Đàn bầu là của người Việt!

Thanh Yến 15/11/2016 08:24

Được xem là nhạc cụ dân tộc độc đáo của người Việt, nhưng thời gian gần đây đang có dư luận trái chiều về nguồn gốc, xuất xứ của đàn bầu. Theo các chuyên gia âm nhạc, đàn bầu cần được công nhận như một giá trị văn hóa độc lập để có kế hoạch bảo tồn cũng như hòa nhập vào dòng chảy đương đại.

Nhạc cụ gắn với tâm hồn người Việt

Từ xa xưa, đàn bầu đã là nhạc cụ gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam và sân khấu âm nhạc truyền thống. Từ những ngày đầu đàn bầu chỉ dùng trong hát xẩm, trải qua quá trình phát triển và cải tiến, ngày nay, đàn bầu hiện diện trong rất nhiều dàn nhạc truyền thống như xẩm, chèo, tuồng, ca Huế, đờn ca tài tử… trở thành nhạc cụ tiêu biểu đặc trưng cho nền âm nhạc dân tộc. Đàn bầu cũng đã đi vào ca dao, nhạc họa với biết bao lời hay ý đẹp: Đàn bầu ai gảy thì nghe/Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu…

Theo PGS.TS. Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, trên thế giới có hơn 10 loại đàn 1 dây và đàn bầu Việt được đánh giá rất đặc sắc và độc đáo, bởi lẽ đây là cây đàn duy nhất phát ra âm bồi; chỉ có một dây, không có phím bấm nhưng có thể chơi tất cả các cao độ, có khả năng trình diễn tất cả kỹ thuật rung, nhấn, đặc biệt là các dạng luyến láy, tô điểm âm khác nhau nên phù hợp kiểu giai điệu âm nhạc có nhiều âm hoa mỹ, luyến láy của Việt Nam.

Tính độc đáo của đàn bầu còn thể hiện ở tiếng đàn trong trẻo, trữ tình, gần gũi với đời sống tâm hồn người Việt. “Tiếng đàn mộc mạc mà kiêu sa, duyên dáng nhưng không cầu kỳ, giản đơn nhưng vẫn cuốn hút người nghe như một ma lực tự nhiên. Nghệ sĩ kết hợp tay phải và tay trái tạo nên những cao độ khác nhau để có thể bắt chước giọng người bằng ngữ âm sáu dấu. Ta có thể nói, tiếng đàn bầu rất phù hợp với tâm hồn, tình cảm và ngôn ngữ người Việt” - nhạc sĩ, NSND Nguyễn Tiến khẳng định.

Đàn bầu vốn được xem là cây đàn độc đáo của người Việt, nhưng thời gian gần đây đang có dư luận trái chiều về nguồn gốc của nhạc cụ này. Trong đó, nhiều học giả Trung Quốc đang cố gắng tìm chứng cứ để chứng minh đàn bầu có nguồn gốc từ Trung Quốc. “Đến nay, dường như ai đó đang có ý định đánh tráo xuất xứ và nguồn gốc đàn bầu với lý do là Trung Quốc có một bộ lạc người Kinh sống ở xứ họ. Theo chúng tôi, rất có thể bộ lạc người Kinh sống ở Trung Quốc còn bảo lưu được cây đàn một dây của họ và cũng có thể đàn một dây của bộ lạc này mới được phát hiện gần đây. Còn trước đó, các bộ sử nhạc Trung Quốc không thấy viết về đàn bầu. Trong lịch sử, việc dân tộc này, quốc gia này tiếp thu nhạc cụ của quốc gia khác thường xảy ra nhưng cần minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, tôn trọng chủ quyền văn hóa của các quốc gia, không mập mờ đánh lận con đen” - TS. Đặng Hoành Loan nhận định.

Bảo vệ và tôn vinh

Do thiếu hụt văn bản chính thức nên đàn bầu và nhiều nhạc cụ khác tại Việt Nam khó xác định nguồn gốc chính xác. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định đàn bầu là của Việt Nam, bởi sự ảnh hưởng sâu sắc của nó trong đời sống và tâm hồn của người Việt. Đàn bầu Việt đã được phát triển ở trình độ cao, cả về âm sắc, tính năng và sự phổ biến trong đời sống xã hội. GS.TS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: “Đàn bầu đã đồng hành với lịch sử dân tộc, và điều quan trọng là nó diễn tả đời sống văn hóa, tâm hồn, người Việt. Vào những năm 1960, khi tôi sang Cuba, sau buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống thì cả hội trường đã đứng dậy, hô vang “Việt Nam - đàn bầu, Việt Nam - Hồ Chí Minh”,  tức là người Cuba đã coi đàn bầu là một biểu tượng gắn với đất nước, con người Việt Nam. Đã đến lúc các nhà nghiên cứu, các nhạc sĩ, các tổ chức âm nhạc cần lên tiếng. Càng để lâu thì càng dễ đánh mất chủ quyền với cây đàn bầu. Đây không chỉ là chủ quyền với một nhạc cụ mà còn là chủ quyền đối với một văn hóa lâu đời”.

Theo NSND Thanh Tâm, cùng với những nỗ lực của bảo tồn, tiếp sức cho cây đàn từ phía chính quyền, các tổ chức âm nhạc… đã đến lúc chúng ta phải nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận đàn bầu là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là hướng đi phù hợp để công nhận đàn bầu như một giá trị văn hóa độc lập, khẳng định đàn bầu là của Việt Nam, từ đó có kế hoạch bảo tồn các giá trị của cây đàn, đồng thời hòa nhập vào dòng chảy đời sống âm nhạc đương đại. 

Theo cuốn Lịch sử âm nhạc Trung Quốc và Triều Tiên xuất bản năm 1913 của tác giả Maurice Courant, dưới triều Tống và nhà Nguyên, trong dàn nhạc cung đình có loại đàn tên là Độc huyền cầm, nhưng đây là đàn 1 dây được đánh theo dây bấm. Còn đàn bầu của Việt Nam được chơi theo cách đánh vào các điểm có bồi âm được sáng tạo vào những năm 1770 thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (theo Đại Nam thực lục, Quốc sử quán triều Nguyễn). Năm 1966 và 1969, khi đi biểu diễn tại Trung Quốc, các nghệ sĩ Việt Nam đã dạy đàn bầu cho nghệ sĩ Trung Quốc, thậm chí còn tặng một cây đàn bầu và tài liệu hướng dẫn tự học đàn bầu cho đồng nghiệp nước bạn.

Thanh Yến