Thói quen giết sách thật

Đỗ Quyên 10/10/2016 07:46

“Treo thưởng từ 10 - 100 triệu đồng cho người phát hiện nơi gia công, in lậu hoặc đang chứa sách bị làm lậu của First News” - lời khẳng định của Giám đốc Công ty TNHH Văn hóa Trí Việt mới đây dường như là giải pháp cuối cùng mà doanh nghiệp này đưa ra khi thua kiện một cơ sở in lậu sách.

Được biết, năm 2011, từ phát hiện của Trí Việt, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, khám xét cơ sở gia công sau in Huy Thi (Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) và phát hiện hơn 10.000 cuốn sách in lậu. Trong số sách này, có tới 2.500 cuốn “Quẳng gánh lo đi và vui sống” và “Bảy thói quen của bạn trẻ thành đạt”, những đầu sách bán chạy hàng đầu trên thị trường. Tuy nhiên, sau hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Trí Việt đã thua kiện và phải chịu án phí 26 triệu đồng. Lý do tuyên bố của tòa là toàn bộ số sách in lậu đã bị tịch thu, tiêu hủy, chưa được lưu thông trên thị trường nên chưa thể gây sụt giảm doanh thu cũng như uy tín, danh dự của Trí Việt. Đây là lần đầu tiên có một đơn vị làm sách quyết liệt phản ứng trước tệ nạn làm sách lậu bằng cách nhờ đến sự can thiệp của luật pháp nhưng lại bị thua.

Thực tế cho thấy, các đơn vị xuất bản lao đao, các nhà sách chân chính thì điêu đứng, mạng lưới người tiêu dùng, người mua sách thì bị móc túi hàng tỷ đồng mỗi năm còn các cơ sở làm sách lậu vẫn “ung dung” với món lợi khổng lồ. Bởi một cuốn sách có bản quyền để đến được tay độc giả, các đơn vị phát hành sẽ phải gánh rất nhiều chi phí từ bản thảo, in ấn, bản quyền, phí quản lý nội bộ của đơn vị làm sách tới giấy phép xuất bản và PR - marketing. Trong khi các cơ sở in lậu chỉ mất duy nhất chi phí in thế nên họ mặc sức chiết khấu, giảm giá vì dù có giảm tới một nửa giá bìa, các đầu nậu vẫn có lãi.

Chính tư duy quản lý, kiểm soát phần ngọn chứ không phải từ gốc, chỉ khi có vi phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại mới xử lý là nguyên nhân dẫn tới nghịch lý “người ngay sợ kẻ gian” đang tồn tại trong thị trường xuất bản nhiều năm nay. Với khung hình phạt nhẹ, đa phần chỉ xử lý hành chính với mức tối đa không quá 30 triệu đồng trong khi việc in lậu, buôn bán sách lậu có thể kiếm lợi bất chính hàng tỷ đồng mỗi năm, thì các đối tượng in lậu không ngại nộp phạt để rồi lại tiếp tục hoạt động với quy mô lớn hơn, với kinh nghiệm đối phó và các thủ đoạn tinh vi hơn. Điển hình như vụ Công ty In Văn Hiến bị phát hiện in lậu hơn 50.000 cuốn sách của NXB Giáo dục, đã bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng đến nay lại có quyết định đình chỉ vụ án. Hay gần đây nhất khi cơ quan chức năng phát hiện một kho sách lậu ở gần ngã tư Canh, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội thu giữ hơn 40.000 cuốn sách lậu và một xưởng in tại đường Hồng Hà, thu giữ 1.430kg tang vật là sách lậu đang in cũng chỉ xử lý hành chính các đối tượng vi phạm.

Thế nhưng, đó không phải là lý do duy nhất khiến sách lậu vẫn ngang nhiên “sống khỏe”. Phải thừa nhận rằng, thói quen tiêu dùng, “ham của rẻ” của nhiều độc giả đang gián tiếp giết chết sách thật. Nhiều người tiêu dùng nói rằng, họ chẳng quan tâm sách đó là giả hay thật, quan trọng là mua được rẻ mà vẫn cập nhật được kiến thức.

Đúng là nhất thời, độc giả sẽ được lợi khi phải trả ít mà lại được đọc nhiều hơn nhưng nếu nhìn xa hơn thì chuyện gì sẽ xảy ra khi thị trường không còn những nhà làm sách chân chính, không còn động lực đem tới cho người yêu sách những tác phẩm hay chỉ vì không thể duy trì được hoạt động?

Thêm vào đó là sự trôi nổi của hàng vạn đầu sách có nội dung lệch lạc, bạo lực, phản cảm tràn lan trên mọi giá sách. Chắc chắn khi đó nhu cầu tìm tới tri thức của hàng triệu độc giả sẽ bị ảnh hưởng. Đại văn hào Mark Twain đã từng nói: “Hãy cẩn thận khi đọc sách về sức khỏe. Bạn có thể bỏ mạng vì một lỗi in ấn” nhưng trớ trêu thay, khi cầm cuốn sách lậu ở vỉa hè cũng thấy dòng chữ ngay ngắn “Mua sách lậu là giết chết sách thật”.

Đỗ Quyên