Tết sớm Trường Sa

Ghi chép của THÙY TRÂM 22/01/2017 18:08

Trường Sa những ngày giáp Tết thật đặc biệt. Đó là thời điểm các đoàn công tác đi kiểm tra, chúc Tết, mang theo quà tặng và cả tấm lòng của đồng bào cả nước để quân dân Trường Sa đón Tết sớm. Đây cũng là thời điểm Trường Sa chia tay những người lính, trở về sum vầy với gia đình và đón nhận những người lính trẻ lần đầu tiên ăn Tết xa nhà, giữa đại dương bao la… Mỗi người một tâm trạng, một cảm xúc nhưng Trường Sa những ngày này luôn ấm áp tình đồng chí, đồng đội sắt son.

Chở mùa xuân ra đảo

“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá...”, những lời hát của ca khúc Tổ quốc gọi tên mình bật lên đầy hào sảng và xúc động lạ thường khi chúng tôi cùng Đoàn công tác số 2 lên tàu 936 của Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) đến các đảo, điểm đảo nằm giữa quần đảo Trường Sa những ngày giáp Tết. Hạ sĩ Vũ Tuấn Tú, quê ở huyện Đông Hưng, Thái Bình, tâm sự: “Tết này em sẽ làm nhiệm vụ ở đảo Phan Vinh. Với em, đây sẽ là một trải nghiệm khó quên của tuổi trẻ. Xa nhà sẽ không tránh khỏi tâm trạng chơi vơi, buồn nhớ, nhất là mẹ em lại hay đau ốm nhưng em đã được các thủ trưởng động viên, chăm sóc ân cần như những người cha, người anh nên em rất cảm động. Chắc chắn, em sẽ hoàn thành tốt nghĩa vụ với Tổ quốc”.

Các đảo mà tàu 936 đến lần này hầu hết là đảo chìm như Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le... không có dân ở, đời sống bộ đội gặp nhiều khó khăn hơn so với các đảo nổi. Dẫu vậy, đời sống của bộ đội hiện nay đã tốt hơn trước rất nhiều, nhất là có điện đủ dùng nhờ hệ thống năng lượng sạch. Ngoài sự đầu tư từ quân đội, đã có thêm các nhà văn hóa đa năng trên điểm đảo Đá Lớn C, đảo Tiên Nữ do Tập đoàn Điện lực Việt Nam, TP Hà Nội tài trợ. Không chỉ mở rộng không gian sinh hoạt cho bộ đội, các nhà văn hóa đa năng thực sự đã làm cho đời sống văn hóa tinh thần của những người lính đảo khởi sắc khi có phòng đọc rộng rãi, hội trường để sinh hoạt, phòng chơi bóng bàn, tập gym... Trung úy Vũ Văn Lan, Chính trị viên điểm đảo Đá Lớn C, cho biết: “Với không gian rộng rãi, có đủ thiết bị, vật chất phục vụ hoạt động văn hóa - thể thao giúp cán bộ chiến sĩ trên đảo, nhất là các tân binh yên tâm công tác, bảo đảm đời sống sinh hoạt vui tươi lành mạnh, góp phần hoàn thành nhiệm vụ trung tâm là trực, sẵn sàng chiến đấu”.

Các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông gói bánh chưng đón Tết Ảnh: Thùy Trâm
Các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông gói bánh chưng đón Tết  Ảnh: Thùy Trâm 

Hiện nay trên các đảo chìm, bộ đội đã cơ bản tự túc được rau xanh, thịt trong khẩu phần ăn nhờ tăng gia sản xuất được đẩy mạnh. Nhìn ngắm vườn rau xanh mướt đủ loại của điểm đảo Đá Lớn B, đàn lợn trên đảo Sinh Tồn Đông... mới thấy được ý chí vượt khó của những người lính bộ đội cụ Hồ nơi đầu sóng ngọn gió.

Người ta nói, môi trường quân đội giúp con người trưởng thành, tinh thần, thể lực được rèn luyện, thử thách. Ở đảo Sinh Tồn Đông, Binh nhất Hoàng Ngọc Đức và Nguyễn Văn Quý đang lần đầu tiên tự tay gói bánh chưng dưới sự hướng dẫn của Trung úy Trần Quốc Thắng. Trong gói bánh chưng, lá dong là nguyên liệu phải bảo quản vất vả nhất, bộ đội trên đảo có sáng kiến rất hay, trải lá dong ra, ép vào hai tấm ván, lấy ni-lông buộc kín rồi tưới nước, giúp lá dong rất mềm và tươi lâu. Trong bàn tay còn vụng về của hai binh nhất, chiếc lá dong vẫn được cắt gọn gàng sẵn sàng để gói những chiếc bánh chưng vuông vức...

