Tiếng địch sông Ô còn vang mãi

PGS.TS. Lưu Khánh Thơ 04/12/2016 07:52

Ở GS.VS. Phạm Huy Thông, có nhiều con người được hội tụ. Có thể nhắc đến ông với tư cách nhà thơ, nhà sử học, nhà bác học, nhà yêu nước và hoạt động xã hội. Ở lĩnh vực nào Phạm Huy Thông cũng có đóng góp quan trọng, với vai trò của người tìm tòi khai mở trong buổi ban đầu.

Hy sinh thơ để cống hiến cho khoa học

Khi tiếp xúc với GS.VS. Phạm Huy Thông, người ta dễ bị cuốn hút bởi trí tuệ uyên bác và vẻ lịch lãm của một trí thức. Có lẽ những yếu tố đó đã giúp ông gánh vác được nhiều nhiệm vụ khoa học, hoàn thành được nhiều trọng trách trong một cuộc đời không phải là dài. Năng lực khoa học của ông còn được bộc lộ ở nhiều nơi, từ những công trình nghiên cứu có tầm cỡ quốc gia đến những bài viết in trên sách báo và tạp chí, hầu hết đều được giới khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao. Năm 2000, ông đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về một số công trình nghiên cứu thuộc chuyên ngành khoa học xã hội, trong đó có công trình nghiên cứu về thời kỳ Hùng Vương dựng nước - một đề tài mà ông dành khá nhiều tâm huyết.

Mặc dù thành đạt trên nhiều lĩnh vực, nhưng Phạm Huy Thông vẫn không nguôi nhớ đến sự nghiệp thơ - nơi ông đã nổi danh từ rất sớm và có được những thành quả đáng ghi nhận. Trong buổi gặp mặt các nhà thơ sáng tác từ trước Cách mạng, ông đã chân thành tâm sự: “Làm thơ từ những năm 1932 - 1937, ở tuổi 15 - 20 tôi mơ màng và đắm đuối những tình cảm lãng mạn. Tôi sớm ngây vì tình, si mê vì tình, đau khổ vì tình, như những nhà thơ khác những năm ấy... Tôi không tiếc đã phải hy sinh, dù là hy sinh thơ để đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tôi tự hào đã có phần cống hiến khoa học vào sự hiểu biết về lịch sử của dân tộc, tiếng thơm của dân tộc. Nhưng tôi không nguôi nhớ thơ, luyến tiếc một sự nghiệp thơ dang dở”.


 

Người mở đầu kịch thơ tại Việt Nam

 Phạm Huy Thông sinh ngày 22.11.1916, quê gốc ở làng Đào Xá, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Rời đất nước, đi du học ở Pháp ngay từ những năm còn rất trẻ và nhanh chóng đạt được nhiều bằng cấp cao (tiến sĩ luật, thạc sĩ sử học) nhưng người trí thức trẻ Phạm Huy Thông vẫn nặng lòng gắn bó với quê hương xứ sở. Khi đất nước cần, ông sẵn sàng từ bỏ mọi giàu sang, danh vọng, chức tước... đầy hứa hẹn nơi xứ người để trở về Tổ quốc làm những công việc thầm lặng của một nhà khoa học.

Về căn bản, sự nghiệp thơ của Phạm Huy Thông tập trung trong khoảng 6 năm đầu của tuổi thanh niên. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã cho ra đời 4 tập thơ: Yêu đương (1933), Anh Nga (1934), Tiếng địch sông Ô (1935), Tần Ngọc (1937), ngoài ra còn in trên báo các tác phẩm như: Con voi già (viết về Phan Bội Châu), Hận chiến sỹ, Tần Hồng Châu, Lòng hối hận, Kinh Kha, Huyền Trân công chúa, Tây Thi... Thời kỳ đó những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên... cũng chỉ mới in được một tập thơ thì việc xuất bản liên tiếp các tập thơ của Phạm Huy Thông cũng là sự kiện đáng chú ý, chứng tỏ sức sáng tạo dồi dào của một ngòi bút tài năng. Chỉ tiếc rằng ở lứa tuổi ngoài 20, nhà thơ Huy Thông đã rẽ sang con đường nghiên cứu khoa học. Công việc của nhà khoa học về bản chất không có gì mâu thuẫn với sáng tác thơ ca, nhưng khi đã bước chân vào con đường khoa học, muốn thành công thì phải có sự tập trung cao độ. Nghệ thuật và khoa học đều đòi hỏi sự dấn thân hết mình. Phải chăng đó cũng là một trong những lý do khiến nhà thơ Huy Thông ngừng sáng tác?

Nhưng những gì đã có, đã làm được trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, cũng đã khiến cho người đời nhớ đến ông với tư cách là một nhà thơ trong buổi đầu Thơ mới - thời kỳ đã tạo nên “một thời đại trong thi ca”, tạo nên dấu ấn quan trọng trong tiến trình thơ Việt Nam hiện đại. Phạm Huy Thông được đánh giá là một trong những người mở đầu cho sự phát triển của thể loại kịch thơ ở nước ta. Tên tuổi của ông gắn liền với những vở kịch thơ như Anh Nga, Tần Hồng Châu, Kinh Kha... là những vở theo khuynh hướng lãng mạn, trốn tránh hiện thực để đi vào tình yêu và cái đẹp vĩnh cửu, lấy cảm hứng từ các truyền thuyết, các truyện lịch sử, dã sử của Trung Quốc. Đặc biệt hơn cả là bản anh hùng ca Tiếng địch sông Ô với tính cách mạnh mẽ của một nhân vật phi thường được thể hiện qua hình ảnh người anh hùng Hạng Tịch. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nhận xét về đoạn trích này trong tác phẩm của Huy Thông bằng những lời ca ngợi thật là nồng nhiệt: “Chưa bao giờ thi ca Việt Nam có những lời hùng tráng như trong tác phẩm của người thiếu niên hiền lành và xinh trai ấy... Hơi văn mà đến thế thực đã đến bực phi thường. Anh hùng ca của Victor Hugo tưởng cũng chỉ thế. Giữa cái ẻo lả, cái ủy mị của những linh hồn đương chờ sa ngã, thơ Huy Thông ồ ạt đến như một luồng gió mạnh”.

Hồn thơ Phạm Huy Thông, ngay từ buổi đầu của tuổi thanh niên, đã mang tính hoành tráng, bi hùng và dữ dội. Cảm hứng thơ thường bắt nguồn từ những nhân vật có số phận khác thường trong lịch sử. Đây cũng là một nét đáng chú ý trong phong cách sáng tác của thơ Huy Thông. Ông đã sáng tạo nên những câu thơ giàu nhạc điệu và hình ảnh, có sức truyền cảm khá mạnh mẽ. 

Sẽ là một thiếu sót nếu như viết về Phạm Huy Thông mà không nói đến vai trò của một dịch giả, người đã chuyển ngữ rất thành công tập Truyện ký Nguyễn Ái Quốc từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Từ những năm 20 của thế kỷ trước, Nguyễn Ái Quốc đã là người Việt Nam đầu tiên làm báo, viết truyện theo phong cách hiện đại của phương Tây. Bản dịch của Phạm Huy Thông đã phản ánh trung thành những ý tưởng sâu sắc và các hình thức thể hiện rất đa dạng trong văn xuôi của Nguyễn Ái Quốc. Dường như lịch sử đã dành sẵn cho ông công việc quan trọng này. Và điều đó đã làm giàu có thêm cuộc đời vốn đã vô cùng phong phú của giáo sư, viện sĩ, nhà thơ Phạm Huy Thông.

PGS.TS. Lưu Khánh Thơ