Đi xem King Kong

Lê Hồng Lâm 11/03/2017 09:09

“Kong: Skull Island” có đáng xem không? Rất đáng. Nó mang đến cho các bạn một bộ phim mãn nhãn, kỳ vĩ về bối cảnh và kỹ xảo. Nó mang những hình ảnh tuyệt đẹp về phong cảnh của Việt Nam đến khắp thế giới…

Bộ phim “bom tấn” King Kong đã có màn ra mắt không thể ngoạn mục hơn, vô tình mà hữu ý, “tái ông thất mã”. Mô hình Kong hoành tráng bỗng chốc bị cháy tan tành, vô hình trung được PR không công trên các mặt báo một cách không thể rầm rộ hơn. Xét về hiệu quả truyền thông, màn Kong bị thiêu cháy được nhiều hơn mất. Và trời ạ, 2 tiếng đồng hồ xem Kong sau đó, khán giả cũng chứng kiến rất nhiều màn cháy nổ, rất nhiều lửa và một cảnh y chang tai nạn vừa diễn ra trước đó vài giờ: Kong ngoi lên từ biển lửa, gầm rú cuồng nộ, nhưng tất nhiên không cháy thành tro.

“Kong: Skull Island”, ơn giời, là một bộ phim “bom tấn” mãn nhãn. Những cảnh đẹp kiểu “bưu thiếp” của Việt Nam (được mượn làm bối cảnh cho một hòn đảo giả tưởng ở Nam Thái Bình Dương) hiện lên trên màn hình IMAX không thể ngoạn mục hơn, nhất là những cảnh Vịnh Hạ Long quay từ trên cao. Kong, con quái vật khổng lồ đã xuất hiện không biết bao nhiêu lần trên màn ảnh nay tái sinh trong bối cảnh Việt Nam, giữa trùng điệp núi non, sông suối - vừa kỳ vĩ, vừa bí ẩn chắc chắn là hình ảnh đánh mạnh vào thị giác, tạo hiệu ứng du lịch thành công.

Dù vậy, ngoài những hình ảnh mãn nhãn, bộ phim lại bị cuốn trôi đi khá nhanh chóng, với những cảnh cháy nổ, rượt đuổi, những màn giao chiến ác liệt nhưng để lại ít dư vị, hoặc một vài nhân vật có tính cách đặc biệt, một vài khoảnh khắc để lại được cảm xúc. Một công thức thuần túy kiểu Hollywood: Quá lớn và quá phẳng!

“Kong: Skull Island”, nói một cách chính xác, là bộ phim bom tấn thành công về xử lý các hiệu ứng hình ảnh kỹ xảo, với những con quái vật chưa bao giờ to lớn và ghê sợ đến thế; nhưng lại là một bộ phim phẳng lì khi xử lý các hình ảnh có tính ẩn dụ vay mượn và lấy cảm hứng. Bối cảnh Việt Nam, vì thế chỉ đẹp và mãn nhãn nếu nhìn nó với con mắt của quảng bá du lịch chứ không phải điện ảnh, điều mà Indochine (Đông Dương) của Régis Wargnier hay “The Quiet American” (Người Mỹ trầm lặng) của Phillip Noyce - hai bộ phim lớn của Pháp và Mỹ từng chọn bối cảnh tại Việt Nam trước đây từng làm được. Tất nhiên không thể so sánh giữa một bộ phim thuần giải trí với những bộ phim có khuynh hướng nghệ thuật, nhưng hoàn toàn có thể đòi hỏi một bộ phim giải trí để lại được một vài suy ngẫm hay cảm xúc sau khi rời khỏi rạp chiếu. Điều này, tiếc thay “Kong: Skull Island” không làm được.

“Kong: Skull Island” đáng xem không? Rất đáng. Nó mang đến cho các bạn một bộ phim mãn nhãn, kì vĩ về bối cảnh và kỹ xảo. Nó mang những hình ảnh tuyệt đẹp về phong cảnh của Việt Nam đến khắp thế giới. Nó mang đến cho các bạn những con quái vật rất lớn và những nhân vật rất phẳng. Nó mang đến cho các bạn một bộ phim giải trí không cần phải nghĩ ngợi gì sau khi rời khỏi rạp… 

Lê Hồng Lâm