Thêm dầu vào lửa

Thành An 11/11/2016 08:52

Scotland tuyên bố sẽ đệ đơn kiện lên Tòa án Tối cao Anh đòi quyền tham gia quyết định “kích hoạt” Điều 50 Hiệp ước Lisbon, liên quan đến việc Anh bắt đầu tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU). Diễn biến mới này cho thấy Brexit tiếp tục là vấn đề gây chia rẽ và sự nghi kỵ sâu sắc giữa các vùng lãnh thổ Liên hiệp Vương quốc Anh.

Gây sức ép với London

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho biết, Quốc hội Scotland phải có tiếng nói đối với quyết định kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, bởi quyết định này sẽ lấy đi các quyền lợi cũng như quyền tự do của người dân và các doanh nghiệp Scotland. Theo bà, việc kích hoạt này phải được Quốc hội của Liên hiệp Vương quốc Anh đưa ra bàn thảo, xem xét kỹ lưỡng và chấp thuận, trong đó Quốc hội Scotland cũng phải được có ý kiến trước. Nữ lãnh đạo nhấn mạnh, Scotland tôn trọng nguyện vọng ra khỏi EU của người dân xứ England và xứ Wales nhưng Brexit cần bảo đảm cả nguyện vọng dân chủ của người Scotland. Vì vậy, Quốc hội Scotland không muốn bị gạt sang một bên. Bà Sturgeon cũng kêu gọi Thủ tướng Anh Theresa May tôn trọng lời hứa sẽ đối xử với Scotland như một thành viên bình đẳng trong Vương quốc Anh và phải lắng nghe nguyện vọng của người dân nước này.

Thông báo trên của chính quyền Scotland được đưa ra sau khi Tòa Thượng thẩm Anh ra phán quyết Chính phủ Anh phải nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội trước khi kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, khởi động tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm đưa Anh ra khỏi EU. Tuy nhiên, Chính phủ Anh cho rằng, điều này có thể trì hoãn vô thời hạn việc kích hoạt do hầu hết các nghị sĩ muốn nước này ở lại EU. Hiện chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã bắt đầu soạn thảo một dự luật về quy trình Brexit, đồng thời bày tỏ tin tưởng có thể đảo ngược phán quyết của tòa án. Bà May cũng khẳng định sẽ quyết tâm thực hiện “ý nguyện của người dân”, theo đó thời hạn chót tháng 3.2017 khởi động các cuộc đàm phán về Brexit sẽ không thay đổi.

Người Scotland muốn ở lại EU
Người Scotland muốn ở lại EU

Chia rẽ gia tăng

Diễn biến này càng củng cố thêm những quan ngại của giới phân tích về những chia rẽ, bất đồng sâu sắc trong nội bộ Vương quốc Anh sau khi cử tri lựa chọn Brexit. Theo các chuyên gia, điều đó chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa, đe dọa tính thống nhất của Vương quốc Anh.

Trên bình diện địa lý, vấn đề “đi” hay “ở” đã chia Vương quốc Anh thành hai phe: Một bên là Scotland, Bắc Ireland, phía Tây xứ Wales cộng với một vài thành phố lớn ủng hộ ở lại châu Âu và bên kia là phần còn lại của Vương quốc. Hai cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và John Major đã cảnh báo, việc bỏ phiếu “có” với Brexit có thể khiến Vương quốc Anh tan rã, bởi nó tạo động lực để Scotland tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai nhằm giành độc lập.

Trước đó, Thủ hiến Sturgeon tuyên bố sẽ tiến hành lần thứ 2 cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề tách khỏi Anh vào năm 2020, nếu như Anh ra khỏi thị trường chung EU. Bà cũng cho biết sẽ tìm hiểu khả năng để Scotland ở lại trong thị trường chung EU cho dù tất cả các vùng khác thuộc Anh rời khỏi thị trường này. Nữ chính khách nêu rõ quan điểm, nước này là một đối tác bình đẳng trong Vương quốc Anh và Bắc Ireland, và muốn ở lại trong thị trường chung EU. Bà đã đưa ra 4 điểm chính để thúc đẩy hoạt động kinh doanh và xuất khẩu của Scotland với EU như thành lập Ban điều hành thương mại mới để thu hút kinh nghiệm kinh doanh, xây dựng dự án đặc phái viên thương mại để tuyển dụng những nhà lãnh đạo kinh doanh xuất chúng, thành lập một tổ hợp thương mại và sáng tạo tại Berlin và tăng gấp đôi số lượng nhân viên phát triển của Scotland trên khắp châu Âu…

Theo giới lãnh đạo, nếu đa số người dân ủng hộ độc lập trong cuộc trưng cầu dân ý thứ hai, Scotland vẫn muốn tiếp tục là một phần của EU hoặc sẽ có cơ hội gia nhập lại ngay cả trong trường hợp Anh đã ra đi.

Tác giả cuốn sách “Người Scotland nghĩ gì?” John Curtice, cho biết sự ủng hộ của người Scotland đối với việc để Anh ở lại EU mạnh mẽ hơn mọi nơi khác, và các khảo sát cũng nhận định Brexit sẽ kích động một phong trào độc lập ngay trong lòng Scotland. Sự độc lập đó sẽ đặt dấu chấm hết cho liên minh chính trị hình thành từ năm 1707, khi Anh và Scotland sáp nhập thành một. Mặc dù Scotland hiện giờ đã có Quốc hội riêng, với quyền lực đáng kể, song Scotland và Anh vẫn có cùng một nữ hoàng, một đơn vị tiền tệ cùng nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt ở Biển Bắc. Một cuộc “chia tay” sẽ dẫn đến những mâu thuẫn về quyền lực dai dẳng và phức tạp.

Tuy nhiên, không gì có thể bảo đảm được rằng Scotland sẽ nhận được sự ưu ái từ phía EU như những gì Vương quốc Anh đang có. TS. Thomas Lundberg, Giảng viên Chính trị tại Đại học Glasgow, nói: “Có thể chúng ta sẽ được chào đón song chúng ta cần phải thận trọng xem xét các điều khoản. Dù điều gì xảy ra, Scotland có thể ở một vị trí đẹp để đàm phán một thỏa thuận tốt hơn với EU hoặc với Vương quốc Anh”.

Thành An