“Lập lại kỷ cương từ việc cụ thể”

Trung Thành thực hiện 31/12/2016 08:06

Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. ĐBQH Khóa XIII LÊ NAM (Thanh Hóa) cho rằng, những quy định này phải thực sự trở thành nội dung trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân, nhất là với những người đứng đầu.

Tuyên chiến với cá nhân lợi dụng việc chúc Tết

- Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về việc tổ chức Tết năm 2017, trong đó, nhấn mạnh đến việc nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức. Ông đánh giá thế nào về nội dung này?

Tôi tin tưởng, thực hiện thành công Quy định 55 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 11 của Ban Bí thư chính là góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Qua đó, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ.

ĐBQH Khóa XIII Lê Nam

- Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Trung ương đã có nhiều văn bản, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt. Ngày 19.12 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 55 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đây đều là những vấn đề liên quan đến thực hiện công việc hàng ngày của cán bộ, đảng viên như đón tiếp khách, tổ chức liên hoan, chúc mừng sau đại hội, hội nghị… đặc biệt với những cán bộ có chức vụ, quyền hạn.

Tiếp đó, ngày 20.12, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về việc tổ chức Tết năm 2017, trong đó nhấn mạnh đến nội dung nghiêm cấm tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức. Đây là chỉ đạo cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi chúc Tết - phong tục, tập quán đẹp của dân tộc đã bị lợi dụng với những động cơ, mục đích không trong sáng... và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Điều này dư luận xã hội, nhân dân bức xúc đã lâu, được nhắc nhở, chấn chỉnh qua nhiều năm, nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, nếu không nói là ngày càng phức tạp hơn.

- Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng, lợi dụng lễ Tết để biếu xén, tặng quà với động cơ vụ lợi...?

- Trước hết, cần khẳng định chúc Tết là phong tục, tập quán đẹp và nét ứng xử văn hóa của dân tộc và không phải ai đi chúc Tết cũng có động cơ vụ lợi. Tuy nhiên, do mặt trái của cơ chế thị trường, việc chúc Tết bị lợi dụng, biến tướng thành thói quen xấu, hoặc có động cơ muốn lên chức, thậm chí, nhiều người lợi dụng chúc Tết để tranh thủ trả ơn cấp trên đã giúp mình. Hai là, việc chúc Tết có khi bị lợi dụng để thực hiện các phi vụ trực tiếp liên quan đến đề bạt, bổ nhiệm, hoặc xin vốn, đất đai… với mục đích vụ lợi cho cá nhân, hoặc một nhóm người nào đó.

Cho nên, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 55 và Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 11 là cần thiết và kịp thời, khẳng định quyết tâm và tư duy mới, lập lại kỷ cương, kỷ luật ngay từ những việc cụ thể như chúc Tết, để không làm méo mó ý nghĩa thực sự của một phong tục đẹp, nét văn hóa đẹp của dân tộc mỗi dịp Xuân về. Đồng thời, cảnh báo và “tuyên chiến” với những cá nhân có ý định lợi dụng việc chúc Tết, hoặc các dịp lễ, để quà cáp cấp trên, hoặc tạo mối quan hệ để sau này dễ bề thực hiện việc “chạy chức, chạy quyền”...

Tăng cường vai trò giám sát của QH và HĐND

- Quy định 55 của Bộ Chính trị nhấn mạnh vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ cương vị, trọng trách cao của Đảng, Nhà nước. Ý kiến của ông về nội dung này như thế nào?

- Trong Quy định 55, Bộ Chính trị đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện. Đặc biệt, yêu cầu rõ từng Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện và chỉ đạo thực hiện Quy định này.

Tiếp đó, đến Chỉ thị số 55, Ban Bí thư đã cụ thể hóa hơn, thông qua việc yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện chủ trương nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức; các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết; dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm việc sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp Tết, lễ hội…

Tin rằng, nếu những quy định cụ thể này được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và thực hiện nghiêm, chắc chắn chúng ta sẽ chấn chỉnh được những hành vi xấu, lợi dụng lễ Tết để tặng quà, biếu xén cấp trên với động cơ vụ lợi, không trong sáng.

- Để góp phần thực hiện thành công các chủ trương, quy định cụ thể nêu trên, cần chú ý đến vấn đề gì, thưa ông?

- Trước hết, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tính tự giác, gương mẫu trong thực hiện thì phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Trong Quy định 55, Bộ Chính trị đã yêu cầu phát huy vai trò tích cực của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát thực hiện Quy định này; kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, phê phán những tập thể, cá nhân vi phạm.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần tăng cường vai trò giám sát của QH và HĐND các cấp trong thực hiện những quy định này.  Đồng thời phải đưa việc chúc Tết, liên hoan, tiệc tùng… thành kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những hành vi như lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển để ăn uống, “tiệc tùng”, tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi… cần được coi là hành vi tham nhũng. Từ đó có biện pháp đấu tranh, phát hiện và kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật. Không nên dừng ở mức độ cảnh báo, nhắc nhở, khiển trách, mà phải có chế tài xử lý kỷ luật, bảo đảm các quy định, chủ trương bị nghiêm cấm phải được thực hiện triệt để.

Việc không tổ chức đi thăm, chúc Tết địa phương; các địa phương không chúc Tết Trung ương; hay chủ trương nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức… phải trở thành những nội dung trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân, nhất là với những người đứng đầu. Và phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong dịp lễ Tết để lãnh đạo, chỉ đạo một cách nghiêm túc, chứ không chỉ dừng ở quyết tâm, văn bản ra rồi nhưng việc thực hiện không nghiêm, thậm chí “bỏ ngăn bàn”, thì mọi việc sẽ không đi đến đâu cả.

- Xin cảm ơn ông!

Trung Thành thực hiện