Không rũ bỏ ngay quy hoạch cũ

Thanh Hải thực hiện 06/02/2017 07:26

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế NGUYỄN ĐỨC KIÊN, quy hoạch nào cũng sử dụng tài sản và nguồn vốn của xã hội, của người dân, nên không thể nói có quy hoạch mới sẽ rũ bỏ ngay các quy hoạch cũ đang phát huy hiệu quả. Do đó, dự án Luật Quy hoạch đã quy định cụ thể về việc thực hiện các quy hoạch đã lập, đang thực hiện, thậm chí cả hướng xử lý khi quy hoạch hết kỳ thực hiện.

Việc phải làm ở “sân” Chính phủ được đẩy sang QH

- Dù dự án Luật Quy hoạch đang trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý, để chuẩn bị trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều bộ, ngành. Tình trạng này có nguyên nhân ở đâu, thưa ông?

- Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sau khi QH đã thảo luận lần đầu với mỗi dự án luật, thì không cần bàn bạc lại về quan điểm xây dựng, mà phải đi vào từng điều khoản cụ thể. Nhưng tại phiên họp trước Tết Nguyên đán của UBTVQH (Phiên họp thứ 6), đại diện bộ, ngành vẫn bày tỏ sự không đồng tình với một số nội dung của dự án luật này, và kiến nghị UBTVQH giữ lại nhiều quy hoạch liên quan đến lĩnh vực mình quản lý. Sự bất đồng quan điểm này có lẽ là do quy trình làm luật của Chính phủ chưa nghiêm, vẫn giữ quan điểm bộ nào làm luật của bộ đấy, chứ không phải là do Chính phủ thực hiện, như thể hiện trên giấy tờ. Hơn nữa, theo quy trình xây dựng luật, thì dự án luật phải đáp ứng đầy đủ điều kiện, được các thành viên của Chính phủ bỏ phiếu thông qua mới trình ra UBTVQH cho ý kiến. Sự bất đồng quan điểm giữa các bộ, ngành lần này có lẽ cũng do dự thảo Luật chưa thuyết phục hết các thành viên trong Chính phủ. Và vì vậy mới có sự chưa tâm phục, khẩu phục với một số nội dung của dự án Luật Quy hoạch. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại Hội trường Ảnh: Lâm Hiển
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại Hội trường Ảnh: Lâm Hiển

- Sự chưa thống nhất giữa các bộ, ngành về một số nội dung trong dự án Luật Quy hoạch đã ảnh hưởng như thế nào đến quá trình thẩm tra?

- Việc đáng lẽ phải làm khi dự án luật còn ở “sân” của Chính phủ lại phải làm khi sang bên QH đã làm mất nhiều thời gian của cơ quan chủ trì thẩm tra. Thực tế, cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Kinh tế đã phải mời 11 bộ đến làm việc, từ Bộ NN - PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… Chính ra, đến vòng trình này, sẽ không phải tranh luận về quan điểm làm luật, chỉ cần đi vào đánh giá tác động của từng điều, khoản đối với hệ thống pháp luật hiện hành. Nhưng cơ quan chủ trì thẩm tra đã phải làm việc nhiều vòng với các bộ, ngành liên quan về sự cần thiết của việc xây dựng luật. Hiện nay, Tổng Thư ký QH đã có văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo lại với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề liên quan đến quy trình xây dựng dự án luật này. Ủy ban Kinh tế cũng đã có văn bản thông báo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về một số khiếm khuyết cần lưu ý tại dự án Luật Quy hoạch.

- Vậy những khiếm khuyết nào cần được xử lý trong quá trình chỉnh lý, điều chỉnh dự thảo luật, trước khi trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp tới, thưa ông?

- Vấn đề đầu tiên cần được xem xét là mối quan hệ giữa dự án luật này với Luật Đất đai. Ý tưởng khi soạn thảo dự án Luật Quy hoạch là tích hợp các quy hoạch để đến quy hoạch cấp tỉnh sẽ dừng lại. Nhưng việc cấp sổ đỏ cho từng hộ dân lại theo thửa, mà muốn thực hiện được việc này phải có bản đồ đất đai của từng huyện. Không thể có chuyện bản đồ quy hoạch chung chỉ được tích hợp đến cấp tỉnh, mà bản đồ đất đai vẫn có ở cấp huyện. Đây là vấn đề mà báo cáo lần thứ nhất về dự án Luật Quy hoạch chưa khắc phục được. Cơ quan chủ trì thẩm tra đã phải mất nhiều thời gian để xử lý vấn đề này, từ đó tháo gỡ điểm vướng giữa dự án Luật Quy hoạch và Luật Đất đai.

