Ô nhiễm ở nhà máy xi măng Mai Sơn

Bài và ảnh: Phạm Duy 04/01/2017 08:35

Quá trình nổ mìn khai thác đá, vận chuyển vật liệu, sản xuất xi măng của Công ty CP xi măng Mai Sơn (xi măng Mai Sơn), ở tiểu khu Thành Công (Nà Bó, Mai Sơn, Sơn La) đã và đang gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng nhà cửa, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Ô nhiễm kéo dài

Đơn vị cũng đã làm việc với nhà máy và người dân thực hiện cam kết và bồi thường thiệt hại cho dân. Quá trình kiểm tra thì có 6 ngôi nhà bị nứt, nhà máy xi măng cũng đã nhận trách nhiệm và cam kết bồi thường thiệt hại cho các gia đình bị nứt nhà, vỡ ngói vì chấn động do nổ mìn và đá bắn vào. Vì không có chế tài xử lý nên chúng tôi chỉ đôn đốc nhà máy thực hiện đúng quy trình nổ mìn, bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình vận chuyển vật liệu và bồi thường cho người dân. Còn việc thực hiện cam kết và bồi thường như nào là việc của họ.

Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mai Sơn Trần Ngọc Nghị

Có đất sản xuất, môi trường trong lành nên trước đây cuộc sống của người dân ở xã Nà Bó (Mai Sơn, Sơn La) khá ổn định. Kể từ khi nhà máy xi măng Mai Sơn có diện tích 16ha, tại bản Nà Pát (Nà Bó, Mai Sơn, Sơn La) và 2 vùng nguyên liệu rộng 200ha, công suất 1 triệu tấn xi măng/năm chính thức đi vào hoạt động, cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn. Môi trường quanh khu vực nhà máy hoạt động bị ô nhiễm, đường giao thông bị phá hủy, tính mạng người dân thường xuyên bị đe dọa vì quá trình nổ mìn khai thác đá, xe vận chuyển vật liệu rơi vãi. 

Chị Lò Thị Rươi, bản Nà Pát bức xúc: “Nhà máy xi măng chưa về thì dân bản mình sống no ấm vì đất sản xuất có, mùa màng lại thắng lợi. Giờ thì khói bụi, ô nhiễm đến lúa cũng không thể lên được. Đêm đến thì nhà máy xả thải bụi, đọng xuống cây, cỏ như sạn, cát. Dân mình lo sợ lắm. Bụi bẩn, ô nhiễm nhưng chẳng biết phải đi đâu mà sinh sống. Đất mình ở là do ông cha để lại giờ chẳng nhẽ lại bỏ xứ mà đi. Ô nhiễm cũng phải chịu, nếu không may bệnh tật, chết đi thì mình chịu thiệt thòi”.

 Chị Lê Thị Thúy, giáo viên trường THCS Nà Bó cho biết: “Trước đây tôi ở bản Nà Hường, xã Nà Bó, gần nhà máy xi măng. Việc vận chuyển đá của nhà máy gây ô nhiễm, bụi bay mù mịt, thỉnh thoảng đá trên xe rơi xuống đường rất nguy hiểm. Vì lo ô nhiễm và sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của gia đình nên tôi phải bán nhà chuyển cả gia đình đến sống ở nơi khác”.

Nhận thấy bụi bẩn và ô nhiễm nặng nề nhà máy xi măng Mai Sơn đã tổ chức phun nước hai lần mỗi ngày dọc tuyến đường vận chuyển vật liệu. Thế nhưng việc phun nước càng khiến tuyến đường này bẩn thỉu hơn do xe vận chuyển vật liệu liên tục, lầy lội như ao bùn.

Không có chế tài, dân chịu thiệt

Theo người dân việc nổ mìn khai thác đá làm nguyên liệu cho nhà máy còn gây nứt toác hàng chục ngôi nhà của người dân ở xóm 8, tiểu khu 18, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn, Sơn La). Người dân cho biết, họ đang phải sống trong cảnh “đi cũng dở, ở không xong” bởi việc nổ mìn thủ công không đúng giờ, chưa  tính toán hợp lý, khoảng cách từ điểm nổ mìn ở trên cao xuống nhà dân thiếu an toàn. Hệ lụy là nhiều ngôi nhà của người dân bị nứt tường, vỡ ngói, thủng mái tôn. Vào giờ khai thác, tiếng nổ mìn inh tai, nhức óc, đồ đạc trong nhà rung lên như động đất. Cũng theo người dân, xóm 8 có 16 hộ dân nằm gần mỏ đá này và đã có tới 6 căn nhà bị nứt do chấn động.

Ông Đào Văn Thỏa, người dân ở xóm 8 cho biết: “Đây là xóm bị ảnh hưởng nặng nhất do tình trạng khai thác đá của Công ty cổ phần xi măng Mai Sơn. Người dân đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng của thị trấn, huyện, thậm chí còn kéo lên  mỏ đá yêu cầu đơn vị khai thác không được nổ mìn với khối lượng lớn, gây nguy hiểm cho nhân dân. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này không giảm, mà vẫn thường xuyên xảy ra. Năm nào cũng có biên bản, có đại diện của Công ty cùng ký với bà con trong xóm. Nhưng đến hôm nay thì tất cả những hứa hẹn đều không mang lại hiệu quả. Nguy hiểm là vậy nhưng người dân vẫn phải chung sống vì họ không còn lựa chọn nào khác.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn Nguyễn Thanh An cho biết: Trên địa bàn huyện có 4 mỏ khai thác đá, trong đó có một mỏ khai thác của nhà máy xi măng Mai Sơn. Thời gian qua chúng tôi cũng tăng cường công tác kiểm tra. Quá trình kiểm tra thì họ hoạt động bảo đảm đúng quy định, còn khi đoàn kiểm tra về họ hoạt động như thế nào thì chúng tôi không thể kiểm soát hết.

Bài và ảnh: Phạm Duy