Nông thôn mới, cách nhìn mới!
Bức tranh kinh tế đất nước ngày càng sáng lên trong chặng đường dài hơn 30 năm đổi mới.
Ai đó bảo về tỉnh, thành nào muốn hiểu căn cơ hồn cốt, hãy ghé thăm chợ trung tâm, sẽ nhìn rõ hơn “chân dung” của thành phố, thị xã đó. Ai đó cũng bảo muốn “đo” tư duy tầm nhìn, chiến lược của lãnh đạo các tỉnh, thành, xin hãy về các vùng quê sẽ tỏ ra hết!
Nông thôn là nơi gần 70% cư dân của đất nước hình chữ S này sinh sống. Đổi thay của đất nước nói lời “cao xanh” gì, cũng là nhìn từ những thay đổi ở các miền quê.
![]() Nguồn: ITN |
Càng thấy bao nhiêu chính sách của Đảng, QH, Chính phủ hướng về nhà nông là cả một tầm nhìn và chiến lược đầy chất nhân văn. Những gì làm được trong chiến lược xây dựng nông thôn mới thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Bức tranh nông thôn đang dần rõ nét với 2.061 xã (chiếm 23,1%), và 27 huyện cả nước đạt chuẩn nông thôn mới là hiện thực sinh động của một đất nước đang quyết tâm vượt lên trên con đường hội nhập.
Chặng đường xây dựng nông thôn mới 5 năm qua là 38,9% số xã cả nước đạt tiêu chí về giao thông, 47.436km đường, cải tạo và sửa chữa xây dựng mới 26.997 cây cầu lớn nhỏ; 42,6% số xã đạt tiêu chí về trường học cho con trẻ, 64,6 xã đạt về thủy lợi, 68,2% số xã đạt về y tế, 34,9% số xã đạt về chỉ tiêu cơ sở vật chất văn hóa…
Xin đừng cho đó là những con số khô khan. Đó là những con số “có hồn”, “biết nói”, là những con số viết lên từ trăn trở, âu lo của cả nước, là cả một chiến lược xa dài trong đường lối của Đảng ta với nhà nông!
Nhưng cuộc sống là đi lên! Nói đất nước đổi mới mà gần 70% nhà nông với cái khoảng cách giàu - nghèo so với các đô thị còn cách xa, lại là câu chuyện không thể không bàn. Bao nhiêu người từ quê ra phố khá giả lên, bao nhiêu người “trụ lại” với quê còn đang khó tứ bề, có ai đặt câu hỏi “vì sao”?
Có thể trả lời ngay rằng: Người quê bươn trải với ruộng đất miệt vườn làm ra hạt gạo, con cá, con tôm, với cà phê, hồ tiêu, với đủ loại trái cây… nhưng vẫn mãi “tự bơi”!
Tự bơi trong tư duy tự lo, tự làm. Tự bơi trong “may nhờ, rủi chịu”, trong canh cánh nỗi lo được mùa liệu có mất giá, được giá liệu có mất mùa, trong đủ thiên tai bất ưng ập xuống đầu.
Nhìn xem: Đất nước mấy ai không bước chân ra từ các vùng quê, không những lần nếm trải cái chát chúa của cảnh nghèo quê?
Hình ảnh những đứa trẻ ngóng chờ người mẹ quê “với năm xu của chiếc bánh đa vừng” trong “Khúc hát sông quê”, ai từng nghe lời thao thiết ấy không thể không phút giây trầm tư, lắng đọng về một thời tuổi thơ. Ta giàu có hôm nay, phố xá giàu lên hôm nay, sang trọng hơn, với “cao ốc” vút cao, với biệt thự, khách sạn, nhà hàng sáng láng, có hay tiếng vọng của quê, tiếng gọi của quê chưa thoát hết khó nghèo?
Về với quê, nghĩ về quê, là ta như đã tự lớn lên rồi! Tiếng quê hương cũng là tiếng mẹ sinh ra ta, cho ta nhớ hoài lời mẹ quê giản dị: Không nhớ quê, yêu quê thì sao lớn nổi thành người?