Dự án Luật Quy hoạch cũng quy định sẽ xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia, dựa trên quy định của Luật Biển Việt Nam và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo có lẽ không xem xét hết tác động của các quy định này đến những luật hiện hành. Điều này cộng với việc sử dụng khái niệm “không gian biển”, “kinh tế biển” chưa thống nhất, nên đã phải giải thích chi tiết trong từng điều khoản, làm kết cấu của luật bị vụn. Ngoài ra, dù khái niệm quy hoạch đang được sử dụng tràn lan, song tại dự thảo luật vẫn chưa làm rõ đâu là quy hoạch, kế hoạch, cũng như đề án phát triển. Không làm rõ các khái niệm này sẽ khiến các điều khoản trong dự thảo Luật thiếu thống nhất. Sự phân định rõ ràng về trách nhiệm, quyền lợi trong xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế vì thế cũng bị kém đi.

Phải đứng trên góc độ quốc gia

 Có thể thấy, dù Việt Nam có trên 3.000km đường bờ biển, song không có nghĩa ở nơi nào cũng xây được cảng biển. Đơn cử như, nếu xây dựng cảng nước sâu tại tỉnh Quảng Trị, thì sẽ phải đào sâu vào đất liền, hiệu quả kinh tế gần như không có. Tại sao không kết nối giữa Khu kinh tế Chân Mây với cảng Đà Nẵng, khi mà đã xây dựng hầm qua đèo Hải Vân, chỉ cần đi qua 60km đường bộ? Tại sao không thực hiện giải pháp có hiệu quả kinh tế cao, mà cứ giữ quan điểm Quảng Trị có đường bờ biển sẽ phải có cảng nước sâu? Nếu giữ lối nghĩ “phát huy lợi thế của địa phương”, thì nguồn lực của đất nước sẽ còn bị phân tán.

- Hiện vẫn có ý kiến cho rằng quy hoạch cấp trên cũng cần biết lắng nghe quy hoạch của cấp dưới. Ông có suy nghĩ như thế nào về quan điểm này?

- Đây là quan điểm không đúng về mặt khoa học, vì để sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nhất tài nguyên quốc gia thì phải đứng trên góc độ quốc gia để làm quy hoạch. Quy hoạch từng tỉnh, thành phố phải phục vụ sự phát triển của kinh tế đất nước nói chung, chứ không chỉ để phục vụ cho địa phương. Phải dựa vào lợi thế cạnh tranh của quốc gia để xây dựng quy hoạch cấp địa phương, chứ không phải dựa vào lợi thế cạnh tranh của riêng từng tỉnh để xây dựng quy hoạch. Tình trạng “nhà nhà làm cảng biển, người người làm khu công nghiệp” cũng xuất phát từ lối nghĩ “phát huy lợi thế địa phương”. Không thể phủ nhận lợi thế riêng có của mỗi địa phương. Nhưng nếu không có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ cho phát triển lợi thế đó, thì sẽ chỉ bó hẹp trong một địa bàn, không thể trở thành ngành kinh tế chủ đạo, có khả năng lan tỏa, có tính chất liên vùng và quan trọng là không có khả năng cạnh tranh quốc tế. Đã đến lúc phải chấp nhận không phải lợi thế của địa phương cũng có thể phát huy ngay thành lợi thế quốc gia.

- Khi một hệ thống quy hoạch mới hình thành theo quy định của dự án luật này, thì hệ thống quy hoạch hiện hành sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông?

- Quy hoạch nào cũng sử dụng tài sản và nguồn vốn của xã hội, của người dân, nên không thể nói có quy hoạch mới sẽ rũ bỏ ngay các quy hoạch cũ đang phát huy hiệu quả. Do đó, dự án Luật Quy hoạch đã đưa ra quan điểm rõ ràng về việc thực hiện các quy hoạch đã phê duyệt, đang thực hiện, thậm chí cả hướng xử lý khi quy hoạch hết kỳ thực hiện. Những quy hoạch đã được phê duyệt hay đang thực hiện sẽ được tiếp tục cho đến hết kỳ thực hiện. Hết kỳ quy hoạch sẽ đánh giá việc thực hiện, đối chiếu những yêu cầu của quy hoạch mới, quy hoạch tổng thể quốc gia, để tích hợp vào trên bản quy hoạch cấp tỉnh, từ đó xây dựng quy hoạch mới. Nhưng từ dự án Luật Quy hoạch cũng cho thấy, cần có một tư duy và cách nhìn mới trong công tác xây dựng pháp luật. Không thể có quy định mới là bỏ cách làm cũ, nhất là khi cách làm đó vẫn đang phát huy hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Hải thực hiện