“Thần thiêng nhờ bộ hạ”
Sự kiện Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bất ngờ ngất xỉu khi phát biểu mừng ngày Quốc khánh mới đây không chỉ gây sốc đối với người dân Singapore, mà còn với các nhà lãnh đạo khắp nơi trên thế giới. Câu hỏi đặt ra là liệu lãnh đạo Singapore có thay đổi trong thời gian tới.
Chưa có ứng cử viên phù hợp
Trong khi Singapore duy trì nền dân chủ, đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền đã chi phối chính trị của đất nước này kể từ khi giành độc lập cho đến nay. Hiện PAP kiểm soát hơn 90% số ghế trong Quốc hội. Để duy trì mức độ kiểm soát này, PAP đã chuyển giao thành công quyền lực cho các thế hệ lãnh đạo kế cận. Nhưng vào thời điểm này, việc chuyển giao lãnh đạo vẫn còn chưa rõ ràng mặc dù Thủ tướng Lý Hiển Long đã bước sang tuổi 64.
Đây là một điều bất thường trong nền chính trị nước này sau khi giành độc lập. Trong một bài báo gần đây có tựa đề “Gia đình họ Lý ở Singapore”, nhà nghiên cứu Michael Barr nhận định, con trai thứ hai của Thủ tướng Lý Hiển Long, ông Li Hongyi là người có khả năng cao nhất kế thừa vị trí của cha mình. Nhưng không ai trong số những người con của Thủ tướng Lý Hiển Long tỏ ra quan tâm đến chính trị. Điều đó có nghĩa là Singapore có khả năng sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của gia đình họ Lý.
Báo chí đã liệt kê 6 ứng cử viên kế nhiệm chức thủ tướng tiềm năng, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Chan Chun Sing, Bộ trưởng Phát triển Xã hội và Gia đình Tan Chuan-Jin, Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Lawrence Wong.
Trong tất cả các ứng cử viên tiềm năng, Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat từ lâu được xem là sự lựa chọn tốt nhất cho đến khi ông bị đột quỵ trong một cuộc họp Nội các vào ngày 12.5.2016. Mặc dù gần như phục hồi hoàn toàn, song tình trạng sức khỏe của ông vẫn làm dấy lên lo ngại về khả năng trở thành Thủ tướng kế tiếp. Tuy vậy, ông vẫn là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc Tổng tuyển cử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15.1.2021.
Người dân Singapore ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn so với trước đây. Một nhà lãnh đạo nổi tiếng phải là người có thể giành được sự ủng hộ của người dân Singapore trong cuộc Tổng tuyển cử tiếp theo.
![]() Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và cố Thủ tướng Lý Quang Diệu |
Mô hình lãnh đạo tập thể
Ông Woo Jun Jie, Trợ lý Giáo sư Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Công nghệ Nanyang, cho rằng những diễn biến chính trị ở Singapore sau cuộc tổng tuyển cử năm ngoái cho thấy, vai trò lãnh đạo là quan tâm của nhiều người dân. Thủ tướng Lý Hiển Long từng khẳng định kết quả tốt mà PAP cầm quyền giành được trong tổng tuyển cử có nghĩa Singapore có thể tiến hành quá trình chuyển đổi lãnh đạo suôn sẻ.
Giới phân tích có xu hướng tập trung vào vai trò và vị thế của cá nhân các nhà lãnh đạo, đặc biệt trong giai đoạn lịch sử ban đầu của Singapore. Di sản của ông Lý Quang Diệu, người đóng vai trò sống còn trong việc lãnh đạo một Singpore hậu độc lập bằng sự sáng suốt chính trị là một minh chứng. Chắc chắn, vai trò và kỹ năng cá nhân là yêu cầu trước tiên. Tuy nhiên, sự nhấn mạnh như vậy có thể hay được cường điệu vì hoạch định chính sách đòi hỏi nỗ lực của nhiều cơ quan chính trị và hành chính liên quan.
Thực tế ở Singapore, nhóm các thành viên nội các như Goh Keng Swee, S Rajaratnam, và Toh Chin Chye đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn thành lập ban đầu và phát triển tiếp theo của Singapore. Trong cuốn sách xuất bản năm 2014 có tựa đề “The Myth of The Strong Leader” (tạm dịch Bí ẩn của một nhà lãnh đạo giỏi), nhà chính trị học người Anh Archie Brown lưu ý lãnh đạo “tập thể” thường hiệu quả hơn lãnh đạo “cá nhân” đặc biệt ở những quốc gia mà người dân có học vấn cao.
Điều này đã được phản ánh trong phong cách lãnh đạo của Thủ tướng thứ hai của Singapore Goh Chok Tong, với cách tiếp cận tham vấn nhiều hơn trong quản trị. Dưới thời ông Goh, một đơn vị đã được thành lập để thu thập thông tin phản hồi cũng như những đề xuất về các chính sách lớn trong công chúng. Bên cạnh đó, vai trò của các thành viên nội các khác cũng ngày càng được ghi nhận. Chẳng hạn, người ta thường nhấn mạnh rằng bản thân ông Goh Chok Tong đã được chính các đồng nghiệp trong nội các lựa chọn để trở thành Thủ tướng.
Cách tiếp cận mang tính tham vấn và chia sẻ trách nhiệm trong quản trị từ đó đã phát triển dưới thời Thủ tướng thứ ba và đương nhiệm tại Singapore Lý Hiển Long. Trong diễn văn tuyên thệ nhậm chức sau cuộc tổng tuyển cử mới đây, ông Lý Hiển Long đã nhấn mạnh đến sự đổi mới lãnh đạo và hình thành một “đội hình mới” với những kinh nghiệm và ý tưởng mới.
Điều này khiến hoạch định chính sách là nỗ lực tập thể liên quan đến nhiều sự kết hợp khác nhau giữa nhà lãnh đạo chính trị, công chức, và các bên liên quan trong dân chúng.
Trọng tâm của chính phủ Singapore về đổi mới lãnh đạo đó dự báo một thế hệ lãnh đạo thứ tư sẵn sàng tiếp tục sự lãnh đạo trên tinh thần tập thể và lắng nghe tham vấn.
Để chèo lái một môi trường chính sách ngày càng phức tạp, bất kỳ ai trở thành Thủ tướng mới tại Singapore có thể sẽ không có nhiều thời gian thử thách như Lý Hiển Long. Nhưng người dân Singapore vẫn có thể đặt niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo đất nước. Một chính trị gia kỳ cựu từng nói: Khi có một nhà lãnh đạo hạng A, như Lý Quang Diệu, đất nước có thể tồn tại với một nhóm giúp việc hạng B. Song, một nhà lãnh đạo hạng B chỉ có thể tồn tại với nhóm giúp việc hạng A.