“Khoảng lặng” trong văn học thiếu nhi Hàn Quốc

Ngọc Phương 03/10/2016 07:44

Khác với văn học thiếu nhi các nước, vốn quen thuộc với nội dung trong sáng và hình ảnh minh họa phù hợp với lứa tuổi, văn học thiếu nhi Hàn Quốc thường để lại dư vị trầm buồn, ẩn chứa những câu chuyện đậm tính giáo dục, và không ngần ngại đề cập đến các chủ đề như cái chết, khó khăn, nghịch cảnh…

Sáng 2.10, tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, 49 Nguyễn Du, Hà Nội diễn ra tọa đàm Văn học thiếu nhi Hàn, quen hay lạ? Theo chị Nguyễn Hà Linh, biên tập viên mảng sách tiếng Hàn Quốc của Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam: Văn học thiếu nhi Hàn Quốc cũng có điểm giống tác phẩm tới từ các quốc gia khác là có hành văn mộc mạc, bình dị, nội dung mang tính giáo dục với chủ đề đa dạng như: gia đình, tình bạn, học hành, và cả những vấn đề xã hội. Tuy vậy, các tác giả khai thác đề tài không theo mô típ quen thuộc, những khía cạnh gai góc, cái nhìn già dặn hơn khiến văn học thiếu nhi của quốc gia này mang màu sắc phong vị riêng với không khí trầm buồn.

Nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi Hàn Quốc đã được dịch sang tiếng Việt Ảnh: Ng. Phương
Nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi Hàn Quốc đã được dịch sang tiếng Việt Ảnh: Ng. Phương

Dù văn học thiếu nhi các quốc gia khác cũng nói về nỗi buồn, nhưng hiếm khi được đẩy lên thành bi thương như trong nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi Hàn Quốc. Ví dụ, tình mẫu tử cao đẹp không chỉ được thể hiện theo lối ca ngợi, mà cho thấy người mẹ hy sinh cả tính mạng của mình cho con. Trong tác phẩm Cô gà mái xổng chuồng (tác giả Hwang Sun-mi), Mầm Lá không chấp nhận mãi là gà công nghiệp ăn cám và đẻ trứng trong chuồng. Mơ ước được ấp trứng và dẫn các con đi trong vườn khiến cô dấn thân vào cuộc phiêu lưu đầy hiểm nguy, đánh đổi cả tính mạng, dù quả trứng sau thời gian được ấp lại nở ra một chú vịt con... Hay nói về áp lực học hành, trong Cửa tiệm thời gian (Lee Na Young), cô bé đang thiếu thời gian học tập thì nhận được lời đề nghị đổi thời gian lấy những ký ức hạnh phúc. Nhưng khi đứng nhất toàn trường về học tập, cô cũng không vui khi không còn biết mình là ai và quyết định từ bỏ việc chạy theo những thứ bậc như vậy...

Dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa Hàn Quốc Nguyễn Thị Thu Vân nhận xét: Văn học thiếu nhi Hàn Quốc thể hiện chiều sâu tâm lý, tính cách con người và phản ánh hiện thực cuộc sống của xứ sở Kim chi. Trong các tác phẩm, hiện thực xã hội được đưa vào rất trung thực với những điều xấu, nguy hiểm rình rập, áp lực, nhưng bao trùm là tình yêu thương, ý chí vượt lên hoàn cảnh, khẳng định tinh thần của người Hàn Quốc. Hơn nữa, dù diễn biến truyện là bầu không khí u ám, nhưng kết thúc, các nhân vật đều tìm được lối đi cho riêng mình và hạnh phúc với sự lựa chọn đó.

Ví văn học thiếu nhi Hàn Quốc như những củ hành tây, biên tập viên Nguyễn Hà Linh cho rằng: “Các tác phẩm này không dễ đọc. Chúng khiến độc giả dễ chảy nước mắt nhưng là món ăn tinh thần tốt cho các bạn nhỏ”. Bởi dưới 6 tuổi, trẻ thường đọc truyện tranh có nội dung đơn giản, vui tươi; nhưng từ 6 tuổi trở lên, trẻ đã bắt đầu tiếp xúc, va chạm với các mối quan hệ xã hội, tác phẩm văn học cũng là một nguồn thông tin quan trọng. Có thể khi đọc truyện, những nỗi trầm buồn sẽ đọng lại thành khoảng lặng với trẻ, nhưng sau đó giúp trẻ hiểu biết hơn, trân trọng những gì đang có, thậm chí là gợi ý khi trẻ gặp phải các vấn đề tương tự trong cuộc sống.

Ngọc Phương