Mỹ mạnh tay với nạn trốn thuế

Huỳnh Vũ 17/10/2016 07:43

Với việc ban hành các quy định hạn chế doanh nghiệp trốn thuế bằng cách chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục tung ra các công cụ mới, hiện được đánh giá là khá thành công.

Hành pháp mạnh tay

Bộ Tài chính Mỹ cho biết các quy định mới nhằm hạn chế nạn “từ bỏ thu nhập”. Đó là tình trạng các công ty Mỹ cho vay nội bộ giữa các chi nhánh để chuyển lợi nhuận sang các nước đánh thuế thấp, trong khi các công ty ở Mỹ chịu tình trạng nợ nần. Quy định này kết hợp với một điều luật được Bộ Tài chính thông qua hồi tháng 4 sẽ góp phần ngăn các doanh nghiệp trốn đóng thuế trong nước.  

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew khẳng định, do thiếu hành động từ giới lập pháp, Bộ có trách nhiệm sử dụng quyền hạn của mình để ngăn chặn tình trạng trốn thuế. Theo ông Jacob Lew, một loạt biện pháp đã được đưa ra để ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia muốn “né” đóng thuế cho Chính phủ Mỹ, đồng thời giảm bớt những ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp Mỹ chuyển hoạt động ra nước ngoài. Tuy nhiên, ông Lew cho rằng đây chỉ là giải pháp mang tính khắc phục một phần và hối thúc Quốc hội phải hành động để “cải cách toàn diện nội dung thuế doanh nghiệp”.

Sau khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên phạt Apple Inc hàng tỷ euro do hành vi trốn thuế tại Ireland, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định sẽ thắt chặt các quy định để giảm bớt tình trạng doanh nghiệp sử dụng giấy ưu đãi về thuế ở nước ngoài để trốn hoặc giảm mức đóng thuế ở trong nước. Theo giới chức tài chính Mỹ, phán quyết của EU yêu cầu Apple hoàn trả 13 tỷ euro (tương đương 14,6 tỷ USD) tiền thuế sẽ là động lực để Washington cải cách hệ thống thuế và là cơ hội để khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ chuyển lợi nhuận thu được ở nước ngoài về quê hương. Đây là một án phạt lớn nhất trong lịch sử khối này.   

Phe Cộng hòa đã ngay lập tức chỉ trích quyết định trên có thể làm tổn hại các doanh nghiệp Mỹ và nền kinh tế quốc gia. Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng, phía Cộng hòa cần hợp tác để thông qua các điều luật giúp “đóng” lại lỗ hổng trong hoạt động thuế doanh nghiệp.

Thêm công cụ hiệu quả

Theo giới chuyên gia kinh tế, với các đạo luật chặt chẽ, cuộc chiến chống nạn trốn thuế của Mỹ được đánh giá là khá hiệu quả, nếu so sánh với các nước khác trên thế giới, đặc biệt là sau khi vụ bê bối mang tên “Hồ sơ Panama” bị phanh phui. Trong danh sách lên tới hàng nghìn cái tên chỉ có được 211 cá nhân có địa chỉ tại Mỹ đăng ký công ty bình phong qua Công ty luật Mossack Fonseca. Nhưng điều đó không có nghĩa những cá nhân này là công dân Mỹ.

Thực ra, luật về chống trốn thuế ở Mỹ hiện hành khá cứng rắn và đã được thực thi nhiều năm qua với việc áp dụng đạo luật tuân thủ thuế đối với các tài khoản nước ngoài (FATCA), được phê chuẩn năm 2010.  Theo văn bản này, các tổ chức tài chính nước ngoài (FFI) phải xác định chủ tài khoản cũng như các tổ chức dưới sự kiểm soát của Mỹ để cung cấp cho Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) thông tin về tài sản, thanh toán thu nhập và dòng tiền thương mại trong năm tài khóa.

FATCA yêu cầu tất cả định chế tài chính bên ngoài Mỹ gửi thông tin thường xuyên trên tài khoản tài chính của cá nhân hoặc pháp nhân Mỹ cho IRS. Đồng thời, công dân Mỹ sống ở bất kỳ đâu cũng phải báo cáo về các tài khoản tài chính của họ bên ngoài Mỹ, trong khi các tổ chức tài chính nước ngoài báo cáo cho IRS về khách hàng người Mỹ của họ. Một khi cơ quan tư pháp Mỹ có ý kiến, các ngân hàng phải hợp tác. Bằng chứng là, nổi tiếng như ngân hàng Thụy Sĩ UBS cũng phải chấp nhận phá vỡ nguyên tắc bảo mật tài khoản để cung cấp họ tên khách hàng người Mỹ của mình khi có yêu cầu từ tư pháp Mỹ.

Ở Mỹ, các ngân hàng giờ đây đều phải báo cho thuế vụ mọi trường hợp cá nhân có tài khoản hơn 50.000 USD. Bên cạnh đó, bất kỳ công dân Mỹ nào có tài khoản ở nước ngoài hơn 10.000 USD đều phải khai báo hàng năm. Chưa hết, bất kỳ công ty nào dù chỉ có một công dân Mỹ là thành viên sáng lập cũng phải đóng thuế cho Mỹ.

Tuy nhiên, hầu hết hành động trốn, né thuế của doanh nghiệp đều hợp pháp hoặc gần như hợp pháp, nên việc ngăn chặn hoạt động này đòi hỏi phải đi từ việc cải tổ luật thuế. Một cách để giảm thiểu hoạt động chuyển lợi nhuận của doanh nghiệp là bãi bỏ việc hoãn nộp thuế, hoặc thành lập một cơ quan thuế toàn cầu để thu thuế thu nhập ở nước ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải chịu thuế thu nhập của chi nhánh nước ngoài. Các chuyên gia Bộ Tài chính Mỹ cũng đề xuất không bãi bỏ việc hoãn nộp thuế, mà làm cho việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài trở nên kém hấp dẫn bằng những quy định về phân bổ các khoản khấu trừ và tín thuế, nhằm triệt tiêu những lợi ích của hoạt động chuyển lợi nhuận. Điều đó sẽ làm “nản lòng” những doanh nghiệp muốn đầu tư vào các nước có thuế suất thấp, nhưng lại khuyến khích các khoản thu nhập trở về Mỹ.

Huỳnh Vũ