Rưng rưng gạo mới
Kể một câu chuyện dài dòng về sự ăn, nghe sướt mướt có, hoài cảm có, “sến súa” có, với sự “ủ mưu” là may ra làm người khác có chút rưng rưng? Biết “rưng rưng” là khởi nguồn của muôn điều tử tế. Mà sự tử tế cũng luôn bắt đầu từ ngay cả miếng ăn đầy “rưng rưng” ấy...
Gạo mới, chuyện cũ
Trước tiên nó đánh vào khứu giác, rồi đến vị giác, xong lan tỏa toàn thân, đánh thức mọi nỗi niềm thương nhớ...
Hôm giỗ đầu bà cụ, bà chị họ ở quê mang ra bịch gạo. Vừa leo hết mấy bậc thang đã oang oang cái giọng đặc sản quê vùng chiêm trũng “lệch âm”, kiểu như “ạ” thành “ợ”: “Chị mang mấy cân gạo mới ra các em thổi cơm cúng bà”, rồi ra đứng trước ban thờ, thắp hương khấn: “Cô ơi, ngày xưa cô thương cháu nhất, cô thương cháu hồng nhan cực phận, chồng mất sớm, nuôi con. Hôm nay cháu mang mấy cân gạo mới, cháu cấy ít thôi trên vài sào ruộng vụ vừa rồi mới gặt, để các em thổi cơm cúng cô. Hức hức... cô ơi...”!

Cứ như thế cái điệp khúc “cô ơi... gạo mới... hức hức... cô ơi...” lặp đi lặp lại, tuyệt nhiên chả một lời “xin xỏ” kiểu “xin cô phù hộ cho cháu...”. Tôi đứng bên nhìn chị, nghe chị khấn mà cũng chả cầm lòng được, phải lấy khăn giấy lén lau vội mấy giọt nước mắt đang làm mọi thứ nhòe đi.
“Người ta có thể đổi giọng, pha tiếng nhưng cái “miệng ăn”, cái tình với mấy thứ thuộc “đồng quà tấm bánh” ấy thì còn thấm đậm và âm ỉ lắm, chả dễ gì suy suyển được. Đôi lúc người ta nghĩ đến quê có khi chỉ từ mấy miếng ăn. Có lẽ quê hương cũng là ở những gì rất trần thế, cụ thể, chả phải cao siêu gì...” |
Ngày xưa chị rất đẹp, cô thôn nữ hoa khôi ở làng. Giờ vẫn đẹp, vẻ đẫy đà đôn hậu ở tuổi sắp bẩy mươi. Môi đỏ mầu ăn giầu. Đôi lúm đồng tiền vẫn duyên trên cặp má phinh phính hồng. Tóc bạc trắng rồi, như những sợi cước nhỏ thời xưa đi câu. Không óng nhưng mượt.
Nhà có ba chị em đều đẹp, bà cả kiểu mộc mạc, thuần quê. Cô út là vẻ tươi tắn kiểu học sinh thành thị, chị ở giữa, giời lại cho (hay bắt?) cái vẻ rực rỡ của một đóa hoa. Tên chị cả là Chốn (hay là Trốn?). Chị tên Phượng, cô út là Lượn. Thật là tên nào phận nấy, sắc nào cũng phận ấy luôn.
Chị cả tên “Chốn - Trốn”, vẻ duyên bình dị lấy chồng nông dân. “Trốn” là “trốn tránh” hay “Chốn” là “nơi chốn” thì cũng vậy, chị sống ở làng, con cái một bầy, một đời làm ruộng nhưng rồi có ngày vẫn xây được cái nhà có cả “toa lét tự hoại”. Thuở sinh thời có lần bà cô về quê, chị cứ nằng nặc kéo vào nhà ra chừng khoe cái “tự hoại” vì “khi xưa cô về cứ phải “ra đồng” khổ quá”!
Cô út tên Lượn, chả trách được “thoát ly”. Xinh, hồn nhiên như thiếu nữ trên tỉnh. Hết cấp 3 được đi trung cấp, rồi đi làm tỉnh khác. Chồng cán bộ nhà nước, nghe đâu cuộc sống cũng ổn. Quan trọng là đi ra khỏi lũy tre làng.