Các chiến sĩ trên đảo Cô Lin chia tay đồng đội về đất liền đón Tết Ảnh: Thùy Trâm
Các chiến sĩ trên đảo Cô Lin chia tay đồng đội về đất liền đón Tết Ảnh: Thùy Trâm 

“Đất liền hãy tin ở chúng tôi”

Năm nay, số lượng quà Tết của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước gửi đến quân dân Trường Sa lên tới 500 tấn, lớn nhất từ trước đến nay. Bộ phận hậu cần, vận tải của Lữ đoàn 146 Đoàn Trường Sa anh hùng đã cẩn thận lèn chặt, gói bọc kỹ từng món quà để tránh hư hao.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và đồng bào cả nước, có thể nói, Tết trên các đảo Trường Sa hiện không khác biệt so với đất liền. Tuy nhiên, ở hoàn cảnh xa nhà, vừa lo chuẩn bị Tết, vừa trực sẵn sàng chiến đấu nên với các chiến sĩ mới ra đảo không tránh khỏi phút giây nhớ nhà. Ý thức được điều này, không chỉ đem đến những món quà vật chất, đoàn công tác của chúng tôi còn mang đến những món quà tinh thần là thư của các em học sinh, các thiếu nữ từ đất liền gửi bộ đội ở các điểm đảo. Những dòng chữ nắn nót, những lời tâm sự chân thành, bày tỏ sự cảm phục ý chí của những người lính đang ngày đêm canh giữ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Và hơn hết là lời động viên những người lính yên tâm làm nhiệm vụ. Đọc xong những lá thư, Trung sĩ Mai Công Bằng ở đảo Tiên Nữ, đảo xa nhất thuộc quần đảo Trường Sa, tâm sự: “Dù ăn Tết xa nhà, em hứa sẽ vững tay súng, vui Xuân đón Tết trên đảo nhưng không quên nhiệm vụ cấp trên giao phó”.

Một trong những yếu tố giúp người lính vượt qua những phút giây yếu lòng khi xa gia đình chính là tình đồng đội. Ở điểm đảo Đá Lớn C, chỉ huy đơn vị đã tổ chức một buổi liên hoan đón tân binh và chia tay cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền. Đó là những giây phút hiếm hoi, người ta có thể thấy những người lính đảo Trường Sa rắn rỏi trước phong ba bão táp, trước hoàn cảnh sống và làm việc khó khăn, rơi nước mắt. Những người lính ở lại đảo đón Tết ôm chặt những người sẽ vào bờ. Họ hát cho nhau nghe về Trường Sa, về người lính để nhắc nhở nhau những năm tháng tuổi trẻ đã dành trọn cho biển đảo của Tổ quốc. Thượng úy Trần Quân, Phó Chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Lớn C, thay lời những cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị vào bờ xúc động: “Dù xa xôi về địa lý, nhưng các đồng chí ở lại đảo hãy nhớ rằng, chúng tôi luôn nhớ tới các đồng chí. Chúc các đồng chí ở lại đón Tết vui vẻ, an toàn, luôn xem biển là nhà, đảo là quê hương, vẫn xem chúng tôi như là thành viên của đại gia đình Đá Lớn C”. Những lời tâm sự chân tình đó khiến người chỉ huy dày dạn nắng gió như Đại tá Nguyễn Hưng không khỏi xúc động. Ông đã lên sân khấu, nắm tay Trung sĩ Lê Tùng sắp ra quân, cùng cất vang bài hát “Đồng đội”.

Ở đảo nào chúng tôi đi qua, cũng đều thấy tình cảm gắn bó giữa đất liền và đảo thật thiêng liêng. Sợi dây tình cảm đó góp phần giúp người lính giữ đảo an lòng hơn. Đã qua thời kỳ bộ đội phải chia từng ca nước ngọt, dùng hoa quả nhựa đặt trên bàn thờ. Dẫu vậy, với bộ đội Trường Sa, từng cây quất, chiếc lá dong, nắm đất trồng rau... vẫn luôn là món quà quý giá. Đại úy Hoàng Văn Sinh, Chính trị viên đảo Đá Lớn A, tâm sự: “Chuyến công tác này của đoàn đã mang Tết sớm ra đảo, giúp cán bộ, chiến sĩ trên đảo đón xuân, mừng Đảng với không khí vui tươi, phấn khởi. Chúng tôi luôn xác định, vui xuân, không quên nhiệm vụ. Đất liền hãy luôn tin tưởng ở chúng tôi!”. Rời đảo Phan Vinh, điểm cuối của chuyến đi, ấn tượng của chúng tôi là hình ảnh người lính đảo bồng súng canh gác cạnh mốc chủ quyền. Chúng tôi chưa kịp hỏi tên, chỉ biết chàng trai đó mới chỉ ở độ tuổi 20. Song nhìn vào ánh mắt trong trẻo mà cương nghị của người chiến sĩ ấy, chúng tôi thấy cả mùa Xuân đang về. Một mùa Xuân đất nước đang vững bước đi lên, sánh bước cùng bạn bè năm châu bốn biển.

<i>Ghi chép của</i> THÙY TRÂM