Quyền được ngắt kết nối

Hải Hồ 04/01/2017 08:44

Người lao động Pháp đón nhận tin vui trong ngày đầu tiên của năm mới 2017 khi luật quy định về “quyền ngắt kết nối” chính thức có hiệu lực. Giờ đây, những người làm công ăn lương tại quốc gia châu Âu này được phép từ chối các email liên quan đến công việc nếu chúng được gửi đến ngoài giờ làm việc.

Vì sức khỏe người lao động

Đây là một phần trong bộ luật lao động được giới thiệu từ tháng 5.2016 và nó là điều khoản duy nhất không gây nên các cuộc biểu tình và đình công. Theo đó, những công ty có hơn 50 nhân viên sẽ phải đưa ra quy tắc về khung giờ mà nhân viên không phải gửi hoặc trả lời email công việc. Các quy định cũng hạn chế sử dụng công nghệ liên quan đến công việc ngoài văn phòng. Tuy nhiên, những doanh nghiệp trên được phép tuân thủ luật mới trên cơ sở tự nguyện và vẫn chưa có bất kỳ hình phạt nào dành cho đơn vị vi phạm.

Luật mới nhằm bảo đảm người lao động được trả lương hợp lý và ngăn họ bị vắt kiệt sức. Những người ủng hộ luật cho rằng người lao động không được trả tiền làm thêm cho việc nhận và trả lời email công việc ngoài giờ làm. Không những thế, thói quen làm việc ngoài giờ còn khiến họ có nguy cơ mệt mỏi, căng thẳng, khó ngủ và gặp trục trặc trong các mối quan hệ cá nhân. Trái lại, phe chỉ trích lo ngại người lao động Pháp sẽ thua kém đồng nghiệp tại những nước không có quy định hạn chế trên.

Tại Pháp, người lao động làm việc khoảng 35 giờ/tuần theo quy định được áp dụng từ năm 2000. Dù vậy, ông Benoit Hamon, thành viên đảng Xã hội và cựu Bộ trưởng Giáo dục Pháp, nhận định rằng không ít nhân viên rời văn phòng sau giờ làm nhưng vẫn chưa hết việc.

Một báo cáo hồi tháng 10 năm ngoái của nhóm nghiên cứu Eleas (Pháp) cho biết, 1/3 lao động Pháp dùng thiết bị số để làm việc sau khi rời cơ quan mỗi ngày. Khoảng 60% người lao động muốn có quy định rõ ràng về quyền lợi của mình trong trường hợp phải “kết nối” sau giờ làm việc.

Lý do hạn chế sử dụng email giúp nhân viên cảm thấy thoải mái và làm việc hiệu quả hơn, từ đó giúp ích cho cả người lao động lẫn chủ doanh nghiệp. Theo nhiều nghiên cứu, email công việc là nguồn gây stress đáng kể. Chưa hết, một nhóm giáo sư thuộc Trường ĐH Stanford (Mỹ) ước tính, căng thẳng tại nơi làm việc khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Mỹ tổn thất 125 - 190 tỷ USD/năm, tương đương 5% - 8% tổng chi phí chăm sóc sức khỏe ở nước này.

Học từ bên ngoài

Trước Pháp, một số tập đoàn lớn ở châu Âu đã có những bước đi riêng nhằm giảm nguy cơ người lao động làm việc quá sức. Năm 2012, hãng sản xuất xe hơi Đức Volkswagen đã chặn tất cả email trên điện thoại BlackBerry của nhân viên sau giờ làm để họ có thời gian nghỉ ngơi. Hãng sản xuất xe hơi Daimler cũng xóa email gửi cho nhân viên trong thời gian họ nghỉ phép. Năm 2014, Bộ Lao động Đức ban hành lệnh cấm các nhà quản lý gọi điện hoặc gửi email cho nhân viên sau giờ làm việc, trừ trường hợp khẩn cấp.

Còn tại Hàn Quốc, Hội đồng thành phố Seoul tháng 10 năm ngoái đã đề xuất bảo đảm sự riêng tư của người lao động trước cuộc gọi, tin nhắn, mạng xã hội và công cụ truyền thông khác liên quan đến công việc sau giờ làm. Mục tiêu là giảm bớt gánh nặng công việc và căng thẳng đè lên vai công chức địa phương.

Luật tương tự ra đời ở đất nước mặt trời mọc cũng xuất phát từ thực tế nhiều nhân viên phải làm việc quá sức và đã tự tử do không chịu được sức ép. Theo Bộ Lao động Nhật Bản, từ tháng 3.2015 đến tháng 3.2016, 96 người đã thiệt mạng vì tình trạng được gọi là làm việc quá sức.

Dù về tình tiết có thể khác nhau nhưng các nước châu Á thực sự đang phải vật lộn với vấn đề làm việc quá sức. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế, 32% người lao động Hàn Quốc làm việc hơn 49 giờ/tuần. Tỷ lệ này ở Hong Kong là 30%, Singapore là 25% và Nhật Bản là 21%. Mỗi năm, khoảng 600.000 người Trung Quốc chết vì làm việc quá sức. GS. Lu Shangbin, tại Đại học Vũ Hán cho biết, giới công nhân đang chịu áp lực lớn từ công việc khi giới chủ muốn họ làm hết sức để tối đa hóa lợi nhuận. Không ít người cảm thấy sợ đi làm, thậm chí còn nghĩ tới tự tử để giải thoát. Ngày 13.12.2015, Li, chuyên viên cao cấp của Tập đoàn Tencent, đột ngột tử vong khi đang đi dạo gần nhà. Các đồng nghiệp đều tin rằng anh qua đời vì làm việc quá sức. Cái chết của Li tạo ra một làn sóng tại Tencent, khi đồng nghiệp cùng ký đơn yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc. Họ muốn công ty nghĩ nhiều hơn tới việc đáp ứng các nhu cầu cá nhân và chăm sóc tinh thần cho người lao động.

Hải Hồ