Còn chị, cái đóa hoa rực rỡ ấy sau một thời “kén” mãi không thành, rồi cũng lấy một anh khá đẹp trai, kém chị mấy tuổi. Hồi đấy cả làng thấy lạ. Chồng là con út trong một nhà nông dân nhưng cũng đủ tiền cho ăn học hết trung cấp, nên cũng ra đi làm ngoài tỉnh. Chị đẻ sòn sòn 5 - 6 đứa, vẫn ở quê làm ruộng, yên phận nuôi con. Chồng cũng hiền nhưng đùng cái đổ bệnh rồi đi, để lại vợ và một lũ con thơ dại. Lúc ấy chị chắc mới ngoài 30, cái tuổi người đàn bà đương mặn mà, đằm thắm nhất. Nhưng chị cứ ở vậy, cặm cụi nuôi con, làm người đàn bà làm ruộng cho đến già.
Xưa bà cụ hay thương mấy cháu có “hoàn cảnh” và được các cháu yêu kính lại. Nhưng toàn cháu “số khổ”, như một anh cháu giáo viên nghèo, một cô cháu góa bụa nuôi con, hay như bà chị “gạo mới cô ơi...” này.
Quà quê, quà tỉnh
Mỗi người Hà Nội đều đến từ một vùng quê nào đó, có thể là từ thuở rất xa. Từ một cái làng, thuộc một phủ, một tổng của một tỉnh, một vùng miền. Sống nhiều đời thì bớt dần chất “quê” và thêm dần chất “thị”. Nhưng vẫn còn cái mớ quan hệ họ hàng nhằng nhịt ở quê mà nhờ nó, như sợi dây liên hệ, mỗi gia đình vẫn còn một “phần quê” trong mình. Rồi là sự đi lại thăm thú lẫn nhau. Người tỉnh về quê ăn giỗ, lúc giặc giã chạy về quê lánh nạn. Người quê ra tỉnh thăm họ hàng, ăn cưới, dự đám ma, đi chữa bệnh. Mỗi lần thăm thú là một lần quà cáp. Thế là có chuyện “quà quê, quà tỉnh”. Ngày xưa dân Hà Nội mang về quê mấy cái bánh mì mậu dịch, chai xì dầu, gói kẹo cứng Hải Châu, bánh quy gai, quy xốp. Quý hóa lắm. Khách quê ra là bu gà, nải chuối, gánh khoai, vài cân gạo nếp. Cũng quý hóa lắm.

Người quê rất trọng khách, mỗi khi khách tỉnh về, họ đón như thượng khách. Được tin về là nhốt gà từ hôm trước, mới nghe tiếng còi toe toe tít ở đầu làng là đã cuống quít, là quáng quàng áo xống, chạy vội chạy vàng ra đón rước. Có bể nước mưa tích trữ nấu ăn cả năm nhưng vẫn múc đầy chậu thau cho khách rửa mặt. Cơm rượu bày ra trên mâm, khách tháo giày tây, cởi áo vét, khoanh chân đĩnh đạc trên phản rồi mà chủ vẫn cứ xoa hai tay vào nhau mời mời mọc mọc, lúng ta lúng túng. Rồi thì sai vợ, quát con.
Xưa cơm nhà quê đãi khách, thuần túy là gà luộc, cỗ lòng xào su hào, nước dùng nấu bát canh bí xanh. Bát cơm thơm thơm mùi gạo mới. Bát canh, đĩa xào có cái mùi oi khói rơm rạ. Khách thích chí gắp gắp chan chan, rồi tợp ngụm rượu gật gù.
Nay cơm quê đãi khách cứ lưỡng lự, nửa quê, nửa tỉnh. Đã đành là vẫn gà luộc, lòng xào, bát canh khoai sọ, nhưng còn có đĩa giò lụa, chả quế, giá được giò chả Ước Lễ thì tốt quá, nhưng có nhà lại cầu kỳ “mật báo” cho con ngoài Hà Nội mua về thêm giò chả chợ Đồng Xuân. Có mâm cơm đã đặt lên bát su hào nấu mọc. Tỉnh thành rồi. Khách trách khéo: “Nhà mày vẽ chuyện!”. Nhiều nhà giàu nhà quê bây giờ mang bia ra mời, khách thì cứ nằng nặc đòi rượu sủi tăm nút lá chuối. Một đằng thì muốn tỏ ra cho sang, một đằng lại cứ thèm khát cái vị tự muôn đời cho lạ cái miệng quen uống rượu tây.
