Hà Nội, biết đánh và biết thắng

Hương Sen 19/12/2016 09:02

Nhiều gia đình ở Hà Nội đã ủng hộ toàn bộ tiện nghi quý trong nhà, thậm chí cả đồ thờ của dòng họ, để xây dựng chiến lũy. Với tinh thần Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, 60 ngày đêm cuối năm 1946 đầu năm 1947, quân và dân Thủ đô đã đập tan âm mưu của thực dân Pháp, tạo điều kiện cho cả nước vững tin bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Dốc sức dựng chiến lũy

Theo Thiếu tướng Nguyễn Thế Kiết, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô, thời điểm cuối năm 1946, tuy bất lợi về lực lượng, quân và dân Thủ đô vẫn không nao núng, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, bình tĩnh, tự tin, sẵn sàng cho cuộc chiến đấu được dự báo trước đấy đầy cam go, quyết liệt. Các liên khu phố và khu phố đều thành lập các đội công tác cứu thương, tiếp tế, phá hoại, tình báo, giao thông, tản cư, địch vận, trừ gian, các tổ sản xuất và sửa chữa vũ khí… Các đơn vị tự vệ có sự giúp sức của thanh niên địa phương, bí mật đào đắp công sự chiến đấu, đào giao thông hào, tạo vật chướng ngại, hình thành các chiến lũy ở các cửa ô và trên đường phố để ngăn cản cơ giới địch; đục lỗ bắn, đục tường thông nhà ở các dãy phố để cơ động chiến đấu. Nhiều gia đình ở Hà Nội đã ủng hộ toàn bộ tiện nghi quý trong nhà như sập gụ, tủ chè, trường kỷ, thậm chí cả vật dụng, đồ thờ của gia đình, dòng họ để xây dựng chiến lũy.

Khúc tráng ca... 60 ngày đêm kiên cường bảo vệ Hà Nộ Ảnh: Tư liệu
Khúc tráng ca... 60 ngày đêm kiên cường bảo vệ Hà Nộ Ảnh: Tư liệu

Nhớ lại cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt mùa đông năm 1946, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nguyên quyết tử quân Hà Nội, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô cho biết, đơn vị ông phải dùng nhiều cách đánh khác nhau, ít tốn đạn nhưng hiệu quả. “Chúng tôi có sáng kiến thành lập nhóm ‘bắn tỉa săn Tây’, tận dụng đạn của địch bắn không nổ, khoan thân đạn để đặt kíp nổ và dây cháy chậm, tấn công các điểm chốt giữ của địch. Để tiết kiệm đạn dược của ta và tiêu hao đạn dược của địch, các chiến sĩ ta đã dựng pháo ném, pháo đùng thay tiếng nổ lựu đạn hoặc cho các bánh pháo vào thùng sắt tây đốt giả tiếng súng liên thanh. Mỗi lần như thế địch bắn trọng liên như đổ đạn nhưng chẳng sát thương được chiến sĩ nào của ta. Tại các phố Khâm Thiên, Hàng Bột, Đội Cấn, thực dân Pháp không thể vượt được qua các chiến lũy của ta mà phải đi đường vòng. Trong nhiều trận đánh, những người lính quyết tử Hà Nội dùng bom ba càng lao thẳng vào xe tăng địch, khiến chúng kinh hồn bạt vía”.

Kiên cường, sáng tạo

Trong 60 ngày đêm chiến đấu (từ 19.12.1946 - 18.2.1947), với phương thức “không đánh trận địa với địch, không đương đầu với hỏa lực mạnh của địch, không rõ địch không đánh”, quân và dân Thủ đô luôn giành thế chủ động tiến công, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đầy mưu trí, sáng tạo. Đại tá, PGS. TS. Đỗ Văn Đơ, Viện trưởng Viện Khoa học Nghệ thuật quân sự - Học viện Quốc phòng, nhận định, có nhiều yếu tố dẫn tới thành công, trong đó nghệ thuật quân sự được nâng lên ở tầm cao mới. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngự và tấn công, giữa đánh du kích và đánh vận động, giữa đánh ở bên trong và đánh từ bên ngoài, dùng những phân đội nhỏ có tính cơ động nhanh, dựa vào chiến lũy, những căn nhà, ngõ phố, ban ngày chặn đánh không cho địch cơ động, ban đêm luồn lách, tập kích, đẩy chúng lâm sâu vào thế bị động đối phó.

 Trong tình thế khan hiếm vũ khí, súng đạn, công tác địch vận được quân dân ta chủ động thực hiện. Là người tham gia chiến đấu trong Trung đoàn Thủ đô hết ngày 17.2.1947 mới rút khỏi Hà Nội, nguyên Đội trưởng Đội Tuyên truyền Úy lạo, GS. Lê Thi kể lại, cuối tháng Giêng năm 1947, mặt trận giữa ta và địch đã ở thế “cài răng lược”, có khi chỉ cách một đường phố. Ở phố Hàng Gai, địch đã chiếm nửa dãy nhà thông qua phố Hàng Trống, liền với Hồ Hoàn Kiếm; còn quân ta giữ nửa dãy gắn với các phố Hàng Hòm, Hàng Mành, Hàng Đào. “Khi chúng tôi xuống công tác tại một ụ chiến đấu ở sân thượng ngôi nhà giữa phố Hàng Gai, anh em chiến sĩ cho biết tối nào bọn địch cũng tụ tập trên sân thượng ngôi nhà đối diện để hát và nhảy với nhau. Anh em đề nghị chúng tôi vận động lực lượng này phản chiến. Thật bất ngờ và cũng hơi phiêu lưu. Tôi xin ý kiến cấp trên và được đồng ý. Biết tiếng Pháp, tôi mạnh dạn thương thuyết với họ bằng những lý lẽ nhẹ nhàng, tình cảm. Hỏi thăm những người lính về gia đình họ, nói chuyện về nước Pháp. Rồi chúng tôi hát cho họ nghe một số bài hát Pháp…”. Bà Lê Thi cho biết thêm, ở nhiều nơi trong thành phố, Đội Tuyên truyền Úy lạo trở thành lực lượng trọng yếu, hoạt động hiệu quả, căng kéo, giam chân địch, góp phần bảo toàn lực lượng quân chủ lực.

Với phương châm chiến lược đánh lâu dài, vừa đánh vừa giữ thực lực, làm cho địch bị tiêu hao, mỏi mệt, công tác địch vận của quân dân Hà Nội đã khiến địch chuyển mạnh thành yếu, từ thắng thành bại. “Hình thức và phương thức hoạt động tác chiến của người Hà Nội căn bản là du kích chiến nhưng kiên quyết tìm mọi cơ hội để đánh vận động chiến. Đó là nghệ thuật đánh địch bằng quân sự trên chiến trường, các lực lượng của ta đã quyết đánh, biết đánh và biết thắng; đập tan âm mưu đánh úp của thực dân Pháp, tạo điều kiện cho cả nước vững tin bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ” - PGS. TS. Đỗ Văn Đơ khẳng định.

Hương Sen