Tăng tranh luận, không “hứa suông”

P. Thủy - H. Ngọc - T. Thành ghi 15/11/2016 07:54

Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm phiên chất vấn sáng nay, 15.11, nhiều ĐBQH cho rằng, 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của 4 Bộ trưởng: Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ mà QH đưa ra chất vấn lần này là lựa chọn đúng và trúng với tâm tư của cử tri, trên cơ sở ý kiến đa số của ĐBQH, bảo đảm nguyên tắc dân chủ trong sinh hoạt nghị trường. Mong muốn và yêu cầu đặt ra là trong các phiên chất vấn lần này sẽ phát huy được tính tranh luận, cọ xát giữa ĐBQH với các Bộ trưởng. ĐBQH hỏi ngắn, đúng trọng tâm. Bộ trưởng trả lời thẳng vào vấn đề, xác định rõ trách nhiệm, đưa ra được giải pháp khả thi.

ĐBQH BÙI SỸ LỢI (Thanh Hóa): Tôi chất vấn về tinh giản biên chế, cải cách tiền lương

Chất vấn là hoạt động thường xuyên trong sinh hoạt của QH, thể hiện trách nhiệm của QH trước cử tri và nhân dân cả nước về những vấn đề bức xúc, cần được các cơ quan chức năng trả lời và xử lý đến nơi đến chốn, vì sự phát triển chung của đất nước. Qua theo dõi 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ được “chốt” để đưa ra chất vấn, tôi thấy đều đúng và trúng, trên cơ sở sự lựa chọn khách quan của đa số ĐBQH, thể hiện nguyên tắc dân chủ trong sinh hoạt nghị trường.

Tăng tranh luận, không “hứa suông” ảnh 1
Ảnh: Q. Khánh

Trong các phiên chất vấn lần này, tôi có câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề tinh giản biên chế và cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức và viên chức. Đây là vấn đề được cử tri và dư luận đề cập rất nhiều trong thời gian qua và quả thật là cuộc đổi mới cực kỳ khó khăn của bất kỳ quốc gia nào, chứ không riêng Việt Nam. Và với nước ta, cái khó khăn, phức tạp nhất chính là bài toán đưa vào (biên chế) nhưng không đưa ra được, càng cố tinh giản thì bộ máy lại càng phình to. Về lý luận cũng như thực tiễn, có lên chức thì phải có xuống chức, có vào phải có ra, song hiện trạng bộ máy của chúng ta là rất khó để tinh giản dù chỉ một biên chế. Bởi, dù gì thì công việc chính là miếng cơm, manh áo của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, theo tôi, cần quyết liệt hơn nữa với câu chuyện tinh giản biên chế này. Và đây cũng không phải là vấn đề không có cách xử lý, nếu trình độ chuyên môn yếu, không đáp ứng được yêu cầu công việc thì phải điều chuyển sang vị trí khác, và nếu tiếp tục không đáp ứng được thì nên loại hẳn khỏi vị trí công việc được giao. Tôi mong đợi ở Bộ trưởng Bộ Nội vụ những giải pháp cụ thể đối với vấn đề này.

Đối với cải cách tiền lương, tôi muốn chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc cứ mỗi năm tăng 7 - 8% tiền lương cơ sở có đúng với bản chất của chính sách cải cách tiền lương hay không? Theo tôi, câu trả lời là không phải. Đây chỉ là giải pháp tình thế, bù đắp trượt giá và lạm phát. Thực tế thì Chính phủ cũng đã 3 lần lỡ hẹn với cán bộ, công chức, viên chức trong việc tăng tiền lương. Cho nên, tôi kiến nghị, trong giải pháp cải cách tiền lương, trước hết, phải giảm và đưa được 2 - 3 triệu người làm trong sự nghiệp công sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và khoán theo chi phí đầu ra. Nếu không sẽ rất khó để thực hiện được cải cách tiền lương. Thứ hai, tại Kết luận 63 của Bộ Chính trị về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020; Nghị quyết Trung ương 5, Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa XI) và gần đây nhất là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng nói đến vấn đề cải cách tiền lương. Vậy thì, Bộ Nội vụ phải tham mưu cho Chính phủ thực hiện các giải pháp đồng bộ, thực hiện cải cách tiền lương một cách toàn diện, bảo đảm nhu cầu cuộc sống tối thiểu của cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, cần cải cách cả thang lương, bảng lương và bội số tiền lương, đưa tiền lương về đúng tinh thần phân bổ theo lao động, đúng với nguyên tắc chi trả tiền lương theo số lượng và chất lượng lao động. Phải coi đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển, thông qua đó để tiền lương trở thành đòn bẩy tăng năng suất lao động. Có như vậy, chúng ta mới có bộ máy cán bộ, công chức, viên chức toàn tâm, toàn ý, đúng nghĩa là công bộc của dân. Nếu không, có thể sẽ xảy ra câu chuyện đói ăn vụng, túng làm càn, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực và không giữ được bản chất của người cán bộ.