Khách ra về thì cố dúi vài quả bưởi, mấy túm bánh nếp, lủng lẳng ra xe.
Nhưng dân quê ra tỉnh làm khách thì thương lắm. Rụt rà rụt rè, khép na khép nép. Là ra thăm nhà của con của cháu đấy, mà cứ như ở nhà ai. Bây giờ ngoài tỉnh cái gì của quê cũng có, mùa nào thức ấy, tôm cua ốc ếch, chim ngói, cốm xanh, nên quà gì cũng bớt quý đi. Đôi lúc có đứa con vô ý nhìn mẹ mang bu gà còn mắng sa sả: “Mang xách làm gì cho nhọc”. Chứ ngày xưa quý lắm. Có lẽ bắt đầu từ sự quý người, rồi ra quý của.
Cơm gạo mới rưới nước mắm hạ thổ
Kẻ đi xa, ngoài người thân, nỗi niềm thương nhớ là gì? Là làng nước, ngôi nhà, thời tiết, miếng ăn? Sài Gòn sáng cuối năm, ngồi trong cái se se “có tí lạnh”, hít hà tưởng tượng vu vơ về Hà Nội. Quán trang trí có mái lá, giỏ tre, cây chuối… và cái tên kiểu “Hương Bắc”, “Cốm Xanh”… Bát bún ốc, đĩa bánh cuốn, tô cháo lòng, bát miến ngan, đĩa xôi khúc, chả phải của ngon vật lạ gì mà đắt như cao lương mỹ vị, mà vẫn đông nghịt, đa phần là khách “nhập cư”. Nghe lao xao nhiều giọng nói, những âm sắc xứ Nghệ, Hải Phòng hay Hà Nội thì ngôn từ cũng đã chịu ảnh hưởng nhiều của Sài Gòn. Nghe những chất giọng pha trộn từ nhiều vùng miền ấy, nhìn người ta ăn, chợt nghiệm ra rằng, người ta có thể đổi giọng, pha tiếng nhưng cái “miệng ăn”, cái tình với mấy thứ thuộc “đồng quà tấm bánh” ấy thì còn thấm đậm và âm ỉ lắm, chả dễ gì suy suyển được. Đôi lúc người ta nghĩ đến quê có khi chỉ từ mấy miếng ăn. Có lẽ quê hương cũng là ở những gì rất trần thế, cụ thể, chả phải cao siêu gì.

Thế nên, cái hương vị của cơm gạo, của con cá đồng, nó dậy lên như một sự đánh thức. Làm nhớ. Cái thời sơ tán, về quê ở khổ thì có khổ, là cái khổ không đèn điện nước máy, không chăn ấm gối êm. Nhưng bù lại, sau mới thấy, là cuộc đời còn có được những kỷ niệm. Có những cảm nhận mà nếu ở thị thành chắc chả bao giờ có được. Làm sao mà biết trên đời có cái mùi hương lúa lúc đi bộ qua cánh đồng mùa gặt. Làm sao biết được cái mùi cơm nồng nàn đến dậy hết cả sóng lòng mỗi sáng sớm bốc lên từ cái nồi đồng thắt eo, thổi bằng rơm rạ. Nấu cho cạn nước rồi quấn một vòng rơm xung quanh rồi đốt. Lửa đùng đùng, lúc sau cơm chín, mở cái vung bằng nan tre ra, gạt đi lớp tro rơm trên mặt thì mùi ngào ngạt. Những hạt cơm se se còn ngà ngà mầu cám. Lấy đâu ra thịt, chỉ rưới vào mấy thìa “ma gi mậu dịch” hay nước mắm “loại 2” mà bà mẹ ở Hà Nội đã pha chế lại theo tỉ lệ và công thức 1 thành 2,5. Tức là 1 lít nguyên thành 2 lít rưỡi với muối và nước lọc cho những đứa con mang về quê mỗi tháng. Chỉ thế thôi mà cơm trôi tuồn tuột.
