Khó thu nợ bảo hiểm doanh nghiệp phá sản, giải thể

Quốc Túy 17/02/2017 08:38

Thời gian qua, dù đã triển khai nhiều biện pháp thu hồi nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó có khởi kiện hàng nghìn doanh nghiệp nhưng BHXH Việt Nam vẫn gặp khó trong thu hồi nợ bảo hiểm từ các doanh nghiệp. Đặc biệt , trong hơn 4 nghìn tỷ đồng doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm các loại, có tới hơn 1.400 tỷ đồng là nợ của các doanh nghiệp đã phá sản và giải thể.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) năm 2015 đối với BHXH Việt Nam đã đưa ra bức tranh tổng thể về BHXH cũng như việc triển khai bảo đảm quyền lợi của người lao động. Tính hết năm 2015, gần 68,7 triệu người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tăng 5,9% so với năm 2014. Trong năm, tổng số thu tiền nộp bảo hiểm đạt 217.700,6 tỷ đồng, tăng 6,89% so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao và tăng 110,1% so với năm 2014. Trong đó, tổng thu BHXH bắt buộc đạt 147.549,3 tỷ đồng, bao gồm cả lãi chậm đóng BHXH 400,7 tỷ đồng và số thu BHXH tự nguyện 825.705 tỷ đồng. Qua kiểm toán, KTNN đã điều chỉnh tăng thu quỹ BHXH bắt buộc số tiền 120,7 tỷ đồng và tăng thu quỹ BHXH tự nguyện 496,9 triệu đồng.

BHXH tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật BHYT, BHXH cho công nhân các khu công nghiệp
BHXH tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật BHYT, BHXH cho công nhân các khu công nghiệp

Đối với thu quỹ BHYT, với số người tham gia khoảng 68,5 triệu người, đạt số thu 59.615,1 tỷ đồng (đã bao gồm lãi chậm đóng), tăng 2,8% so dự toán. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy, thu BHYT còn một số tồn tại như tình trạng cấp trùng thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách còn khá phổ biến dù đã được phát hiện và xử lý hay thực trạng doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm cho người lao động. Theo đó, tổng số tiền nợ đóng các quỹ bảo hiểm hết năm 2015 là gần 10 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ đóng BHXH bắt buộc với hơn 7 nghìn tỷ đồng và đặc biệt có hơn 1.410 tỷ đồng là của các đơn vị doanh nghiệp phá sản giải thể.

Tuy nhiên, đáng chú ý là với các khoản nợ của các đơn vị phá sản, giải thể, Luật BHXH, BHYT, BHTN lại chưa có quy định cụ thể về việc xử lý đối với các khoản chậm đóng của doanh nghiệp và đến năm 2015, cơ quan BHXH chưa có thẩm quyền để xử phạt các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH. Sau khi phát hiện, cơ quan BHXH chỉ dừng lại ở việc làm văn bản đề nghị các sở, ngành xử lý, dẫn tới hiệu quả không cao. Theo lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam, việc các doanh nghiệp còn nợ hàng nghìn tỷ đồng bảo hiểm các loại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người lao động, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý các khoản nợ này.

Ngoài ra, KTNN nhận định các sở, ban, ngành một số địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An chưa quan tâm đến việc chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và xem đó là trách nhiệm riêng của cơ quan BHXH. Bên cạnh đó, ngân sách trung ương cũng còn nợ đóng, hỗ trợ đóng BHTN với số tiền 941 tỷ đồng.

Đến nay đã có 3.874 đơn vị bị khởi kiện, 2.052 hồ sơ đã được tòa án xét xử tương ứng 1.334,5 tỷ đồng, tổng số tiền thu hồi sau khi khởi kiện là 818 tỷ đồng. Địa phương khởi kiện nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh khởi kiện 1.905 DN, Hà Nội khởi kiện 402 DN, Bình Dương khởi kiện 247 DN. Trong khi đó, vẫn còn một số địa phương có số nợ BHXH lớn nhưng chưa khởi kiện DN như BHXH Bắc Giang với 163,6 tỷ đồng, BHXH Yên Bái với 88 tỷ đồng...

Quốc Túy