Cầu Cốc Pài ở Xín Mần

Phạm Trung Tuyến 08/11/2016 07:58

Các con tôi ở Hà Nội, nơi mà hầu như ngày nào cũng có một công trình được khánh thành. Chúng không có ý niệm rõ ràng gì về những sự kiện đó. Nhưng các bạn chúng, ở cái huyện miền núi heo hút này, việc có thêm một cây cầu vĩnh cửu dài mấy trăm mét là một sự kiện kỳ vĩ...

Tôi đã không dễ dàng để quyết định cho hai bé con của mình nghỉ một buổi học chính khóa và một buổi học thêm để tham gia cuộc thi vẽ tranh cùng học sinh các dân tộc huyện Xín Mần, Hà Giang. Cuối cùng, có một niềm tin sâu thẳm thuyết phục tôi rằng đó là một hoạt động cần thiết cho nhân cách của các con tôi sau này.

Cầu Cốc Pài ở Xín Mần ảnh 1
Nguồn: ITN 

Đó là cuộc thi vẽ dành cho học sinh cấp I và II huyện Xín Mần về đề tài quê hương đổi mới, nhân dịp khánh thành cây cầu Cốc Pài bắc qua dòng sông Chảy. Các con tôi ở Hà Nội, nơi mà hầu như ngày nào cũng có một công trình được khánh thành. Chúng không có ý niệm rõ ràng gì về những sự kiện đó. Nhưng các bạn chúng, ở cái huyện miền núi heo hút này, việc có thêm một cây cầu vĩnh cửu dài mấy trăm mét là một sự kiện kỳ vĩ.

Con gái 8 tuổi của tôi đã vẽ một bức tranh rất nên thơ về cây cầu băng qua miệng vực, phía sau là dãy núi Tây Côn Lĩnh vấn vương mây trắng. Nhưng khi nhìn tranh của các bạn Xín Mần, con đã cất bức tranh của mình đi. Bởi con gái tôi đã nhận ra bức tranh của mình thiếu điều quan trọng nhất, đó là niềm vui được biểu hiện trong những gam màu, là những ước mơ bay bổng từ một công trình có thể thay đổi cuộc sống. Con đã hiểu rằng, có những điều tưởng như bình thường trong cuộc sống hàng ngày của con, lại là mơ ước, là niềm vui lớn lao của rất nhiều bạn bè cùng lứa tuổi.

Con trai 10 tuổi của tôi không vẽ, con tha thẩn khắp sân trường nội trú, nói chuyện với các bạn, rồi con hỏi tôi: “150 tỷ có nhiều không bố?” Tôi bảo: “Nhiều lắm!”. Ngẫm nghĩ một lúc, cháu bảo: “Hôm trước, bạn con bảo, biệt thự nhà bạn ấy trị giá 50 tỷ đồng. Như thế, ba ngôi nhà là xây được cái cầu này. Sau này, nếu con có nhiều tiền, con sẽ dành xây cầu, không cần ở nhà to, bố nhỉ?”.

Hai ngày ở Xín Mần, hai bé con nhà tôi đã được chứng kiến niềm vui của những bạn nhỏ nơi đây, chia sẻ và đồng cảm với niềm hân hoan của những bạn bè cùng trang lứa. Ít nhiều, chúng cũng thấu cảm được phần nào ý nghĩa của một công trình dân sinh như cầu Cốc Pài đối với cuộc sống của bạn bè. Tôi hy vọng, điều đó sẽ góp phần mang sự tử tế đến với tâm hồn chúng. Bởi tôi vẫn nghĩ, sự tử tế giữa người với người được bắt đầu bằng niềm đồng cảm.

Hai bé con nhà tôi tham gia cuộc thi vẽ tranh ở Xín Mần lần này với sự đón chào của bác Fujita Yasuo, Trưởng văn phòng tổ chức JICA tại Việt Nam, tổ chức đã hỗ trợ khoản vốn vay để xây dựng cầu Cốc Pài, và cũng là người chủ trì cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi này. Có lẽ, ông cũng đồng cảm với những nhận thức mới mẻ đang hình thành nơi những đứa trẻ.

Ở Xín Mần, khi phát biểu trước hơn 100 học sinh các dân tộc nơi đây, Fujita chỉ nói về một điều giản dị: “Tôi nhìn thấy tuổi thơ của mình khi đến đây. Mẹ tôi là nông dân, tôi sinh ra ở nông thôn Nhật Bản, nơi cũng có rất nhiều điều tương đồng về sinh hoạt, văn hóa với mảnh đất này...”

Một câu nói giản dị vậy thôi, nhưng tôi tin rằng nó đã được chưng cất bằng rất nhiều sự đồng cảm - điều khiến ông lặn lội lên tận miền biên viễn hắt hiu này, dành kỳ nghỉ cuối tuần của mình, chỉ để thu xếp một buổi sinh hoạt ngoại khóa cho những đứa trẻ sẽ là tương lai của Xín Mần...

Phạm Trung Tuyến