“Không thể vừa xay lúa vừa ẵm em”

Thư Quỳnh thực hiện 18/12/2016 08:00

“Cha và con và...” – bộ phim Việt Nam đầu tiên từng dự tranh giải Gấu Vàng tại LHP quốc tế Berlin 2015 và cũng là bộ phim Việt Nam đầu tiên được chiếu rộng rãi tại Pháp năm 2016, đang tìm đường ra rạp tại Việt Nam. Đỗ Hải Yến, nhà sản xuất bộ phim, đồng thời đảm nhiệm vai nữ chính, chia sẻ với “Trò chuyện cuối tuần”.

“Thay đổi, dù nhỏ giọt, vẫn hơn không”

- Đóng máy đã lâu, lại chinh phục đủ mọi LHP lớn bé, vì sao tận đến giờ, một bộ phim đình đám như “Cha và con và...” mới tìm đường ra rạp tại Việt Nam, khi đã qua đi “thời điểm vàng”?

- Trước giờ, nhà phát hành CGV vẫn mở rộng cửa cho “Cha và con và…” vào hệ thống rạp Arthouse (dành riêng cho dòng phim nghệ thuật ở Việt Nam). Tuy nhiên, tôi và đạo diễn Phan Đăng Di vẫn mong muốn phim đến được với nhiều khán giả nhất. Muốn vậy, nó phải được phát hành theo con đường thông thường, nghĩa là được xuất hiện ở tất cả các rạp lớn mà khán giả dễ dàng tiếp cận, thay vì các rạp Arthouse (thường được bố trí ở các điểm chiếu có vị trí không thuận lợi và hạn chế về số ghế). Phim nghệ thuật vẫn thường gặp khó cả đầu ra lẫn đầu vào, không riêng gì ở Việt Nam. Kỳ cựu như đạo diễn Trần Anh Hùng mà còn gặp khó!

Mặc dù “thời điểm vàng” đã qua (khi bộ phim được chọn là đại diện Việt Nam đầu tiên tại vòng tranh giải chính thức của LHP quốc tế Berlin 2015 - một trong ba LHP quốc tế lớn nhất thế giới - PV), nhưng chúng tôi cũng sẽ cố gắng tìm mọi cách để đưa phim ra rạp, càng sớm càng tốt. Cố gắng thay đổi, dù nhỏ giọt, thì có vẫn còn hơn không!

- Vừa qua đã xảy ra không ít tranh cãi, lùm xùm giữa nhà sản xuất và phát hành phim ở Việt Nam, liên quan đến quyền lợi của từng bên. Là một nhà sản xuất, chị có thấy bức xúc khi một bộ phim được nước ngoài rộng cửa như “Cha và con và...”, khi về đến Việt Nam lại bị hẹp cửa?

- Đã là kinh doanh thì bao giờ đôi bên cũng phải cùng có lợi. Còn nếu như tính thêm những cái lợi khác nữa như giá trị nghệ thuật, tác động tích cực của nó lên đời sống điện ảnh, thị hiếu thẩm mỹ của người xem, hay tiếng nói của điện ảnh Việt trên trường quốc tế... thì lại phải cần đặt ra ở tầm vĩ mô hơn.

“Tôi chỉ thiếu... mùa thu”

 “Tôi vẫn quen giữ nhịp độ vài năm đóng một phim, chẳng đi đâu mà vội cả. Tạng của tôi muốn làm gì tốt cũng cần phải thong thả, điềm tĩnh. Nó cũng giống như cắm hoa vậy, không vội mà được!”  

- Đã lâu chị không xuất hiện trên phim trường lẫn màn ảnh. Chị có nóng lòng gặp lại ống kính, bạn nghề và khán giả?

- Giờ thì tôi đã là bà mẹ một con và không gì có thể khiến tôi bận lòng hơn khi con tôi ốm, hay nó bị ngã. Tôi lúc nào cũng lo con ngã, lo nó không may đụng phải một cái gì đấy. Ngoài “tật” nghiện con ra thì tôi còn nghiện chăm sóc nhà cửa nữa. Sống “nhạt” thế thôi nhưng cũng bận luôn tay luôn chân đấy!

Còn về đam mê phim ảnh thì ngay cả trước khi có con, tôi cũng vẫn quen giữ nhịp độ vài năm đóng một phim, chẳng đi đâu mà vội cả. Tạng của tôi muốn làm gì tốt cũng cần phải thong thả, điềm tĩnh. Nó cũng giống như cắm hoa vậy, không vội mà được! Tôi thuộc dạng không thể làm được cùng lúc nhiều việc, không thể “vừa xay lúa vừa ẵm em”. Nhìn chung, tôi không thích bon chen, và những đám đông.

- Khi xem “Vĩnh cửu” - bộ phim mới nhất của Trần Anh Hùng, tôi đã nhớ ngay đến chị, sự “an phận” của chị. Chị thì sao?

- Tất nhiên là tôi rất thích bộ phim ấy. Làm sao mà tôi có thể không thích một bộ phim về những người đàn bà lặng lẽ sinh con, rồi trìu mến nhìn chúng lớn lên và hết lòng chăm sóc chúng... Và cả những khu vườn ngập nắng, những bình hoa... như bước ra từ những bức tranh. Một bộ phim quá đẹp, cả khi nó nói về nỗi buồn và sự mong manh giữa hai bờ sống - chết... Có làm mẹ mới hiểu, trên đời này, không gì đáng giá hơn sự bình yên. Ai bảo xem “Vĩnh cửu” thấy sốt ruột nhưng tôi thì không hề. Chuyện bên Pháp từ nhiều thế kỷ trước mà tôi thấy cứ như bên nhà hàng xóm của mình hôm nay vậy. Tôi đồng cảm vì tôi nhìn thấy tôi trong đó, nó rất gần với triết lý sống của tôi: Cố gắng bình thản đón nhận mọi sự, và điều quý giá trên hết, là gia đình, và những đứa con...

- Hạnh phúc viên mãn trong cuộc hôn nhân thứ hai, có bao giờ chị cảm thấy mình thiếu một điều gì đó?

- Bạn biết đấy, tôi sống ở một nơi không có mùa thu - mùa tôi thích nhất trong năm. Ở Sài Gòn, đôi khi tôi rất nhớ những buổi sáng được đi dạo quanh Bờ Hồ, ghé chợ Hàng Bè mua nắm lá gội đầu... Dù ở đây, sáng sáng tôi cũng đi chợ Bến Thành (hoặc chợ Cũ), cũng mua bằng ấy thứ, cũng gặp chừng ấy người... nhưng cái cảm giác dạo một vòng hồ, nó vẫn khác lắm! Tuy nhiên, dù là ở Sài Gòn hay Hà Nội, thì khi cánh cửa nhà khép lại, tôi vẫn cảm thấy mình vẫn là mình, vẫn được sống chậm, theo kiểu của tôi...

- Xin cảm ơn chị!

Thư Quỳnh thực hiện