New Zealand - Hiện ra từ phim trường!
16 năm sau “The Lord of the Rings” và 6 năm sau “The Hobbit: An Unexpected Journey”, ngôi làng Shire vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. 39 ngôi nhà của người Hobbit vẫn nằm ẩn trong lòng đất. Những cây cổ thụ, cây sồi khổng lồ tỏa tán rộng che mát ngôi làng, và hồ nước có cây cầu đá nơi Gandalf đánh xe ngựa đi qua... đều như từ phim ra đời thật, hay như ta được một lần sống trong phim.
Đẹp đến... nín thở
“Chuyến phà đi mất ba tiếng, từ lúc màu trời còn xanh ngắt chuyển dần sang đỏ rực, nhuộm thắm nền trời. Đứng trên boong tàu cao nhất ngắm hoàng hôn và chiếc phà đi ngược chiều từ đảo Bắc sang, than ôi chỉ biết câm nín!” |
Trong bộ phim Whiplash, lão huấn luyện viên nhạc Jazz bảo “good job” là hai từ “harmful” (gây hại) nhất trong tiếng Anh thì đến New Zealand mới thấy cái từ “beautiful” là tính từ nhạt nhẽo và vô nghĩa nhất. Bất cứ cảnh vật nào ở đây, chỉ cần giơ điện thoại lên chứ không cần máy ảnh xịn, là đủ để thốt lên một loạt mỹ từ. Nhất là ở trên cao nhìn xuống, từ nhà hàng tầng thứ 53 của Sky Tower xoay 360 độ ngắm khu trung tâm, hay lái xe lên ngọn đồi One tree hill ngắm toàn cảnh Auckland từ bốn phía, đặc biệt là khi ngồi cửa sổ máy bay nối chuyến từ Auckland xuống Queenstown của đảo Nam, hay đi cáp treo lên đỉnh núi nhìn xuống thị trấn Queenstown nằm giữa thung lũng, bao quanh bởi những ngọn núi, bên cạnh cái hồ khổng lồ Wakatipu dài tới 78km chạy len lỏi giữa các dãy núi… - “Thiên đường trên hạ giới” đẹp tới mức khiến người ta phải nín thở.

Trên đường từ Queenstown đi Christchurch, ngắm cảnh hai bên đường qua cửa kính và hóng chuyện bác tài già từng lái xe dọc ngang New Zealand, từ đảo Bắc đến đảo Nam, cả đi phà ra tận hòn đảo nhỏ chỉ có hơn 200 dân sinh sống ở tận cùng châu Đại Dương…, mới thấy ở nước này, không khéo nghề lái xe là nghề hạnh phúc nhất quả đất không chừng!
Hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục chặng roadtrip từ Wellington tiến lên cao nguyên của đảo bắc, Rotorua, vùng đất của núi lửa với những cột khói trắng từ các hồ nước nổi hoặc chìm nghe tiếng sôi lục bục, nặng mùi lưu huỳnh (vừa giống mùi thuốc nhuộm tóc, hoặc trứng ung), vùng đất của phim trường Hobbit...
Ở mỗi chặng, cảnh đẹp thay đổi ngoạn mục. Mới núi đồi đã chuyển sang bình nguyên xanh ngắt, từng đàn cừu, đàn bò sữa… thung thăng gặm cỏ, những chú ngựa trắng được mặc áo che nắng...; rồi đột ngột chuyển sang một vùng sông suối hồ không biết từ đâu đổ ra chạy song song cả một chặng hành trình. Cảnh không khác trong phim “The Lord of the Rings” (Chúa tể của những chiếc nhẫn) là mấy, cứ như là xứ thần tiên…
Thế rồi thoắt cái là những vườn nho bạt ngàn, xanh mê mải hai bên đường. Vùng Marlborough cung cấp tới hơn 70% sản lượng rượu nho của New Zealand. Rồi lên phà đi qua eo biển Cook, dài 90km nối đảo Nam với đảo Bắc - một trong những chuyến phà đi qua biển đẹp nhất thế giới. Chuyến phà đi mất ba tiếng, từ lúc màu trời còn xanh ngắt chuyển dần sang đỏ rực. Đứng trên boong tàu cao nhất ngắm hoàng hôn và chiếc phà đi ngược chiều từ đảo Bắc sang, than ôi chỉ biết câm nín!
Hai ngày ở Wellington trời xầm xì, may mà gặp được hai người bạn Việt Nam rất đáng mến, chỉ biết qua facebook chứ chưa gặp bao giờ, tạm biệt Wellington vì thế mà có chút bồi hồi. Tối ra khu chợ đêm của Rotorua, gặp một quán Việt bán phở bò, bún thịt nướng, bánh mì. Mừng quá sà vào ngay. Cô chủ quán trẻ măng người Bình Dương sang định cư ở đây được 7 năm, gặp khách Việt cũng vui vì lâu lắm mới được nói tiếng Việt, rồi hào phóng giảm giá tô phở bò từ 8 xuống 7 USD. Mang tô phở ra ghế đá xì xụp ăn hết sạch, bò rất mềm, nước rất trong, ngon hơn nhiều quán phở Việt từng ăn ở Las Vegas, Praha hay quận 13 ở Paris…
Hobbiton - xứ sở những chú lùn
Điểm dừng ấn tượng nhất trong chuyến đi này chắc chắn là Hobbiton - ngôi làng Shire đẹp như vùng đất hứa của người lùn Hobbit vùng Middle-Earth. 16 năm kể từ tập đầu tiên của “The Lord of the Rings” và 6 năm kể từ “The Hobbit: An Unexpected Journey” (Người Hobbit: Hành trình vô định), lượng du khách là fan của bộ phim từ khắp thế giới đổ về ngôi làng bé nhỏ này không giảm và biến bối cảnh phim trở thành một trong những điểm thu hút du khách bậc nhất của New Zealand. Cô gái người Anh trong đoàn đi cùng tôi, tự nhận mình là một Hobbit, xem 6 tập phim của Peter Jackson không dưới 10 lần (tổng cộng gần 18 tiếng) và đã đến thăm Hobbiton 3 lần.