Đối với lĩnh vực công thương, tôi quan tâm đến việc phải xử lý có hiệu quả, rõ trách nhiệm đối với các công trình trọng điểm đầu tư bằng vốn của Nhà nước. Thực tế thời gian qua cho thấy, chúng ta đầu tư rất nhiều nhưng hiệu quả lại rất thấp. Đây chính là nguyên nhân làm cho hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) giai đoạn 2011 - 2016 của nước ta rất thấp, 6,92%. Do đó, Bộ Công thương phải tìm ra nguyên nhân, xử lý với tinh thần trách nhiệm cao, làm cho hệ thống doanh nghiệp phải ngày càng tốt hơn, tất cả các hoạt động đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.

ĐBQH PHẠM TẤT THẮNG (Vĩnh Long): Tôi mong Bộ trưởng GD - ĐT thẳng thắn hơn

Tiếp nối tinh thần và kinh nghiệm đổi mới hoạt động chất vấn từ những nhiệm kỳ trước, rất mừng là tại phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ mới lần này, QH sẽ tiếp tục mạch đổi mới này. Những đổi mới trong chất vấn sẽ được thực hiện theo hướng tăng tính tranh luận tại nghị trường. Theo đó, khi một thành viên của Chính phủ trả lời chưa đúng, chưa trúng hoặc chưa đầy đủ về mặt nội dung, thì ĐBQH có thể tiếp tục tái chất vấn, đào sâu thêm, đi đến cùng vấn đề. Theo tôi, với cách thức này, ĐBQH sẽ hài lòng hơn và ngược lại buộc các bộ trưởng phải trả lời đầy đủ, sâu sắc hơn, không né tránh.

Tăng tranh luận, không “hứa suông” ảnh 2
Ảnh: Q. Khánh

Tôi dành sự quan tâm đặc biệt đến nhóm vấn đề về tình hình thực hiện chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đổi mới giáo dục toàn diện, phân luồng cho học sinh cấp phổ thông để định hướng nghề nghiệp... Tôi đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thể hiện rõ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, vai trò được Đảng và Nhà nước giao phó; quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo, điều hành. Ví dụ, Bộ trưởng đã tiếp nối, hoàn thiện thêm việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Song, cũng cần lưu ý rằng, những đổi mới của ngành giáo dục không đơn thuần là đổi mới trong nội bộ ngành, mà còn ảnh hưởng lớn đến xã hội, đông đảo phụ huynh và học sinh, sinh viên. Do vậy, mọi đổi mới của ngành phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó bao gồm cả việc phải chuẩn bị tâm lý cho xã hội cũng như bảo đảm sự thích nghi của cả hệ thống giáo dục…

Thực tế, đổi mới giáo dục không thể thực hiện trong một sớm, một chiều, cũng không đem lại kết quả trong vài tháng, hoặc một năm, đó là cả quá trình dài. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của QH về đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông và sắp đến đích. Dự kiến năm 2018, chúng ta chính thức áp dụng chương trình sách giáo khoa mới. Thời gian gấp rút, mong rằng, Bộ trưởng sẽ có chỉ đạo cụ thể, đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị, nhằm thực hiện tốt chương trình sách giáo khoa mới. Bên cạnh đó cần chú trọng chất lượng dạy và học, tuyên truyền rộng rãi về đổi mới trong ngành giáo dục, giúp thầy, cô giáo, học sinh làm quen với những đổi mới này.

