Bài 1: Học trải nghiệm, sáng tạo

L. Thư - T. Yến - H. Nhung 28/11/2016 08:07

Cơ sở vật chất tiện nghi, đội ngũ giáo viên vững chuyên môn, dịch vụ giáo dục đa dạng, chương trình và phương pháp dạy học đổi mới theo hướng giảm tải lý thuyết, tăng thực hành… một số trường phổ thông đang đáp ứng phần nào nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh, học sinh.

Truyền cảm hứng học tập

 Tại Kỳ họp thứ 2, vấn đề giáo dục chất lượng cao tiếp tục được các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ GD - ĐT. Ngay sau Kỳ họp, PV Báo Đại biểu Nhân dân đã tiến hành 1 cuộc khảo sát với các phụ huynh có con đang học phổ thông tại Hà Nội về vấn đề này. Phần lớn ủng hộ giảm tải chương trình học, tăng cường bồi dưỡng các yếu tố đáp ứng yêu cầu hội nhập như: Thể chất, đạo đức, ngoại ngữ, kỹ năng mềm… Đây cũng là hướng đào tạo của một số trường ở Thủ đô, song còn manh mún và gặp không ít rào cản.

Không khí lớp học sôi động, náo nhiệt. 5 em học sinh xếp thành hàng trên bục giảng, vừa lắng nghe khẩu hiệu của thầy giáo, vừa di chuyển để tạo thành ký tự trong bảng chữ cái, trong khi hàng chục học sinh phía dưới nhao nhao đoán từ. Đó là tiết học tiếng Anh ở một lớp 10 Trường THPT Lômônôxốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đây là một trong những hình thức giảng dạy mang tính tương tác mà nhiều cơ sở đào tạo đang hướng đến, nhằm tạo cảm hứng học tập cho học sinh.

Chương trình học có tốt đến mấy nhưng nếu không được truyền đạt hấp dẫn thì việc học vẫn không hiệu quả. Bởi vậy, chất lượng giáo viên là một trong những điều kiện được các trường quan tâm hàng đầu. Ở đây, người dạy không chỉ đáp ứng những yếu tố “cần” như chuyên môn, khả năng sư phạm, bằng cấp, chứng nhận, kinh nghiệm… mà còn phải yêu nghề, tận tâm, biết cách hướng dẫn cho học sinh tự học cũng như phát triển phẩm chất, kỹ năng. Chẳng hạn, phương châm tuyển chọn giáo viên của Trường THPT Wellspring (Long Biên, Hà Nội) là mục tiêu đầu ra của học sinh như thế nào thì tiêu chí đầu vào của giáo viên phải tương xứng. Hiệu trưởng, NGƯT Đặng Đình Đại cho biết: “Giáo viên không những vững lý thuyết mà còn có khả năng hướng dẫn học sinh thực hành, nhiệt tình trợ giúp các em hoạt động ngoại khóa, tự tin, biết làm việc nhóm… Riêng đối với giáo viên tiếng Anh, chúng tôi chỉ tuyển người bản địa”.

Ngoài chất lượng nhân lực, để tạo môi trường học tập, hoạt động thể chất, ngoài giờ, cơ sở vật chất cũng được các trường quan tâm đầu tư theo hướng tiện nghi, phục vụ đa dạng hoạt động. Một số trường như THCS-THPT Lômônôxốp, Trường Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring, Hệ thống giáo dục Vinschool, Olympia… đều có các phòng chức năng được trang bị hiện đại; không ít trường có sân bóng, bể bơi thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây không chỉ là tiêu chí để đánh giá mà còn là điều kiện thiết yếu để triển khai các hoạt động giáo dục theo hướng chất lượng cao. 

Phát triển giáo dục chất lượng cao nhằm đáp ứng tiêu chí hội nhập Ảnh: Lê Thư
Phát triển giáo dục chất lượng cao nhằm đáp ứng tiêu chí hội nhập Ảnh: Lê Thư

Thực nghiệm và thực đọc

Vừa nhìn đồ họa trên máy tính, vừa hí húi tháo lắp mô hình, nhóm học sinh Trường Tiểu học Thăng Long Kidsmart tích cực chuẩn bị cho kỳ thi Robothon quốc tế tại Indonesia vào cuối tháng 11. Những gương mặt tham dự các cuộc thi Robotic, Robothon trong hay ngoài nước hầu hết xuất phát từ hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Theo xu hướng của nền giáo dục tiên tiến, phương pháp giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán), kết hợp lý thuyết với thực hành đã được phổ biến khoảng vài năm trở lại đây. Trường Tiểu học Thăng Long Kidsmart chỉ là một trong số các trường được khảo sát nâng hoạt động thực nghiệm thành chương trình trọng tâm trong dạy và học. Chẳng hạn, trong môn tin học, thay vì dạy lý thuyết hay cho học sinh thực hành câu lệnh thông thường, nhà trường lồng ghép để các em học về lập trình, làm phim hoạt hình, hoặc đi từ những mô hình thiết kế trên máy tính để lắp ráp trên thực tế…

Một số trường đưa STEM vào chương trình giảng dạy, như Trường Phổ thông Song ngữ liên cấp Wellspring với số lượng 2 tiết/tuần từ lớp 6 - 8 và đang tiến tới mở rộng ra tất cả khối tiểu học và THCS, học sinh THPT có thể lựa chọn tham gia hoạt động trong CLB. Hay Trường THCS-THPT Lômônôxốp còn kết hợp STEM với các bộ môn khác nhằm tạo hứng thú cho học sinh, ví dụ, tổ chức đề tài trình diễn “tái hiện trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ trên không”, học sinh tự làm pháo, máy bay dựa trên kiến thức lịch sử, văn học, mỹ thuật...

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những thước đo không thể thiếu của mô hình giáo dục chất lượng cao là gắn với văn hóa đọc. Trường THCS-THPT Lômônôxốp xây dựng được tủ sách tự quản trong tất cả lớp học do phụ huynh, học sinh tự đóng góp; hàng năm, nhà trường chi hàng trăm triệu đồng để bổ sung đầu sách cũng như tổ chức ngày hội đọc sách bằng cách phối hợp với các nhà xuất bản, công ty phát hành; mỗi tháng đưa ra một chủ điểm giới thiệu sách và thường xuyên phát động cuộc thi giới thiệu sách… Hay hệ thống giáo dục Vinschool có thư viện được xây dựng hiện đại, quy tụ hơn 10.000 đầu sách tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Trường Wellspring có thư viện điện tử nối mạng LAN với cây thư mục có định hướng kết cấu từ dễ đến khó. Thư viện trường THCS- THPT Lômônôxốp được đánh giá là một trong những thư viện trường đạt chất lượng cao nhất tại Hà Nội với hơn 33.000 cuốn, trên 19.000 đầu sách, hiệu suất mượn đọc đạt hàng nghìn lượt/tháng.

Việc đọc sách được đẩy mạnh như vậy có tác động không nhỏ đến hiệu quả dạy và học theo hướng thực nghiệm, phát huy ý thức tự học, rèn luyện kỹ năng ứng xử, hình thành giá trị cho mỗi cá nhân.

L. Thư - T. Yến - H. Nhung