Nhớ đám cưới một thời
Có thể nói không quá lời rằng: Hình như đời sống vật chất càng phát triển thì văn hóa cưới hỏi càng lạc hậu, vì nó khiến tất thảy những người liên quan phải mệt mỏi, lo nghĩ, thậm chí rơi vào bi, hài kịch, thay vì vui vẻ, hạnh phúc theo đúng nghĩa.
Không rõ từ khi nào, người ta mừng đám cưới bằng phong bì tiền. Lúc đầu người đến dự còn trao tận tay cô dâu, chú rể. Về sau, người ta bỏ vào chiếc hộp có khoét lỗ thủng vừa để nhét được phong bì. Không rõ ai là người đầu tiên nghĩ ra “sáng kiến” này. Lúc đầu, nhiều người thấy ngường ngượng. Với người Việt Nam ta, tiền bạc luôn là chuyện tế nhị, cần sự kín đáo chứ không thể công khai, lộ liễu. Nhưng rồi cũng quen dần, vì thuận tiện, chẳng có gì đáng phải băn khoăn.
Trước đây không thế. Thời chiến tranh, rất nhiều đám cưới được tổ chức ngay tại lán trại với vài dãy bàn bày hoa quả, kẹo bánh, thuốc lá, nước trà. Căng một chiếc phông làm nền, thường là màu xanh hòa bình. Giữa phông dán hình đôi chim bồ câu và hai chữ cái tên cô dâu, chú rể bằng giấy màu hồng cho nổi bật và dòng chữ “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Người dự cưới là đại diện cơ quan, đoàn thể, gia đình, họ hàng, bè bạn thân thích. Thường mỗi đám như thế chỉ dăm bảy chục người ngồi uống nước, ăn kẹo và văn nghệ rôm rả, do chính những người dự thể hiện, hoàn toàn mang tính chất cây nhà lá vườn. Rất nhiều đám cưới của những lứa đôi nổi tiếng trong các lĩnh vực chính trị, khoa học, văn nghệ… đã được tổ chức như thế. Nhiều bậc hôm nay ở tuổi trên dưới 90 nhưng vẫn nhớ mãi ngày cưới của mình. Họ đã sống với nhau rất đẹp suốt bao năm qua, gắn bó hạnh phúc riêng với mọi thăng trầm của đất nước.
Hòa bình lập lại cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1955 - 1975), trong bối cảnh hòa bình ở miền Bắc, đám cưới có điều kiện tổ chức đàng hoàng, chu tất hơn, nhưng tinh thần chung vẫn là “đời sống mới”, tiệc trà là chính. Khách mời đến tập trung vào một thời điểm, chứng kiến cô dâu, chú rể trình diện rồi ăn kẹo, uống nước và văn nghệ, do bạn bè, những người đến dự tham gia. Không rõ từ bao giờ cô dâu Việt Nam bắt đầu mặc váy xòe, quét đất, màu trắng hoặc đỏ, giống y chang bên Tây. Ngày trước, cô dâu chỉ mặc áo dài truyền thống, còn chú rể sơ mi trắng, sơ vin, về sau thêm chiếc cà vạt, nếu mùa đông thì có thể complê. Quà mừng, ngoài hoa là phổ biến, nhiều người tặng những đồ dùng thiết thực cho cuộc sống gia đình. Bát, đĩa, ấm, chén, chậu rửa mặt, áo quần trẻ sơ sinh, tã, lót, khăn bông, khăn mặt… Ai có điều kiện, thân tình, quý hóa lắm thì tặng phích nước. Đưa dâu chỉ bằng một chiếc xe ca nếu quãng đường xa. Còn loanh quanh vài cây số thì đi xe đạp hoặc xích lô. Chú rể cũng đèo cô dâu bằng xe đạp. Chàng thì gò lưng đạp, nàng thì tay ôm bó hoa. Cả hai hớn hở, ai nhìn thấy cũng không thể không vui lây.
Thế rồi, sau ngày thống nhất đất nước (1975), rồi sau Đổi mới (1986), không hiểu sao lễ cưới cứ mất dần sự thanh đạm, giản dị mà rất đầm ấm, vui vẻ, nhường chỗ cho sự phô trương, mưu tính trong cái ngày vui, ý nghĩa nhất đời người. Lẽ ra, xã hội càng phát triển thì phải càng văn minh hơn, nhưng thực tế đã ngược lại, càng ngày có vẻ như càng lạc hậu, kém văn minh, khiến con người mệt mỏi, buồn phiền trước nhân tình thế thái. Riêng trong chuyện cưới hỏi đã thấy rõ điều đó. Câu “phú quý sinh lễ nghĩa” đã được phát huy tác dụng hết công suất. Bởi vậy, trả lại thời kỳ gọi là cưới theo “đời sống mới” năm xưa, trả lại vẻ đẹp đích thực của lễ cưới là việc làm không thể trì hoãn.