Chăm lo lâu dài

Hồng Loan 20/01/2017 07:56

Chị Vòng Nhục Lình có 16 năm gắn bó với Công ty TNHH Giày thông dụng (General Shoes Co., LTD) ở Thuận An, Bình Dương. Vì quê ở Đồng Nai, gần Bình Dương nên Tết năm nào chị cũng về nhà. “Nhà có con nhỏ nên trước khi về, Công ty có trao thưởng cuối năm cho thành tích học tập của con và trợ cấp thêm cho mỗi công nhân có con dưới 6 tuổi 20.000 đồng. Nhiều người nhà ở xa, Công ty tạo điều kiện cho nghỉ thêm 5 - 7 ngày trước Tết. Về các chế độ, người lao động được thưởng một tháng lương cơ bản và một phần quà khoảng 150.000 đồng gồm dầu, gạo, mắm…”, chị Lình kể.

Chị Lình chỉ là 1 trong số gần 1 triệu công nhân đang làm việc tại Bình Dương. 8.000 công nhân ở địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước này đã được doanh nghiệp hỗ trợ vé xe về quê ăn Tết. Những người khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết cũng được thăm hỏi, tặng quà.  

Đồng Nai cũng có rất đông công nhân từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước về làm việc. Từ đầu tháng 12.2016, các cấp công đoàn Đồng Nai đã thương thảo với lãnh đạo doanh nghiệp để tăng tiền thưởng Tết, nâng lương cho người lao động. Ngoài các chế độ phúc lợi chung, tổ chức công đoàn và doanh nghiệp còn hỗ trợ những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động. Công nhân các tỉnh miền Bắc, miền Trung được tặng vé xe về đoàn tụ với gia đình mấy ngày Xuân. Những người không có điều kiện về quê, phải đón Tết tại khu nhà trọ, trong ngày 30 và mồng 1 Tết, Liên đoàn Lao động Đồng Nai sẽ đến tận nơi tặng quà.

Nhiều hoạt động vui chơi, giải trí được tổ chức như Hội thi trưng bày mâm cỗ ngày Tết, thi hái hoa dân chủ, các trò chơi dân gian và chương trình văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân do người lao động tham gia trình diễn.

Tương tự Bình Dương và Đồng Nai, những ngày này nhiều địa phương, doanh nghiệp trên cả nước đã tổ chức các chuỗi hoạt động để công nhân lao động có một cái Tết đủ đầy, được sum vầy bên người thân và cảm thấy ấm lòng. Điều này rất đáng quý nhưng là chưa đủ nếu nhìn vào một thực trạng đã kéo dài: Công nhân đang bị vắt kiệt sức lao động và chưa được ai chăm lo cho họ. 

 Lấy chất lượng bữa ăn công nhân làm ví dụ. Không cần phải là chuyên gia dinh dưỡng mới biết rằng công nhân lao động chân tay nặng nhọc rất cần chế độ ăn uống hợp lý. Nhưng suất ăn ở nơi làm việc của công nhân bao năm nay vẫn cứ nghèo nàn như thế. Quanh đi quẩn lại với rau luộc, cá ngừ, cá nục hoặc thịt lợn, cơm nấu gạo dở, canh lõng bõng nước. Nhiều chủ doanh nghiệp không để tâm đến bữa ăn của công nhân, họ “vô tư, hồn nhiên” khoán trắng cho các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp. Mức chi phí bữa ăn thấp và số vụ ngộ độc thức ăn xảy ra trong thời gian qua đã cho thấy bữa ăn của công nhân lao động tệ tới mức nào. Chất lượng bữa ăn thậm chí đã trở thành nguyên nhân của nhiều cuộc đình công, bên cạnh những lý do xưa cũ như: Doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho công nhân; bắt tăng ca nhiều nhưng trả lương thấp; chậm trả lương... Bữa ăn còn như vậy thì nói chi đến những chuyện cao xa hơn như an cư, hay đáp ứng nhu cầu văn hóa. 

Ngày xuân rồi sẽ qua nhanh. Những công nhân lao động rồi sẽ lại chen lấn trên những chuyến xe lèn chặt người, trở lại guồng quay cũ với những bữa cơm phải cố nuốt cho trôi. Thế nên, chăm lo cho họ không nên chỉ là những hoạt động ồn ã mỗi dịp lễ, Tết, không đơn giản là những món quà hay tăng lương tối thiếu mấy phần trăm mà phải là chuyện dài hơi với những chính sách cụ thể hướng về họ. Những chính sách ấy phải được thiết kế bằng cái tâm chăm lo thực sự cho họ - những người dễ bị tổn thương - và một sự sâu sát thực tế.

Hồng Loan