một phương án là giữ nguyên như hiện nay và một phương án là đưa hết về Bộ Tài chính. Mỗi phương án được và không được gì? Việc này Chính phủ đã thảo luận rất kỹ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cơ chế hiện nay là hợp lý ở mấy điểm sau:
Một là, vì nó phù hợp với thể chế kinh tế - chính trị của Việt Nam. Ở đây, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu là phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng quốc tế không có Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chúng ta có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có Bộ Tài chính, có một cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư phát triển, bây giờ cắt phần đầu tư phát triển 2 triệu 300 ngàn tỷ đồng sang một cơ quan, còn bên này chỉ làm 1,7 triệu tỷ đồng thì như thế nào? Thể chế của chúng ta có cả 2 cơ quan, mỗi cơ quan có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Bộ Tài chính, theo tôi, chỉ thực hiện quản lý nhà nước, làm chiến lược về nợ công, xác định trần nợ công, xác định giới hạn vay nợ quốc gia, vay nợ trong nước, vay nợ nước ngoài, bảo lãnh Chính phủ, nợ chính quyền địa phương và xây dựng cơ chế kiểm soát; còn sử dụng như thế nào, cho mục tiêu gì, dự án hạ tầng nào thì phải gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, với việc phát triển kết cấu hạ tầng của đất nước. Tại sao mình lại phải tách ra - điều đó là không hợp lý.
Hai là, nó tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực lẫn nhau: Bộ Tài chính chủ trì làm việc này thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp và giám sát. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước làm việc này thì Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát. Tôi cho rằng, cơ chế hiện nay không có sự kiểm soát quyền lực lẫn nhau, cân đối giữa các bên thì sẽ có vấn đề. Đề nghị phải làm rõ nếu sửa đổi theo hướng giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nợ công, đại diện đàm phán, ký kết các hiệp ước vay nợ và quản lý tập trung các nguồn lực nợ công liệu có tốt hơn không?
Ba là, vì sao nên giữ như hiện nay (Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài)? Vì nó thống nhất với hệ thống pháp luật đã ban hành. Nếu đưa về Bộ Tài chính, tôi cho rằng sẽ gây đảo lộn hệ thống tổ chức bộ máy.