Vì sao “cấm cửa” xe đạp điện?

Đào Tùng 21/02/2017 08:08

Gần hai thập kỷ qua, xe đạp điện đã trở thành một trong những phương tiện cá nhân phổ biến nhất ở Trung Quốc nhờ những ưu điểm vượt trội và các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên, gần đây, nhiều thành phố lớn ở nước này đã hạn chế hoặc cấm hoàn toàn việc sử dụng xe đạp điện. Đâu là lý do dẫn đến các biện pháp quyết liệt này?

Sự bùng nổ...

Hơn một thập kỷ qua, bức tranh giao thông ở Trung Quốc thay đổi đáng kể do sự chuyển đổi từ các phương tiện truyền thống (xe đạp và xe máy) sang xe đạp điện. Nhìn lại quá khứ, có thể thấy lịch sử phát triển của ngành công nghiệp xe đạp điện ở Trung Quốc chia làm ba giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên vào những năm 1960 khi Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu xe đạp điện. Những chiếc thành phẩm đầu tiên xuất hiện vào cuối những năm 1980 ở Thượng Hải, Thiên Tân và Chiết Giang. Tuy nhiên, số lượng người dùng xe đạp điện thời điểm này không lớn, chủ yếu là do giá thành khá đắt, phần khác là do chất lượng ắc quy thấp khiến tuổi thọ của xe không cao.

Ngành công nghiệp xe đạp điện ở Trung Quốc bước vào chu kỳ tăng trưởng mới vào đầu những năm 1990 nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, trong đó có việc coi xe đạp điện là một trong 10 dự án công nghệ quan trọng trong kế hoạch 5 năm lần thứ 9. Đáng chú ý, năm 1995, ông Lý Bằng, Thủ tướng Trung Quốc lúc đó ủng hộ phát triển phương tiện giao thông này. Một năm sau đó, diễn đàn quốc gia đầu tiên về xe đạp điện được tổ chức.

Mặc dù vậy, xe đạp điện chỉ thực sự bùng nổ ở Trung Quốc vào cuối những năm 1990 khi hàng loạt thành phố ban hành lệnh cấm xe máy chạy xăng. Năm 1998, Quảng Châu, Tô Châu và Thạch Gia Trang nói “Không” với xe máy. Các năm sau đó, nhiều thành phố lớn và vừa khác ở Trung Quốc theo chân ba địa phương trên. Bên cạnh đó, sự cải thiện về công suất, tuổi thọ của ắc quy và motor - những bộ phận trọng yếu trong xe đạp điện - cũng góp phần không nhỏ làm tăng nhu cầu. Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người cao hơn trong khi giá thành xe đạp điện có xu hướng giảm cũng là nhân tố quan trọng dẫn tới bùng nổ phương tiện này.

Kể từ đó đến nay, doanh số bán xe đạp điện tăng chóng mặt, từ 40.000 chiếc/năm vào năm 1998 lên 10 triệu chiếc/năm vào năm 2015. Cho đến thời điểm này, có hơn 200 triệu xe đạp điện đang lăn bánh trên đường phố Trung Quốc, tăng 10 lần so với năm 2005.

... và nỗi khiếp sợ

Tuy nhiên, gần đây, nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc đã hạn chế hoặc cấm hoàn toàn việc sử dụng xe đạp điện. Các thống kê mới nhất cho thấy có ít nhất 10 thành phố đã ban hành các lệnh cấm/hạn chế này, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, vốn là những “thị trường màu mỡ” cho các nhà cung cấp xe đạp điện.

Chỉ cần dạo qua một khu phố sầm uất ở một trong những địa phương trên, bạn sẽ có cơ hội trải qua nỗi khiếp sợ mang tên xe đạp điện. Hàng trăm người đi xe đạp điện lượn lách trên phố theo đủ mọi hướng khác nhau mà ít để ý tới các quy tắc giao thông hay an toàn của người khác. Ngoài việc sử dụng chung làn đường dành cho xe đạp thông thường, họ lấn chiếm cả vỉa hè của người đi bộ hoặc đôi khi tràn cả làn đường dành cho xe máy/ô tô.

Về mặt pháp luật, ở Trung Quốc, những người đi xe đạp điện phải tuân thủ các quy tắc giao thông giống như những người đi xe đạp thông thường. Điều đó cũng đồng nghĩa họ không cần bằng lái xe, bảo hiểm và thậm chí không cần đội mũ bảo hiểm khi đi ra đường. Bên cạnh đó, họ không phải trải qua bất cứ lớp đào tạo nào trước khi lái xe. Tuy nhiên, xe đạp điện lại là phương tiện có tốc độ cao giống như xe máy. Vì vậy, mức độ nguy hiểm do xe đạp điện gây ra cho người lái xe và những người tham gia giao thông khác rất cao.

Đáng chú ý, con số thương vong trong các vụ tai nạn giao thông do xe đạp điện đang tăng nhanh. Theo thống kê của cơ quan giao thông Trung Quốc, năm 2015, đã xảy ra 31.404 vụ tai nạn giao thông có liên quan tới xe đạp điện, khiến 113 người chết và 21.423 người bị thương, chiếm 37% trong tổng số thương vong trong tất cả các vụ tai nạn giao thông. Ngoài vấn đề an toàn giao thông, xe đạp điện cũng dẫn tới các quan ngại về môi trường bởi vì, nhiều xe đạp điện ở Trung Quốc vẫn sử dụng ắc quy acid chì.

Mặc dù vậy, theo giới phân tích, bản thân xe đạp điện không phải là nguyên nhân dẫn tới các quan ngại trên mà chủ yếu xuất phát từ ý thức của người sử dụng và sự thiếu vắng các quy tắc giao thông dành cho loại phương tiện này.

Để giải quyết vấn đề đó, nhiều nhà phân tích cho rằng các cơ quan quản lý nºhà nước Trung Quốc cần hoàn thiện các quy định pháp luật giao thông liên quan tới xe đạp điện, trong đó có việc yêu cầu người đi xe đạp điện phải qua các khóa đào tạo và thi lấy bằng lái xe, phải mua bảo hiểm trách nhiệm như xe máy hay ô tô, phải đội mũ bảo hiểm khi đi ra đường… Đối với vấn đề môi trường có thể khắc phục bằng cách ban hành các tiêu chuẩn thống nhất cho xe đạp điện như phải sử dụng ắc quy lithium-ion… 

Đào Tùng