Trong cuốn Location Guidebook của bộ phim, Peter kể ông đọc “The Lord of the Rings” trong một chuyến tàu từ Wellington (quê ông) lên Auckland từ năm 18 tuổi và trong 12 tiếng sau đó không rời mắt khỏi cuốn sách, sau đó tưởng tượng những địa danh của vùng Trung Địa được J.R.R.Tolkien mô tả trong sách với những địa danh có thật ở khắp New Zealand. Nhưng phải 20 năm sau, Peter Jackson mới biến giấc mơ vĩ đại của đời mình thành hiện thực khi được hãng phim non trẻ New Line Cinema liều mạng rót vốn tới 270 triệu đô cho ba tập phim quay liền tù tì một lúc chứ không phải cách nhau vài năm như những bộ phim “bom tấn” khác. Và thế là anh chàng đạo diễn béo ú râu ria xồm xoàm ấy đã dẫn dắt tới 2.500 con người (chủ yếu là người New Zealand) theo đuổi giấc mơ biến vùng đất New Zealand hiện đại thành Middle-Earth của Tolkien từ 7 - 8.000 năm trước. Và ai đã xem loạt phim này đều phải công nhận những cảnh đẹp tuyệt mĩ trên phim chính là Trung Địa của Tolkien.
Peter và ekip của ông mất tới 3 năm để tìm bối cảnh và lên kế hoạch sản xuất. Bối cảnh của phim trải rộng trên khắp New Zealand, từ đảo Bắc tới đảo Nam với hơn 200 địa điểm cụ thể. Hai tour ăn theo các địa danh của “The Lord of the Rings” và “Hobbit” tốn mất 23 và 17 ngày tương ứng mới đi hết, thế mà nghe nói dân phượt Âu Mỹ vẫn đi ầm ầm.
Tất nhiên, địa điểm nổi tiếng nhất chính là Hobbiton, ngôi làng Shire của người lùn Hobbit. Những ngôi nhà sặc sỡ màu sắc, cửa tròn và đào vào trong lòng đất, ẩn mình dưới những ngọn đồi xanh ngắt. Ngôi làng Shire này vốn là một nông trại chăn cừu và bò rộng 1.250 mẫu Anh và mất hơn 6 tháng để xây dựng. “The Lord of the Rings” quay mất 3 tháng ở đây với dàn diễn viên đóng người Hobbit và ông lão tóc bạc Gandalf. 12 năm sau, nó mất thêm 2 năm phục dựng để quay tiếp 3 tập Hobbit, dù thời gian quay Hobbit chỉ mất 12 ngày.
Của ăn của để
Sau khi 6 tập phim phát hành khắp thế giới thu về gần 6 tỷ USD, ngôi làng Shire của Hobbiton trở thành bối cảnh quay nổi tiếng nhất thế giới với hơn 1 triệu người viếng thăm, khiến du lịch và người New Zealand vừa nở mày nở mặt vừa thu khối tiền (vé thăm làng sơ sơ có 79 USD, chưa kể các mặt hàng lưu niệm đắt lè lưỡi, riêng tượng con mặt quỷ Gollum đã 130 USD và nghe nói bán chạy nhất, hơn cả tượng của anh tiên Legolas…)
Mà không nở mày nở mặt sao được! Khi mới leo lên xe bus để vào làng, khi màn hình chiếu cảnh mở đầu dài gần 5 phút với cảnh Gandalf đánh xe ngựa về làng Shire để gặp Frodo trên nền nhạc phim êm mượt như nhung, cô fan cuồng người Anh ngồi cạnh tôi lại gào lên. Và rồi ngôi làng hiện ra, như cảnh thần tiên trước mặt. 16 năm sau “The Lord of the Rings” và 6 năm sau “Hobbit”, ngôi làng Shire vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. 39 ngôi nhà của người Hobbit vẫn nằm ẩn trong lòng đất, được phủ lớp cỏ xanh mướt trên mái và màu sắc sặc sỡ vui mắt ở mặt tiền. Những mảnh vườn, bầu bí hoa cỏ táo mận vẫn tươi tốt, hoa trái xanh rì. Những cây cổ thụ, cây sồi khổng lồ tỏa tán rộng che mát ngôi làng, và hồ nước có cây cầu đá nơi Gandalf đánh xe ngựa đi qua... đều như từ phim ra đời thật, hay như ta được một lần sống trong phim.
Tất cả đều thật, tất cả đều sống động như một ngôi làng thực sự của người Hobbit, chỉ là đang chờ đợi Bilbo Baggins và Frodo Baggins đang phiêu lưu ở chốn nào đó trở về mà thôi…