Có phenol, nhưng bao nhiêu?

Hồng Loan 22/09/2016 07:41

Ngày 20.9, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Theo đó, người tiêu dùng có thể yên tâm dùng các loại hải sản sống ở tầng nổi (như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm…) và hải sản nuôi tại đầm ở 4 tỉnh này. Các hải sản tầng đáy (như: Ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác) trong vòng 13,5 hải lý chưa bảo đảm an toàn để sử dụng làm thực phẩm, vì Bộ Y tế phát hiện 132/1.040 mẫu có chứa phenol.

Để có được khuyến cáo này, Bộ Y tế đã trải qua một quá trình khá công phu. Kể từ sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, Bộ Y tế đã tập hợp các chuyên gia đầu ngành về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, độc học, sức khỏe của Bộ và các chuyên gia quốc tế tiến hành nghiên cứu, đánh giá mức độ an toàn của hải sản 4 tỉnh. Nghiên cứu được triển khai trên quy mô lớn với 1.040 mẫu hải sản được lấy hàng ngày, ở tất cả các cảng cá, gò cá, các thuyền đánh bắt cá, đầm nuôi. Các mẫu được kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia và Viện Dinh Dưỡng. Đây là hai phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn của quốc tế về kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. Song song với việc lấy mẫu tại 4 tỉnh miền Trung, Bộ Y tế cũng tiến hành lấy 300 mẫu hải sản tại Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu (những tỉnh không chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường) để làm nhóm chứng, so sánh với hải sản miền Trung.

Suốt quá trình thực hiện nghiên cứu, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới từ Tổng hành dinh tại Geneva (Thụy Sĩ), từ Văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương tại Manila (Philippines) và các chuyên gia về an toàn thực phẩm và kiểm nghiệm của Nhật Bản, Canada. Các mẫu được gửi đi kiểm chứng tại các Phòng kiểm nghiệm của trường Đại học Osaka (Nhật Bản) và Trung tâm các giải pháp của Singapore. Kết quả kiểm chứng tại các phòng kiểm nghiệm nước ngoài cho thấy sự đồng nhất về kết quả kiểm nghiệm hải sản với 2 Viện của Việt Nam.

Tuy vậy, khuyến cáo của Bộ Y tế chưa thuyết phục được nhiều người, nhất là những người am tường về hóa học. “Họ (Bộ Y tế - PV) có đưa ra kết quả nào đâu? “Có phenol” cụ thể là bao nhiêu mg/kg? Trong cơ thể cá có đủ các nguyên tố và hợp chất hữu cơ, “có” không phải là kết quả”, một chuyên gia bình luận. Ngay trong rượu whisky, ớt, tiêu, cacao, sô cô la, dầu oliu, dâu tây, hạnh nhân, mơ, mận, kể cả rau muống... cũng đều có phenol.

Cho đến nay, nước ta vẫn chưa có quy định về giới hạn phenol trong thực phẩm. Ba tháng trước, khi Quảng Trị phát hiện 30 tấn cá nục nhiễm phenol, các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học đã tranh luận rất nhiều về tác hại của chất này cũng như liều lượng cho phép đối với con người. Trong khi đó, Cơ quan quản lý các chất độc hại và bệnh dịch, thuộc Bộ Y tế Hoa Kỳ -  quốc gia quy định khá chi tiết về phenol - quy định mức rủi ro tối thiểu cho việc tiêu thụ thực phẩm có chứa phenol trong ngắn hạn (dưới 14 ngày) là 1mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày. Từ đây, có thể tính toán rằng: Một người nặng 50kg có thể tiếp thu thực phẩm có chứa 50mg phenol/ngày mà không gặp rủi ro nào cho sức khỏe. Theo điều chỉnh mới nhất của Ủy ban An toàn Thực phẩm châu Âu (vào tháng 5.2013), ngưỡng tối đa được phép hấp thụ hàng ngày đối với phenol giảm từ mức 1,5mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày (năm 1984) xuống còn 0,5mg. Suy ra, một người nặng 50kg có thể hấp thu 25mg phenol/ngày.

Giống như các loại hóa chất khác, phenol có độc hại cho sức khỏe con người hay không phụ thuộc vào hàm lượng (chứa trong thực phẩm) và liều lượng (mức độ hấp thu). Việc Bộ Y tế nói rằng hơn một trăm mẫu hải sản tầng đáy có phenol mà không cho biết hàm lượng cụ thể trong bối cảnh Bộ vẫn chưa xây dựng được quy định về giới hạn được phép hấp thụ phenol, cho thấy những khuyến cáo trên có phần cảm tính, thiếu thuyết phục và rất có thể sẽ tăng thêm khốn khó cho ngư dân. 

Hồng Loan