Khi “câu giờ” trở thành vũ khí

Như Ý 29/10/2016 08:19

Thuật ngữ Filibuster, tạm dịch là “câu giờ”, là chiến thuật mà các nghị sĩ sử dụng để phản đối, hoặc ngăn chặn hoàn toàn một quyết định của Nghị viện. Sau những trường hợp khá bi hài trong lịch sử, một số Nghị viện đã phải ban hành quy định chấm dứt việc này. Nhưng ở một số Nghị viện khác, như tại Thượng viện Mỹ, câu giờ lại là một nét đặc trưng thú vị.

Lách luật để “câu giờ”

Filibuster là thuật ngữ trong tiếng Anh để chỉ một hiện tượng thú vị trong hoạt động Nghị viện. Nó thực chất là nhóm các chiến thuật khác nhau nhằm trì hoãn và bác bỏ một quyết định của Nghị viện đang được đưa ra xem xét. Mặc dù thuật ngữ đó mới xuất hiện khi Nghị viện đầu tiên ra đời, nhưng thực tế câu giờ từng được sử dụng tại cơ quan lập pháp thời La Mã.

Chiến thuật câu giờ đặc biệt có hiệu quả khi Nghị viện có quy định cứng về thời gian nhằm xem xét đối với một dự luật, hoặc dự luật được xem xét khi Nghị viện chuẩn bị hết nhiệm kỳ. Thông thường, đây là một nỗ lực “cố đấm ăn xôi” nhằm lách quy định không giới hạn thời gian xem xét dự luật của Nghị viện. Sau đó, dự luật rất có thể vẫn được thông qua, đặc biệt khi nó được đảng nắm đa số ghế trình lên. Kỷ lục về câu giờ tại Nghị viện trên thế giới hiện do đảng Minjoo (MPK) của Hàn Quốc nắm giữ. Nhằm ngăn chặn việc thông qua một dự luật chống khủng bố, các thành viên của MPK đã lần lượt lên phát biểu. Tổng thời gian phát biểu lên tới 193 giờ liên tục. Nhưng cuối cùng, dự luật, do đảng Quốc đại cầm quyền trình, vẫn được thông qua.

Nghị sĩ Strom Thurmond và bài phát biểu dài nhất trong lịch sử Mỹ Nguồn: typepad.com
Nghị sĩ Strom Thurmond và bài phát biểu dài nhất trong lịch sử Mỹ
Nguồn: typepad.com

Tại Ấn Độ, nhằm ngăn chặn việc các nghị sĩ câu giờ, cả Thượng viện và Hạ viện đều có các quy định hạn chế. Tại Thượng viện, bài phát biểu của nghị sĩ có thể bị chấm dứt nếu đa số nghị sĩ đồng ý. Tại Hạ viện, nếu có nghị sĩ đề nghị chấm dứt phần thảo luận, quyết định nằm trong tay ngài Chủ tịch.

Chiến thuật câu giờ được sử dụng tại Hạ viện Mỹ tới trước năm 1842, cho đến khi một quy định về hạn mức thời gian phát biểu đối với nghị sĩ được đưa ra. Một chiến thuật câu giờ khác là không tham gia bỏ phiếu đã bị Chủ tịch Hạ viện Thomas Reed chấm dứt vào năm 1890.

Câu giờ bằng cách phát biểu lâu không khả thi ở Australia, vì cả hai viện đều có các quy định chặt chẽ về việc thời lượng phát biểu. Tuy nhiên, liên minh đảng Dân chủ quốc gia vẫn tìm được cách “lách luật”, đó là liên tục sử dụng quyền tạm dừng phiên họp, đặc biệt là trong các phiên chất vấn năm 2012.