Tôi kỳ vọng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối diện thẳng thắn hơn với những vấn đề cử tri đã nêu thông qua chất vấn của ĐBQH. Khi dám nhìn thẳng, nhìn thật như vậy, Bộ trưởng sẽ có thêm những góp ý xác đáng, hữu ích trong quá trình chỉ đạo, điều hành công việc của ngành giáo dục.

ĐBQH HOÀNG QUANG HÀM (Phú Thọ): Phải là những giải pháp cụ thể, khả thi

Chất vấn và trả lời chất vấn là hoạt động luôn được cử tri mong đợi, quan tâm, theo dõi. Những đổi mới được QH áp dụng trong chất vấn lần này cũng là mong muốn của cử tri. Nhiều cử tri nói rằng, tính tranh luận cần được QH phát huy mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt trong các phiên chất vấn lần này. Với trách nhiệm của một đại biểu do cử tri bầu, tôi sẽ cố gắng thực hiện mong muốn này của cử tri.

Đương nhiên, thành công của phiên chất vấn không thể do ĐBQH quyết định, mà còn cần sự phối hợp, thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành bằng những trả lời đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan, đưa ra được giải pháp khả thi. Bởi, suy cho cùng, chất vấn của ĐBQH không thể được giải quyết bằng những lời hứa suông, mà phải có giải pháp cụ thể, khả thi.

Với phiên chất vấn lần này, tôi quan tâm đến việc thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Đây là nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ và là vấn đề đòi hỏi phải thực hiện càng sớm càng tốt. Vì rằng, ngân sách nhà nước như một tấm chăn nhỏ, song lại phải phủ ấm trên diện quá lớn, nên lĩnh vực nào cũng cảm giác chơi vơi, thậm chí còn nhiều nhiệm vụ chưa bố trí đủ nguồn. Bộ Tài chính như quản gia trong một gia đình nghèo, còn nhiều khó khăn với nhiều nhu cầu chi đang chờ được đáp ứng, mà theo thuyết minh thì nhu cầu nào cũng đều cấp bách. Trong điều kiện vẫn còn tư tưởng trông chờ vào bầu sữa ngân sách, chưa có tư duy đột phá để tăng thu, tiết kiệm chi, mà đòi hỏi phải cơ cấu lại thu chi ngân sách, thì phải thực hiện nghiêm túc lộ trình tinh giản biên chế đã đề ra.

Trong câu chuyện này, cùng với trách nhiệm chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cũng cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn của Chính phủ. Thực tế, ranh giới chi quản lý hành chính tính theo biên chế và chi nhiệm vụ đặc thù hiện vẫn chưa rõ ràng, nhất là trong định mức lập ngân sách và trong nguyên tắc bố trí chi thường xuyên, dẫn tới việc thiếu minh bạch trong phân bổ ngân sách cũng như kiểm tra, kiểm soát chi. Chính phủ cần xác định rõ nội hàm nhiệm vụ chi trong định mức tính theo biên chế là những nhiệm vụ chi gì, hoặc khái niệm rõ chi đặc thù là những khoản chi nào, từ đó phân biệt hai khoản chi này và ghi rõ trong dự toán ngân sách hàng năm; tránh tình trạng khoản chi đã có trong định mức tính theo biên chế lại tách ra để cấp thêm một khoản đặc thù.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt biên chế quản lý hành chính năm 2017. Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm chủ trương này, bố trí dự toán chi quản lý hành chính năm 2017 theo đúng số biên chế được giao, thể hiện sự nghiêm minh, góp phần cho thành công của việc cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước. Đồng thời, tăng cường kỷ luật công chức để nâng cao năng suất lao động, bảo đảm 8 giờ làm việc mỗi ngày là 8 tiếng thật sự hiệu quả, chất lượng. Đây cũng là cách để cơ cấu lại chi với chi phí không đổi, nhưng thực hiện được khối lượng công việc nhiều hơn mà bảo đảm không tăng biên chế và kinh phí.  

P. Thủy - H. Ngọc - T. Thành ghi