Cách tiếp cận theo Hiến pháp 2013

TUẤN ANH thực hiện 09/11/2016 08:01

Dự án “Luật Quản lý, sử dụng tài sản công”, gồm 10 chương, 137 điều đang được Chính phủ trình QH Khóa XIV và sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ 2 này. Nếu được QH thông qua, Luật này sẽ thay thế “Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)”. Đây là dự án Luật có ý nghĩa đặc biệt trong việc chống lãng phí, lợi ích cục bộ, tiêu cực trong sử dụng tài sản công. Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, nguyên Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh Khóa XII, XIII về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau xung quanh dự án Luật này.

- Thưa ông, tại sao không phải là dự thảo “Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)” như đã ghi trong Chương trình xây dựng pháp luật của QH, mà Chính phủ lại đề nghị dự án “Luật Quản lý, sử dụng tài sản công”?

- Năm 2008, với trách nhiệm của một ĐBQH, tôi đã tham gia góp ý kiến và biểu quyết thông qua “Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước” và  sau 7 năm thực hiện, Luật này đã bộc lộ sự bất cập so với yêu cầu thực tiễn quản lý sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm tài sản công, nên trước hết tôi bày tỏ sự đồng tình cần phải sửa đổi một cách căn bản “Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước”  hiện hành và cũng cần thay đổi khái niệm “tài sản nhà nước” sang sử dụng khái niệm “tài sản công” cho phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 và các đạo luật khác. Nhìn chung, dự thảo Luật khá hoàn chỉnh, bao quát được đối tượng điều chỉnh và xác định phạm vi điều chỉnh cụ thể. Nội dung từng điều khoản khá rõ ràng; thể hiện tinh thần đổi mới, nhưng vẫn bám sát được điều kiện thực tiễn để bảo đảm tính khả thi.

-  Ông cho rằng việc sử dụng khái niệm “tài sản công” thay khái niệm “tài sản nhà nước” là phù hợp với Hiến pháp 2013, nhưng cũng có ý kiến cho là khái niệm này quá rộng và dự luật này sẽ chồng lấn nhiều đạo luật khác. Quan điểm của ông thế nào?

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH, tên của Dự án Luật là “Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)”. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 đã quy định đất đai, tài nguyên thiên nhiên và các loại tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý (Điều 53). Như vậy, khái niệm về tài sản công tại Hiến pháp năm 2013 tương đồng với khái niệm “tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước” (tài sản nhà nước) quy định tại Điều 200 Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, tại Bộ luật Dân sự năm 2015 không còn quy định về hình thức sở hữu nhà nước. Đồng thời, các luật mới được ban hành để triển khai Hiến pháp năm 2013 đều sử dụng khái niệm về tài sản công. Vì vậy, Chính phủ trình QH cho đổi tên của dự án Luật là “Luật Quản lý, sử dụng tài sản công”. Ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị đều thống nhất với phương án này.

Theo Tờ trình QH số 340/TTr-CP ngày 28.9.2016 của Chính phủ
về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)

-  Tôi cho rằng, sự lo lắng trên là chính đáng và cần được quan tâm để xử lý những nội dung của dự luật. Luật này tiếp cận khái niệm “tài sản công” theo Điều 53 Hiến pháp, nên rất rộng; nó bao gồm cả khái niệm “tài sản” và “tài nguyên” thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đây là điểm mới rất quan trọng so với phạm vi điều chỉnh của Luật hiện hành. Tuy nhiên, do đặc điểm của “tài sản” và “tài nguyên” rất khác nhau, nên vấn đề quản lý, sử dụng “tài sản công” đang bị chia nhỏ trong nhiều đạo luật như: Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Tài nguyên nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp… Có thể có đến hàng chục văn bản luật và dưới luật đang điều chỉnh lĩnh vực tài sản công, nhưng trên thực tế việc quản lý sử dụng tài sản công vẫn còn nhiều bất cập. Dự án Luật này  tuy chọn đối tượng  là “ tài sản công” theo ý nghĩa đầy đủ, nhưng không chế định thay các luật hiện hành có liên quan, mà tiếp cận theo hướng: Quy định chế độ quản lý sử dụng, quyền hạn và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được giao tổ chức quản lý tài sản công nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về tài sản công, khắc phục những tồn tại hiện nay, nâng cao hiệu quả sử dụng. Đây là cách tiếp cận đúng và thể hiện sự đổi mới so với luật hiện hành.

- Điều 53 Hiến pháp 2013 quy định về tài sản công mang tính khái quát, nhưng muốn quản lý phải phân loại cụ thể, vậy theo ông cách phân loại tài sản theo dự án luật này đã rõ chưa?

 - Điều 4 của dự luật quy định 8 loại tài sản công để làm cơ sở cho các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tại các chương sau. Cách phân loại theo kiểu liệt kê thực tế đối tượng đang được quản lý bằng nhiều đạo luật khác nhau nhằm xác lập các nguyên tắc quản lý thống nhất là cần thiết và cách tiếp cận đúng. Tuy nhiên, theo tôi nên làm rõ tài sản và tài nguyên trong tổng thể tài sản công; đồng thời phân biệt giữa đối tượng điều chỉnh là tài sản công và tổ chức, cá nhân được giao quản lý tài sản công trong phân loại tài sản. Ví dụ Điều 4, Khoản 1 quy định tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể bao gồm cả đất đai, tài nguyên thiên nhiên khác, nên sẽ trùng lặp về đối tượng quy định tại các khoản sau. Để tiện chế định trong nội dung các điều liên quản lý sử dụng tài sản công, tôi đề nghị nên phân loại theo đặc điểm tài sản công, nhất là phân loại các loại tài sản và các loại tài nguyên. Điều 122 quy định về tài nguyên thiên nhiên khá rõ, nên sắp xếp vào mục chung phân loại tài sản công.

- Theo ông, nếu dự luật này được QH thông qua thì liệu có khắc phục được những tiêu cực trong việc quản lý sử dụng tài sản công, mà dư luận rất bức xúc không?

- Dĩ nhiên một đạo luật không thể giải quyết được triệt để vấn đề lãng phí, tiêu cực, lợi ích cục bộ trong việc sử dụng tài sản công hiện nay, nhưng chính dự luật này chế định nguyên tắc quản lý sử dụng tất cả các loại tài sản công thuộc sỡ hữu toàn dân, mà hiện nay các luật khác đã quy định, nhưng thiếu thống nhất; đồng thời cùng với Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước…thúc đẩy quá trình tái cơ cấu đầu tư công. Các vấn đề đang gặp khó khăn, mà luật này phải giải quyết dứt khoát như: Nhà nước chỉ bố trí chỗ làm việc, các phương tiện cần thiết cho nhu cầu công vụ của cơ quan đơn vị, nếu thừa thì điều chuyển, chứ không thể mang tài sản nhà nước giao cho vì mục đích công vụ lại đi kinh doanh thu lợi hay tài sản công phải được quản lý trên một khung pháp luật giống nhau, dù đối tượng sử dụng có khác nhau. Quan điểm này áp dụng cho các tổ chức chính trị, chính trị xã hội nghề nghiệp; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp được nhà nước giao sử dụng bất động sản. 

Tôi đồng tình với quan điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công không quy định các biện pháp chế tài thay cho các luật có liên quan, nhưng đề nghị cần rà soát các luật có liên quan nhất là trách nhiệm công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, bổ sung các quy định còn thiếu hoặc không chặt chẽ mang tính đặc thù trong việc sử dụng tài sản công.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

TUẤN ANH thực hiện