Lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên - vì sao?

Phương Thủy 30/03/2017 07:07

Lâu nay, câu chuyện “lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên” trong bối cảnh các cấp, các ngành và cả nước đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả công việc, đã râm ran trên khá nhiều phương tiện truyền thông đại chúng. Trong dòng thời sự ấy, tiêu biểu phải kể đến “Chuyện như đùa ở Hải Dương” với 44/46 người trong biên chế của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên.

Câu chuyện tưởng chừng đã qua này tiếp tục được “lật lại” tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của QH về thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính giai đoạn 2011 - 2016 với UBND tỉnh Hải Dương.

Đúng quy định?

Trực diện vào câu chuyện lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy hỏi: Tỉnh sắp xếp, xử lý cán bộ lãnh đạo cấp phòng dôi dư này như thế nào? Dư luận nêu một số địa phương có hiện tượng bổ nhiệm nhanh, Hải Dương có tình trạng này không, và nếu có thì xử lý như thế nào?

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có tỷ lệ lãnh đạo/công chức là 15/11; Sở Giáo dục và Đào tạo 33/16, Sở Kế hoạch và Đầu tư 34/11; Ban Quản lý các khu công nghiệp 16/3. Đặc biệt, có những đơn vị có tỷ lệ lãnh đạo vượt trội hơn hẳn như Sở Tư pháp 22/3, Chi cục Quản lý thị trường là 41/6, tính trung bình cứ 7 lãnh đạo có 1 chuyên viên. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Văn Tuyết đề nghị Hải Dương làm rõ vì sao có tình trạng “sếp nhiều hơn lính” tại một số sở như vậy?

Đoàn giám sát của QH làm việc với UBND tỉnh Hải Dương
Đoàn giám sát của QH làm việc với UBND tỉnh Hải Dương

Lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên có lẽ không phải là câu chuyện mới. Và cái gốc vấn đề của cải cách hành chính có lẽ cũng không chỉ ở việc có nhiều hay ít lãnh đạo trong một đơn vị. Bởi như phân tích của Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành, thì Quảng Ninh cũng áp dụng cùng cơ chế, chính sách, song đơn vị nào nhiều nhất mới có tỷ lệ 1 lãnh đạo 1 chuyên viên. Trong khi đó, ở Hải Dương, trung bình đã là 2 lãnh đạo 1 chuyên viên (?). Vấn đề cần làm rõ ở đây là: Việc “lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên” này liệu có phải do Trung ương quy định như thế, nên khi anh em có đầy đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ thì được bổ nhiệm, hay do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành?

Trả lời câu hỏi của Đoàn giám sát, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Tỏ cho biết, sau khi có kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ đối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, đến nay cơ bản khắc phục xong. Đại diện UBND tỉnh Hải Dương cho biết, con số mà thành viên Đoàn giám sát đưa ra về tỷ lệ lãnh đạo/chuyên viên ở một số sở, ngành của địa phương là đúng, nhưng chưa phản ánh chính xác tình hình. Bởi, số lãnh đạo trên chuyên viên mà Đoàn giám sát đưa ra chỉ dựa trên số lượng công chức trong biên chế, chứ chưa tính trên tổng số người làm việc tại đơn vị (gồm cả những trường hợp ký hợp đồng). Nếu tính số lãnh đạo trên tổng số người làm việc, thì tỷ lệ này chỉ là 1,85 lãnh đạo 1 chuyên viên. Và “hiện toàn tỉnh có 1,85 phó phòng/phòng; còn cấp huyện, theo Nghị định 37 (quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) có 3 phó trên 1 phòng, nhưng Hải Dương chỉ có 2,05 phó phòng/phòng; sau khi rà soát, toàn tỉnh chỉ có 11 phòng vượt số lượng lãnh đạo cấp phòng”, ông Tỏ nêu rõ.

Cũng theo lý giải của lãnh đạo tỉnh Hải Dương, thì những “tỷ lệ này đều trong quy định cho phép của Trung ương”. Có nghĩa, việc số lượng lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên trong một phòng là do địa phương thực hiện đúng quy định hiện hành. Cụ thể, theo Nghị định 24 (quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và Nghị định 37 của Chính phủ, thì tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc UBND tỉnh hiện có đúng 19 phòng, và tại UBND các huyện đều là 12 phòng. Cũng theo quy định, tại mỗi phòng trong sở, tỉnh đã bố trí 1 trưởng phòng và 2 phó trưởng phòng, thậm chí ở cấp huyện sử dụng số phó trưởng phòng thấp hơn so với quy định, chỉ có 2,05 phó trưởng phòng/phòng (thay vì 3 phó 1 phòng). Như vậy, việc “lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên” ở một số đơn vị trong các cơ quan hành chính chủ yếu do mức biên chế giao cho Hải Dương rất thấp, nhất là nếu so với các địa phương có điều kiện tương đồng về địa giới hành chính và dân số.  

“Toàn tướng cả thì lãnh đạo ai?”

Đồng tình với lý giải của lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, nếu tính trên tổng thể số người làm việc ở mỗi đơn vị, thì tỷ lệ ở Hải Dương sẽ là 1,16 lãnh đạo/1 nhân viên, còn nếu tính trên số người trong biên chế là 2,1 lãnh đạo/1 nhân viên. Mặt khác, việc giới hạn số phó trưởng phòng chỉ được nhắc đến trong Thông tư của Bộ Nội vụ, còn trong văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành khác không quy định về số phó trưởng phòng. Điều này có nghĩa, nếu địa phương để số phó trưởng phòng trong một đơn vị của Sở cao hơn cũng không có vấn đề gì, ông Nguyễn Khắc Định nói.

Tuy vậy, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của QH Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, khi gặp vướng mắc hoặc thấy bất cập từ việc thực hiện các quy định liên quan, một số tỉnh đã chủ động mời Bộ quản lý chuyên ngành về làm việc, để có điều kiện trình bày quan điểm của mình. Nhìn chung, các địa phương này đều đã có tổ chức bộ máy phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước thực tế. Với tinh thần này, thì Hải Dương cần rà soát các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh cũng như UBND các huyện, từ đó đưa ra những đánh giá về tính hợp lý, chưa hợp lý trong sắp xếp, tổ chức bộ máy, và chủ động kiến nghị với Bộ quản lý chuyên ngành. Liên quan đến số lượng phó trưởng phòng, ông Định cho rằng “phải quy định bao nhiêu lính mới được 1 phó phòng, kiểu chiến đấu bao nhiêu lính mới được một tướng, nếu toàn tướng cả thì lãnh đạo ai?”.

Có thể câu chuyện “lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên” ở Hải Dương có nguyên nhân từ hạn chế của một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Điều này dẫn tới việc tổ chức bộ máy và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo tại địa phương như thế nào là hợp lý có vẻ đang chủ yếu phụ thuộc vào ý thức, cách làm của từng tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong khi nhiều địa phương đã và đang chủ động sắp xếp, tổ chức bộ máy, cán bộ một cách phù hợp với nhu cầu thực tế, mục tiêu cải cách hành chính, tinh giản biên chế, được người dân và dư luận đánh giá cao, thì vẫn có những nơi còn có sự “cứng nhắc” trong vận dụng các quy định của Trung ương, mà chưa tính toán đầy đủ đến hiện trạng thực tế của cơ quan, đơn vị.

Nói cách khác, nếu vin vào “quy định hiện hành” để biện giải cho những hạn chế trong tổ chức bộ máy hành chính ở địa phương, sẽ khó thuyết phục được cử tri và nhân dân. 

Phương Thủy