Bài học từ cuộc cải cách giá - lương - tiền
Cải cách giá - lương - tiền từng được ví như cuộc cải cách xương máu, đẩy lạm phát lên đến con số 774%, nhưng cũng là tiền đề để đi tới quyết định Đổi mới toàn bộ nền kinh tế tại Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986.
Giá - lương - tiền biểu hiện cho sức sống của nền kinh tế. Giá - lương - tiền ổn định sẽ phục vụ tốt cho tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Trước thềm Đổi mới, cuộc điều chỉnh giá - lương - tiền năm 1985 đã khiến nền kinh tế biến động mạnh. Về giá, lấy giá thóc làm chuẩn, các mức giá của hàng hóa khác được quy theo giá thóc. Năm 1985, giá thóc được các chuyên gia tính toán trên thực tế bình quân là 25 đồng/kg (trước đổi tiền 14.9.1985). Ở các địa phương khác nhau, mức giá thóc quy đổi có thể cao hơn hoặc thấp hơn. Nhà nước ban hành mức giá mới của một số vật tư như xăng, dầu, xi măng, sắt… Về lương, thực hiện nâng giá đến đâu thì tăng tương theo đó (bù giá vào lương). Về tiền, để đáp ứng giá mới, lương mới, phải in thêm tiền. Tổng tiền lưu thông trong cuộc điều chỉnh năm 1985 là 120 tỷ đồng. Nhưng vì không tự in được tiền và để in ít tiền mà vẫn có sức mua lớn, Chính phủ đã chủ trương đổi tiền. Một đồng mới sẽ đổi lấy 10 đồng hiện hành. Như thế 12 tỷ đồng in mới và đem đổi sẽ tương đương với 120 tỷ đồng hiện hành.
Mong muốn của các nhà cải cách là tính đủ chi phí hợp lý vào sản xuất; thực hiện cơ chế một giá trong toàn bộ hệ thống giá cả. Người ăn lương trong xã hội được bảo đảm có thể sống chủ yếu bằng tiền lương, có thể tái sản xuất được sức lao động. Song, chúng ta đã “vỡ trận”. Ban đầu kế hoạch tăng lương là 20%, nhưng các bộ và địa phương cho rằng mức tăng này quá thấp. Chính phủ chấp nhận tăng lương 100%. Trong khi đó, mức giá mới được Chính phủ quyết định đã rút xuống còn khoảng 70% so với kế hoạch ban đầu. Kết quả là chi ngân sách cho tiền lương tăng vọt, nhưng thu ngân sách lại không tăng bao nhiêu do giá vật tư không tăng bằng mức như dự kiến. Để cứu ngân sách, tiền được phát hành hơn rất nhiều so với kế hoạch, càng làm cho vật giá tăng mạnh (riêng với nông sản, năm 1986 tăng 2.000% so với năm 1976) và lạm phát bùng nổ, đỉnh điểm năm 1986 lên đến 774%, làm kiệt quệ kinh tế. Tiền phát hành nhiều mà vẫn không đủ. Lương công nhân không có. Vật tư, hàng hóa khan hiếm. Chỉ số giá bán lẻ của thị trường xã hội năm 1986 tăng 587,2% so với năm 1985. Lúc bấy giờ có câu chuyện, người ta dành dụm cả đời gửi tiết kiệm nhưng gửi vào một con trâu, lấy ra chỉ được một con gà… Cuộc cải cách giá - lương - tiền biến thành bài học “xương máu”, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới toàn diện nền kinh tế, từ chỗ tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mấu chốt của công cuộc Đổi mới là giải quyết cho được câu chuyện giá - lương - tiền, tức là giải quyết được khâu đột phá của nền kinh tế, khai thác cho được động lực, ý chí phấn đấu của mỗi doanh nghiệp, nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Chúng ta đã trải qua thời kỳ lạm phát từ 3 con số trong suốt những năm 80 cho đến đầu những năm 90, lạm phát mới giảm về 2 con số và được kiềm chế giữ ở mức ổn định, nhờ vậy, chúng ta cũng giữ được “sức khỏe” của ngân hàng và nền kinh tế. Thành công này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước ta, chúng ta đã có những bước đi, hành động đúng đắn, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Chính sách tiền tệ cũng theo sát kinh tế thị trường, bảo đảm cân đối giữa tiền và hàng. Giá của đồng tiền, ở đây là lãi suất và giá của ngoại tệ (tỷ giá) ổn định. Chúng ta có thể chủ động điều chỉnh tiền tệ tùy theo biến động của nền kinh tế thế giới. Hiện nay, chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc kiểm soát lạm phát và kiểm soát tiền hàng.
Tới đây, trong bối cảnh đất nước tiếp tục hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới, tôi mong muốn, chúng ta phát huy được thành quả của 30 năm Đổi mới, phân tích đánh giá lại những mặt được và chưa được trong chỉ đạo, điều hành. Từ đó, tạo ra đột phá mạnh mẽ trong nội tại nền kinh tế, bằng cách cải cách thể chế, hạ tầng, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giải quyết được 3 vấn đề này, nền kinh tế sẽ tăng tốc.