Nhà quê xưa cơm ngày 2 bữa chính, sáng và trưa. Sáng ăn còn để đi cầy, trưa ngoài đồng về càng phải ăn sau buổi làm. Tối thì tùy, nhà khá giả có bát cơm nguội từ trưa còn lại, chan nước dưa, không thì ngồi ngó giăng uống ngụm nước chè xanh ngáp vặt kiểu anh giáo Thứ ở làng trong truyện ông Nam Cao. Trẻ con Hà Nội về cũng theo cữ ấy, tối có lưng bát cơm nguội rưới nước mắm hay “ma gi” pha kia là xong bữa, rồi phủi chân chui vào màn nghe kể chuyện ma.
Hồi đấy chả hiểu sao, pha đến thế mà mùi vị vẫn ngào ngạt lắm. Là nước chấm mậu dịch đấy! Thì dù là “mậu dịch” vẫn là làm từ những con cá tươi của biển, độ đạm loãng thôi, nhưng cá tươi từ những vùng biển sạch, thời chưa có chất thải từ những nhà máy ven bờ.
Hai năm trước, bà chị đi Phan Thiết về cho mấy lọ nước mắm con con bảo là đặc biệt lắm. Nếm thử công nhận không chê vào đâu được. Thơm, vị đậm, nguyên vị cá chứ không mặn hay lờ lợ ngọt. Nhờ mua thêm mấy hộp, lần sau về mở nếm không được như lần đầu. Hóa ra mấy chai lần trước bà í “để quên” từ bao giờ, nên ngon. Lần này mới. Bèn nghĩ cách hạ thổ, cho xuống tầng hầm cùng mấy hũ rượu ông bạn Hà Nội mang vào. Quên nó chừng hơn năm, mới mang lên. Quả nhiên lúc mở mùi thơm vị đậm vang lừng, tê dại mọi thứ giác trong người.
Gần đây rộ chuyện về cuộc chiến giữa “công nghiệp” và “truyền thống”. Ngẫm thấy là, trong cuộc chiến ấy, người quyết định “số phận chiến tranh” là thực khách, là người ăn. Họ quyết định chọn phe nào? Cái đấy do chất lượng thực phẩm đã đành, nhưng một phần không nhỏ là do những “giác quan” ẩm thực của họ, khứu và vị giác có còn biết cảm nhận, phân biệt được không, những mùi vị thật và trinh trắng của những thứ xơi vào. Có những thứ rất cần nhưng giờ chỉ còn là “ký ức vị giác” như cách nói của một nữ nhà báo. Làm sao để đánh thức và duy trì được nó, chứ cứ để cái thói quen dễ dãi, sự hời hợt qua chuyện, thì những vị ngon ngọt thơm tho sặc mùi công nghiệp nó đánh lừa, có khi chả cần sự lừa đảo hay nhập nhằng truyền thông cũng làm người ta mắc bẫy. Thêm nữa, những nhà sản xuất theo lối truyền thống cũng phải trung thành, chung thủy và trung thực với nghề và với thực khách. Chỉ cần chút cẩu thả, chút dễ dãi hay vì lợi mà làm khác đi, hay chạy theo miệng lưỡi của những cái miệng quen vị lai tạp cho dễ bán thì chả gì cứu vãn nổi.
* *
*
Kể một câu chuyện dài dòng về sự ăn, nghe sướt mướt có, hoài cảm có, “sến súa” có, với sự “ ủ mưu” là may ra làm người khác có chút rưng rưng? Biết “rưng rưng” là khởi nguồn của muôn điều tử tế. Mà sự tử tế cũng luôn bắt đầu từ ngay cả miếng ăn đầy “rưng rưng” ấy. Thông tư này, nghị quyết nọ cũng chả ăn thua, nếu người ta không có chút “động lòng”.
Chỉ vì cái mùi hương gạo mới và vị nước mắm hạ thổ mà sáng nay quyết không ăn phở, vào bếp lọ mọ lấy bơ gạo cúng bỏ vào nồi cắm điện, tí nữa rưới mấy thìa nước mắm vào cho dậy mùi, chỉ tiếc là không có cái nồi đồng và những đụn rạ rơm.
Ôi chao, cuộc đời sao có những kỷ niệm dậy mùi nao nức đến thế. Như là nó đây, cơm gạo mới, từ xa xưa và dai dẳng đến muôn cùng!