Trên thế giới, đã từng xảy ra trường hợp đã có quy định hạn chế thời lượng, mà vẫn không ngăn được các nghị sĩ. Trong phiên họp ngày 16.12.2010 tại Nghị viện Áo, nghị sĩ Werner Kogler của đảng Xanh đã có bài phát biểu dài 12 tiếng và 42 phút trước Ủy ban Ngân sách, chỉ trích những chỗ không hợp lý trong cách chi tiêu của Chính phủ trong năm tài chính đó. Trước ông Kogler, kỷ lục phát biểu lâu nhất thuộc về nghị sĩ Madeleine Petrovic với 10 tiếng và 35 phút vào năm 1993. Sau ông Petrovic, quy định đã được sửa đổi để nghị sĩ chỉ được phát biểu tối đa 20 phút. Song quy định đó đã không ngăn được nghị sĩ Kogler lập kỷ lục mới.

“Linh hồn” của Thượng viện Mỹ

Xung quanh chiến thuật câu giờ có khá nhiều chuyện bi hài. Tại Philippines, năm 1963, nghị sĩ Roseller Lim đã lập kỷ lục câu giờ lâu nhất, sau khi đứng hơn 18 tiếng trên bục bỏ phiếu bầu Chủ tịch Thượng viện, với lý do phải chờ một nghị sĩ cùng đảng đang trở về từ Mỹ. Do luật cấm nghị sĩ rời khỏi bục khi chưa bỏ phiếu, nghị sĩ Lim thậm chí đã phải đi vệ sinh… ngay tại chỗ. Sau cuộc bỏ phiếu, ông Lim được xe cấp cứu chuyển tới bệnh viện.

Ở New Zealand, do Maori cũng là ngôn ngữ chính thức, nhưng không phải nghị sĩ nào cũng hiểu được, nên đôi khi thể hiện quan điểm bằng tiếng Maori cũng là một cách câu giờ. Năm 2009, nhằm phản đối việc thông qua dự luật thành lập Hội đồng bang Auckland của Chính phủ, các nghị sĩ phản đối đã trình lên một loạt sửa đổi lặt vặt bằng tiếng Maori.

Chiến thuật trình nhiều sửa đổi từng được phe đối lập Pháp áp dụng vào tháng 8.2006 để câu giờ. Nhằm phản đối dự luật việc hạ tỷ lệ cổ phần nhà nước sở hữu tại Gaz de France từ 80% xuống 34%, phe đối lập đã trình lên 137.449 sửa đổi khác nhau. Nếu theo đúng thủ tục, phải mất 10 năm mới bỏ phiếu xong từng sửa đổi. Rất may là cuối cùng đảng cầm quyền đã thỏa thuận được với phe đối lập để rút các sửa đổi này.

Nhưng có lẽ không ở đâu mà câu giờ lại trở thành một đặc trưng như tại Thượng viện Mỹ. Thậm chí, nhiều học giả coi câu giờ là “linh hồn” của Thượng viện. Sau khi các quy định có liên quan được sửa đổi vào năm 1975, câu giờ là chiến thuật phổ biến đến mức hầu hết dự luật, trừ dự luật về ngân sách, nếu muốn được bỏ phiếu, nghị sĩ trình lên phải chắc chắn có ít nhất 60% số nghị sĩ ủng hộ mình. Bởi theo Nội quy Thượng viện, trừ khi có 3/5 số nghị sĩ ủng hộ chấm dứt thảo luận, một nghị sĩ được phép nói bao lâu tùy thích. Hiện nay, khi có nguy cơ dự luật có thể bị câu giờ, hoặc phe đa số không bảo đảm được có 60% số nghị sĩ ủng hộ, phe này sẽ tìm cách thảo luận về một vấn đề khác luôn.

Thực tế, Mỹ đã khá nỗ lực nhằm chấm dứt “vấn nạn” trên. Tháng 11.2013, với tỷ lệ 52 phiếu thuận và 48 phiếu chống, Thượng viện đã thông qua được sửa đổi hạn chế câu giờ trong phạm vi nhất định. Theo đó, cơ quan này chỉ cần đa số, thay vì tỷ lệ 2/3, để chấm dứt thảo luận đối với các đề cử bổ nhiệm chức danh hành chính và tư pháp, trừ chức danh tại Tòa án Tối cao.

Như Ý