BOT và trách nhiệm của Nhà nước

Bạch Long thực hiện 12/01/2017 08:04

Chính quyền địa phương, nhà đầu tư và người dân, mỗi phía đều có một chút khuyết điểm, cộng hưởng vào với nhau trong một dự án cụ thể đã đẩy BOT thành điểm nóng trong thời gian qua. Trách nhiệm của Đoàn giám sát là phải xem xét mọi khía cạnh có liên quan một cách khách quan và công bằng để bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể có liên quan - TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN, Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát của UBTVQH đã trao đổi với Đại biểu Nhân dân như vậy trước khi chính thức làm việc với các bộ, ngành và địa phương đầu tháng 2 tới.

“Chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm”

- Thưa ông, vài năm trở lại đây, vì sao các dự án BOT giao thông trở thành điểm nóng trong dư luận xã hội?

Việc xử lý câu chuyện liên quan đến chủ trương đầu tư BOT phải theo tinh thần: Huy động nguồn lực trong xã hội để đầu tư, phát triển hạ tầng, phát triển đất nước nhưng phải bảo đảm sự ổn định xã hội, không để xảy ra mâu thuẫn, xảy ra các điểm nóng trong dư luận nhân dân. Mấu chốt là phải phân chia hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân thì sẽ tạo được sự đồng thuận.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên

- Tôi cho rằng, cả 3 phía, chính quyền địa phương, nhà đầu tư và người dân đều chưa làm tốt trách nhiệm của mình. Vừa qua, các địa phương đều có chủ trương mời chào các nhà đầu tư, bất kể là đầu tư bằng BOT hay bằng ngân sách nhà nước, để có cơ sở hạ tầng tốt, trước hết là phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, sau đó là góp phần phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mục đích rất tốt đẹp nhưng khi triển khai, chính quyền địa phương không có kinh nghiệm, các nhà đầu tư cũng không có kinh nghiệm nên đã không để ý đến quyền lợi của người dân, quyền lợi của người sử dụng các công trình này.

Về phía doanh nghiệp, mục đích đầu tư của họ là vì lợi nhuận. Nếu lợi nhuận không bảo đảm thì họ phải thu phí cao. Về phía chính quyền địa phương, tôi phải nói thẳng là đã không làm hết trách nhiệm của mình, vẫn chạy theo thành tích, ngại va chạm với người dân và đã không thực hiện được vai trò là trọng tài giữa người thụ hưởng và nhà đầu tư. Do đó, khi có vấn đề xảy ra thì một số lãnh đạo địa phương đã trả lời rất thiếu trách nhiệm là “không biết”.

Công tác tuyên truyền của nhà đầu tư và chính quyền địa phương đối với người dân cũng chưa đúng, chưa đầy đủ. Người dân hiện nay vẫn đang nhìn các dự án, công trình BOT với tính chất là công trình do Nhà nước làm, vì công tác giải phóng mặt bằng cho các công trình này vẫn là của Nhà nước. Vì thế, so sánh với các công trình được thực hiện bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hay ngân sách nhà nước thì người dân thấy rõ ràng, các công trình BOT thu phí cao hơn hẳn nên họ bức xúc cũng là điều dễ hiểu.

- Năm 2016, Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm về vấn đề này và nhận được ý kiến bức xúc của nhiều độc giả về sự thiếu công khai, minh bạch của các dự án BOT. Ông có bình luận gì về điều này?

- Đúng là có tình trạng chưa bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình triển khai các dự án BOT. Nhưng có lẽ, cũng không thể đòi hỏi công khai, minh bạch đến từng hộ dân được. Vấn đề là, phải thông qua các tổ chức chính trị và đoàn thể xã hội để thông tin cho người dân hiểu được hoàn cảnh của đất nước, của địa phương, tại sao lại phải xây dựng công trình này, công trình kia bằng hình thức BOT, cái tích cực và điểm hạn chế của BOT là gì… từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân về việc thực hiện các dự án BOT. Nhưng hiện nay, như tôi nói, phản ứng gay gắt của người dân có một phần là do họ hiểu chưa đầy đủ, chưa đúng về bản chất của các công trình, dự án BOT. Trong khi chưa tạo được sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận về chủ trương như vậy thì một số địa phương lại ồ ạt triển khai các dự án BOT, chưa cân nhắc, tính toán cẩn trọng đối với từng dự án có thực sự phù hợp với nhu cầu của địa phương hay không nên bị vướng.