Chân chất hồn quê là thứ “đặc sản thứ thiệt” trong mỗi con người Việt. Vậy phải làm gì đúng với thực chất xứng với quê đi. Mới chỉ hơn 23% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn gần 77% số xã vẫn đang trên đường đi tới mục tiêu này. Càng thấy trách nhiệm với quê, làm gì cho quê còn nhiều lo toan lắm. Nhưng rõ ràng người quê chân thành, không thích bóng bảy thành tích nhưng sao đây đó cứ chạy đua đạt “chuẩn nông thôn mới”, sau đó lại “khoác cái áo” là nông thôn của nợ nần (?)
Nông thôn cần đường, trường, điện, trạm, hay mơ ước có cây cầu qua sông suối. Người quê mơ có việc làm; sống khỏe ngay trên đất quê hương, chứ không phải ùn ùn kéo nhau về đô thị, để rồi lại “gánh tiếng” người quê về phố làm nghẽn đường, hạ tầng quá tải.
Người quê mong sống nơi quê với sự thuần khiết của môi trường trong lành, của nước sạch, của an ninh làng xóm, của cái “tình tối lửa, tắt đèn”. Người quê mong nông sản làm ra không bị chặn đầu chặn đuôi, không gặp phải những doanh nghiệp “miệng nói vì quê”, nhưng lại nhăm nhắm “ăn vào” người quê với đủ chiêu bắt bí.
Với nhà nông “đất đai là chiếc cần câu”, sao cứ vác danh DN nọ, DN kia “bắt tay” chính quyền huyện, xã xòe ra cái uy chính quyền để lấy đất của nhà nông với giá bèo, sau bán mua với giá trên giời? Liên kết “4 nhà”, nói vì nhà nông, mà sao cứ nhà nọ quay lưng vào nhà kia, làm cho người quê trĩu buồn. Khi gõ cửa các ngân hàng vay vốn người quê cũng đâu đã hết bị “hành”?
Bộ NN - PTNT bao nhiêu năm cứ nói lo giống cây con tốt cho nông dân giờ nhìn lại xem, sao cứ để cô bác chạy “ríu chân” lo giống mỗi khi vào vụ? Bộ Công thương cứ nói lo đầu ra nông sản, lo thị trường trời Âu, đất Mỹ… mà cô bác vẫn “ngửa cổ nhìn giời” trong cái “đói thông tin thị trường” không biết trồng cây gì, nuôi con gì cho có lợi?
Trong 5 năm qua, cả nước huy động tới 851.380 tỷ đồng đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới là rất lớn. Thôi thì ngân sách trung ương, ngân sách các tỉnh, thành, rồi huy động mọi nguồn lực xã hội. Mục tiêu 5 năm tới là 50% xã nông thôn mới đạt chuẩn, dứt khoát phải làm.
Đuổi cái nghèo, dang tay đón sự giàu, nâng bước cho những khởi nghiệp làm giàu của người quê, rõ ràng đang cần nhiều nguồn lực. Không chỉ bạc tiền lớn, mà là tư duy và cách nhìn về nông thôn mới cũng phải khác đi. Nông thôn cần trường học, trạm y tế, cần đường sá, cần cầu qua sông suối, chứ không cần cái hoành tráng của trụ sở chính quyền, cái uy nghi của nhà văn hóa, thư viện lớn, của những chợ mở to vắng hoe người đến chợ. Nông thôn đang thèm khát công trình nước sạch, và sợ nhất ô nhiễm môi trường đang có nguy cơ tràn về quê.
Nhưng nhiều vùng quê lại mong các cơ quan ban ngành, những công bộc đang ngồi nơi “ghế nọ, quyền kia” hãy sống sao cho chỉn chu và sạch sẽ. Quê còn nghèo khó, đồng tiền quê quý lắm chớ có xà xẻo vào những gì mà cả nước đang dành cho đất quê, người quê nữa!
QH kỳ họp này thảo luận về mục tiêu quốc gia nông thôn mới của giai đoạn 2016 - 2020 với những phân tích mổ xẻ để quê vượt lên. Đất quê, người quê đang rất cần một nông thôn mới thực chất, căn cơ!