Lạt mềm buộc chặt

Lê Thủy thực hiện 24/02/2017 08:41

“Lễ hội do người dân tổ chức sẽ giữ được bản sắc, ít bị biến đổi theo kiểu áp đặt từ trên xuống. Do đó, nhà quản lý phải nhìn bằng con mắt của cộng đồng để xem xét các hoạt động lễ hội và cần có nghiên cứu khoa học, tổng thể về lễ hội hiện nay...” - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hữu Sơn - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân.

Không đem việc  của cộng đồng thành việc xã hội

- Gần đây, nhiều lễ hội gây tranh cãi về những hành vi phản cảm, bạo lực. Đó là hiện tượng phổ biến hay chỉ là những chấm nhỏ tối màu trong bức tranh lễ hội cả nước, thưa ông?

 “Vài ba năm vừa qua, trước áp lực của dư luận, chúng ta quản lễ hội theo kiểu chữa cháy, nhưng dập chỗ này lại cháy chỗ khác. Phải hiểu rằng, lễ hội là tấm gương phản chiếu xã hội, và những hiện tượng của lễ hội vừa qua là bình thường, không nên trách ngành văn hóa. Lễ hội ngày xưa chỉ có vài ba trăm người, nay hàng vạn người đến, riêng giải quyết vấn đề môi trường đã khó”. 

TS. Trần Hữu Sơn

- Theo tôi, phải xem thế nào là phản cảm, bạo lực. Có thể là phản cảm, bạo lực thật, nhưng có thể do những người không hiểu về lễ hội đặt ra. Ví dụ, hình ảnh treo con trâu đưa lên mạng xã hội, bao nhiêu người cho đó là phản cảm, mặc dù chưa hề đến chỗ treo trâu. Với tục chém lợn cũng như vậy. Là nhà nghiên cứu, tôi cho rằng những gì liên quan đến hiến sinh thì phải như vậy. Tôi không đồng ý khi việc nhỏ của một cộng đồng đem ra thành việc lớn của toàn xã hội. Hiện nay, các nhà quản lý thấy sức ép lớn của dư luận, và ra lệnh cấm. Đấy là cái phải nhìn nhận lại.

Nhưng cũng có những hành vi phản cảm thật, như việc tranh cướp lộc, vật thiêng; nhét tiền vào tay Phật, cúng lễ mặn dâng lên Phật; nhúng tiền vào máu động vật; đốt vàng mã nhiều quá... rất đáng lên án. Tuy nhiên, điều này xuất hiện ở một số lễ hội vùng đồng bằng Bắc Bộ, còn với các lễ hội trung du miền núi phía Bắc, và ở miền Trung, miền Nam hầu như không có.

Lễ hội Gầu Tào Nguồn: dmanews.net
Lễ hội Gầu Tào Nguồn: dmanews.net

- Nhiều năm nghiên cứu văn hóa các tộc người ở miền núi phía Bắc, ông có thể lý giải nguyên nhân khiến lễ hội ở khu vực này ít có những biến đổi như ở đồng bằng?

- Đó là do tác động của kinh tế thị trường ở đồng bằng mạnh hơn miền núi; và trong tâm thức của người dự hội không được giáo dục kỹ về tính thiêng, tưởng vật thiêng, lộc là giành, cướp được... Thực ra, lễ hội ở miền núi phía Bắc những năm gần đây cũng có biến đổi, từ lễ hội làng đang có xu hướng thành lễ hội vùng. Ví dụ, lễ hội Gầu Tào trước kia chỉ ở Phà Long, Mường Khương, thì nay đã trở thành lễ hội chung của người Mông ở các huyện phía đông tỉnh Lào Cai, Hà Giang và cả Trung Quốc cũng như Thượng Lào, Bắc Thái Lan… Hay lễ hội Roóng Poọc của người Giáy (Sa Pa) từ cuối thế kỷ XX trở về trước chỉ là hội làng, vài trăm người tham dự, nhưng nay cũng trở thành lễ hội của vùng... Sự mở rộng quy mô này kéo theo các vấn đề về dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dự hội... nhưng có thể thấy, các lễ hội ở miền núi không xảy ra các hiện tượng như một số lễ hội ở đồng bằng được nói đến gần đây.

Có thể thấy, biến đổi lễ hội là tất nhiên, vì trong văn hóa có quy luật tái sáng tạo. Nhưng, lễ hội do người dân tổ chức như Gầu Tào, Roóng Pọc, xuống đồng, cúng rừng... sẽ giữ được bản sắc, ít bị biến đổi theo kiểu áp đặt từ trên xuống.

Tôn trọng sự đa dạng

- Như vậy, trả lễ hội cho cộng đồng sẽ giúp giải quyết những tồn tại của hoạt động lễ hội hiện nay, thưa ông?

- Các nhà khoa học “trong tháp ngà” cho rằng phải trả lễ hội cho dân. Điều đó đúng một phần, bởi phải xác định trả đến đâu? Vì lễ hội nay không như xưa, quy mô lớn, không gian thiêng mở rộng, thời gian hội kéo dài, thành phần mở rộng, cấu trúc hội biến đổi với nhiều trò chơi, không gian vui chơi, ăn uống “nở” ra, du lịch thêm vào. Nếu trả toàn bộ lễ hội cho dân sẽ vỡ hội ngay lập tức. Nhưng nếu chính quyền quản lý hết cũng sai. Ví dụ, với lễ hội Gầu Tào, Chủ tịch UBND xã không thể đọc diễn văn khai mạc, ấn định ngày mở hội... mà phải để thầy mo, cộng đồng thực hiện. Theo quan điểm của tôi, phần nghi lễ trong các lễ hội là của dân, Nhà nước đừng can thiệp. Lạt mềm buộc chặt. Còn phần an toàn thực phẩm, bảo vệ an ninh trật tự tại lễ hội thì không thể thiếu vai trò của chính quyền.

- Thực tế, không ít người nhận thức sai, đưa ra ý kiến theo số đông thậm chí chưa đến lễ hội, dẫn đến những phản ứng thái quá?

- Để giải quyết được các vấn đề lễ hội hiện nay, cần có cái nhìn của người trong cuộc, tức là phải đứng về cộng đồng. UNESCO từng ra Tuyên bố quốc tế về Tính đa dạng văn hóa, trong đó nêu rõ phải tôn trọng sự đa dạng, không được lấy nền văn hóa này áp đặt nền văn hóa kia; không được coi rằng, văn hóa kia lạc hậu, văn hóa này văn minh...

- Nhà nước có vai trò như thế nào trong vấn đề này, thưa ông?

- Vai trò quản lý nhà nước hiện tại là phải nghiên cứu tổng thể về lễ hội. Bởi muốn xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật ứng xử trước hàng vạn, hàng triệu người thì tác động rất mạnh. Đừng vội vàng, sốt ruột. Phải làm điều tra xã hội học, lấy ý kiến của nhà nghiên cứu, của cộng đồng; từ đó, lý giải tại sao lễ hội biến đổi như thế, dự báo xu hướng phát triển, đưa ra giải pháp thích ứng về ngắn hạn, trung hạn, dài hạn như: Tuyên truyền, chế tài xử phạt, sử dụng dư luận...

- Xin cảm ơn ông!

Lê Thủy thực hiện