Xa lộ Hà Nội ở TP Hồ Chí Minh được đầu tư mở rộng theo hình thức BOT do CII làm chủ đầu tư - Ảnh: Tán Thạnh
Xa lộ Hà Nội ở TP Hồ Chí Minh được đầu tư mở rộng theo hình thức BOT do CII làm chủ đầu tư - Ảnh: Tán Thạnh

Đòi hỏi doanh nghiệp BOT như DNNN là không tưởng

- Nhưng có một thực tế là, “bản chất” BOT hiện nay của nước ta cũng không giống với thông lệ các nước, thưa ông?

- Về nguyên tắc, BOT là dự án sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi của các doanh nghiệp để khuyến khích họ đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, dự án, công trình mà xã hội cần nhưng Nhà nước chưa đủ tiền. Tức là, các doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư BOT là những doanh nghiệp mà lợi nhuận trên vốn trong ngành và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh truyền thống của họ đã đạt tới ngưỡng bão hòa, lợi nhuận đem lại nếu tái đầu tư vào lĩnh vực chuyên môn truyền thống không bằng lợi nhuận của lãi suất tiết kiệm buộc họ phải tìm một kênh đầu tư khác. Vì thế, vốn để thực hiện các công trình BOT là tiền của doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trực tiếp huy động trong dân.

Còn ở nước ta thì vốn đầu tư BOT lại chủ yếu được đi vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Đấy là điểm mấu chốt khác nhau giữa BOT của nước ta với các nước. Khi đã đi vay vốn ngân hàng thì doanh nghiệp phải trả lãi, tức là phải trả gấp đôi hoặc ít nhất là 1,5 lần so với việc doanh nghiệp sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi của mình hoặc nguồn vốn tự huy động trong dân để đầu tư.

- Đó cũng là một lý do khiến người dân bức xúc, thưa ông, vì họ có cảm giác, doanh nghiệp BOT chỉ “đứng giữa hưởng lợi” - vốn thì đi vay ngân hàng còn mọi chi phí đều đẩy về phía người dân?

- Việc đi vay vốn ngân hàng làm đội giá thành dự án BOT chứ không làm thay đổi bản chất của dự án.

Bản chất kinh tế của dự án BOT là khi sử dụng là anh phải trả tiền, bất kể, doanh nghiệp huy động tiền bằng cách nào, chỉ cần họ thực hiện xong công trình theo đúng yêu cầu của Nhà nước là họ hoàn thành nhiệm vụ. Doanh nghiệp BOT không phải là doanh nghiệp nhà nước. Mục tiêu của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận, làm cái gì cũng phải vì lợi nhuận trước đã. Nếu nhìn nhận doanh nghiệp BOT như doanh nghiệp nhà nước và đòi hỏi họ phải như các doanh nghiệp nhà nước là điều không tưởng.

Tôi cho rằng, vấn đề ở đây không phải là doanh nghiệp mà là trách nhiệm của Nhà nước. Trong các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người dân thì có 2 quyền cơ bản là quyền có việc làm, quyền mưu cầu hạnh phúc và 1 nghĩa vụ là nộp thuế. Khi công dân đã nộp thuế theo quy định thì Nhà nước phải có trách nhiệm cung ứng một cơ sở hạ tầng cơ bản để họ có thể làm việc, sản xuất, kinh doanh… Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa làm rõ được, chưa rạch ròi được với người dân là với mức thuế đang huy động thì cơ sở hạ tầng cơ bản người dân được đáp ứng là gì. Nói một cách nôm na là, chúng ta không làm rõ được những cơ sở hạ tầng để phục vụ số đông và cơ sở hạ tầng để phục vụ số ít những người có nhu cầu và có khả năng chi trả ở mức cao hơn. Hay nói như các nhà lập pháp là, chúng ta chưa bảo đảm để người dân có thể lựa chọn việc sử dụng các cơ sở hạ tầng phù hợp với nguồn thu của họ.

- Nhiều hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước đối với các dự án BOT giao thông cũng đã được một số chuyên gia chỉ ra. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi cho rằng, hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để bình luận về việc quản lý nhà nước như thế nào. Ví dụ, vừa qua, đã có những công trình BOT “tai tiếng” trong vấn đề thu phí và thời gian thu phí, một số công trình phải rút ngắn thời gian thu phí đến cả chục năm. Như vậy, dư luận có thể đánh giá công tác duyệt dự toán công trình BOT là có vấn đề. Hay có ý kiến nhận định có “chủ nghĩa thân hữu trong quá trình hình thành các dự án BOT… Nhưng cụ thể vấn đề đó là gì, trách nhiệm ở khâu nào… thì phải qua giám sát mới có câu trả lời chính xác được. Nhiệm vụ của Đoàn giám sát của UBTVQH là phải xem xét mọi khía cạnh có liên quan một cách khách quan và công bằng để bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể có liên quan chứ không phải là định hướng trước cho dư luận xã hội.

- Xin cảm ơn ông!

Bạch Long thực hiện